Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam hoạt động thế nào?

12/01/2021 14:29 PM | Xã hội

Tingia.gov.vn tiếp nhận các thông tin về tin giả, thông báo bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật, công bố tin xác thực.

"Tin giả do con người tạo ra. Với các nền tảng kết nối có thể kết nối hàng tỷ người trên toàn thế giới, có tin giả, sẽ lập tức có hàng nghìn lượt chia sẻ với hàng triệu lượt xem, bình luận, rỉ tai, phao tin khiến tin giả tăng theo cấp số nhân. Uy tín danh dự của một con người bị bôi xấu, bào mòn mà không có cơ hội để giải thích, thanh minh. Tin giả làm xói mòn niềm tin xã hội, tạo ra những nghi ngờ có thể làm rạn nứt một tổ chức, gây hoang mang trong xã hội, thiệt hại không thể đo đếm được", Cục trưởng Lưu Đức Phúc giới thiệu về sự ra đời của trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông.

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam hoạt động thế nào? - Ảnh 1.
Giao diện website trung tâm xử lý tin giả Việt Nam

Tingia.gov.vn tiếp nhận các thông tin về tin giả, công bố bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật, công bố tin xác thực. Trung tâm nhận phản ánh từ website, email hoặc đầu số 18008108.

Trung tâm phân loại tin để dán nhãn cảnh báo. Tin giả là tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng. Tin sai sự thật là tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, tin không có sở cứ được lan truyền trong xã hội và trên không gian mạng. Tin xác thực là tin đúng sự thật, được kiểm chứng, kết luận bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Thông tin trên trung tâm xử lý tin giả Việt Nam được chia thành các lĩnh vực gồm chính sách - pháp luật, kinh tế - tài chính, y tế - sản phẩm liên quan sức khỏe con người, thiên tai - dịch bệnh, an ninh quốc gia - trật tự an toàn xã hội, tài khoản giả mạo, đường link lừa đảo, lĩnh vực khác.

Ngoài ra, trung tâm còn chủ động phát hiện các xu hướng thông tin có lượng người chia sẻ, tương tác lớn để đánh giá, thẩm định, dán nhãn tin giả nếu có, để cảnh bảo người dân không chia sẻ. Hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh tin giả.

Sau thời gian ngắn ra mắt, trung tâm xử lý tin giả Việt Nam đưa ra các cảnh báo như tin sai sự thật về cơn bão số 5 2020, fanpage giả mạo VTV, tài khoản giả mạo trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, fanpage Bích Thuỷ TV đăng tải thông tin sai sự thật về việc công an đánh và tạm giữ 2 phóng viên ở Bình Dương…

Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam hoạt động thế nào? - Ảnh 2.

Việt Nam hiện có khoảng 70 triệu người dùng Internet, phần lớn trong số đó sử dụng mạng xã hội. Thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy, từ khi dịch Covid xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam có hơn 900.000 thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh. Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, chỉ hơn hai tháng, công an các đơn vị, địa phương trong cả nước xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật, có hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về dịch Covid trên không gian mạng bị cơ quan chức năng xử lý.

Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng và nhiều nghị định liên quan đến quy định xử lý các hành vi vi phạm về tin giả, gần đây nhất là Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

Bảo Nhi

Cùng chuyên mục
XEM