Trung tâm tiếng Anh "kì lạ" của cựu SV Cambridge, Stanford: Chấp nhận 5 năm lỗ, không marketing, giáo viên không chuyên, nhưng dịch vụ vừa rẻ vừa tốt

20/06/2017 14:02 PM | Kinh doanh

Sẵn sàng chấp nhận lỗ trong 5 năm đầu, chàng trai 8x Trần Việt Hưng quyết tâm chứng minh một mô hình giáo dục như thế này vẫn còn tồn tại ở Việt Nam: chất lượng cao, giá thành thấp.

Những năm gần đây, thị trường trung tâm tiếng Anh ở Việt Nam đã trở nên khá bão hòa với nhiều tên tuổi lớn nhỏ cùng cạnh tranh để cung cấp các dịch vụ giáo dục, từ giao tiếp đến luyện thi, hay tiếng Anh nhắm vào mỗi nhóm khách hàng cụ thể như trẻ em, sinh viên, người đi làm… Chỉ cần gõ từ khóa “trung tâm tiếng Anh” vào Google, trong chưa đầy một giây, hơn 10 triệu kết quả tìm kiếm được trả về.

Giữa “biển” trung tâm như vậy, cái tên 7Astar chỉ là một chấm nhỏ khá mờ nhạt.

“Mọi người nghĩ các trung tâm tiếng Anh chi rất nhiều cho marketing nhưng từ khi thành lập đến giờ, mình chi chưa quá 1 triệu rưỡi. Mình cũng không tổ chức hội thảo hoành tráng mà chỉ chia sẻ trên Facebook, Youtube”, Trần Việt Hưng, người sáng lập 7Astar bộc bạch.

Sau khi tốt nghiệp đại học Cambridge (Mỹ) chuyên ngành kinh tế, sau đó theo học thạc sĩ tại đại học Stanford, Hưng trở về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tham gia vào một công ty khởi nghiệp về công nghệ. Đến khoảng giữa 2015, nhận thấy nhu cầu học tiếng Anh trong nước đang có sự thay đổi, Hưng bắt tay vào thành lập 7Astar.

Theo chàng trai sinh năm 1985, nếu trước đây học sinh học theo nghĩa chỉ cần tiếng Anh nghe nói, thì giờ họ nhắm đến mục đích rõ ràng hơn: để tham dự kỳ thi nào đấy, ví dụ Toeic, Ielts, Toefl. Đặc biệt ở tầm cấp ba, bên cạnh chương trình học phổ thông, nhiều học sinh còn có nhu cầu học các môn học nước ngoài để thi lấy chứng chỉ quốc tế, chuẩn bị sẵn sàng cho con đường du học sau này.

Và 7Astar ra đời để phục vụ nhu cầu như thế.

Không giống các trung tâm khác, 7Astar chọn con đường khá mới và khá “kén” người học: cung cấp các khóa học ACT (chứng chỉ giống với SAT nhưng có số lượng người dự thi trên thế giới nhiều hơn), AP (kì thi dành cho học sinh phổ thông có kế hoạch vào đại học ở Mỹ). Các kỳ thi này không chỉ đòi hỏi kỹ năng ngôn ngữ mà còn yêu cầu kiến thức trong một số lĩnh vực như toán, khoa học, lịch sử, nghệ thuật…

Thời kỳ mới mở lớp, các lớp học chỉ có 1-2 học sinh… là chuyện bình thường. Hưng tâm sự có khi anh đến tận nhà, thuyết phục phụ huynh cho con đi học hoàn toàn miễn phí nhưng học sinh vẫn không tham gia.

Bên cạnh đó, chiến lược marketing và mô hình tổ chức có phần “kỳ lạ” cũng khiến thương hiệu 7Astar gần như “chìm nghỉm”. Trong khi các thương hiệu khác không ngại đầu tư chi phí, đa dạng hóa các kênh quảng cáo thì Hưng tập trung vào phát tờ rơi, chia sẻ kinh nghiệm trên Facebook cá nhân, Fanpage…

Đội ngũ giáo viên ở trung tâm này cũng khá "lạ". Họ không có chứng chỉ sư phạm, không có kinh nghiệm giảng dạy, mà chủ yếu là những người đã từng học từ Cambridge, Oxford, đã từng thi các kỳ thi tương tự và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, truyền lửa cho thế hệ đi sau. Địa điểm học có thể chỉ là một phòng chung cư, một phòng to chia làm nhiều phòng nhỏ…Thậm chí ở 7Astar, chính các giáo viên, người sáng lập sẽ tư vấn cho phụ huynh chứ không có đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp nào cả.

“Mình không muốn làm những việc tốn chi phí để học sinh, phụ huynh phải trả mà thật sự không cần thiết”, Hưng chia sẻ.

Cũng theo Hưng do không tốn quá nhiều chi phí bên ngoài, nên trung tâm sẵn sàng trao tặng học bổng 50-100% cho những bạn học sinh giỏi, thanh toán chi phí để giáo viên tham dự các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế.

Tại trung tâm này, mỗi khi lớp học mới được thành lập, sẽ có một nhóm chat trên Facebook được lập để học sinh và giáo viên cùng trao đổi những vấn đề trên lớp hoặc bên ngoài cuộc sống. Nhiều giáo viên tâm huyết còn sẵn sàng dạy kèm riêng học sinh trước đợt thi mà không tính thêm học phí.

“Mình nhận thấy môi trường thân thiện, gắn bó giữa học sinh và giáo viên sẽ mang lại hiệu quả lớn mà nhiều mô hình hiện nay chưa làm được”, Hưng cho biết.

Nếu trong năm đầu tiên, trung tâm của Hưng chỉ có khoảng 100 học viên thì con số này đã tăng lên gần 1.000, tập trung tại 6 cơ sở ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều học sinh giành được mức điểm thi ACT tuyệt đối 36/36.

“Có thể một mảng nào đó, phải có nhiều học sinh thì mới có giá trị nhưng với phân khúc này, chỉ có một bằng chứng duy nhất là thành tích của học viên”, Hưng tâm sự.

Chàng trai 8x xác định mô hình vẫn đang lỗ sau khi thành lập được 2 năm và sẽ tiếp tục lỗ trong 3 năm tới. Nhưng anh vẫn quyết tâm duy trì mức học phí từ 100.000-250.000 đồng mỗi giờ bất chấp số lượng học sinh nhiều hay ít, lạm phát tăng hay giảm. Hưng đặt mục tiêu sau 5 năm, có thể chứng mình cho mọi người thấy một mô hình giáo dục mới, chất lượng cao, học phí thấp vẫn có thể tồn tại.

Theo anh, trong thời gian tới thị trường kinh doanh trung tâm tiếng Anh tại Việt Nam có thể tăng trưởng chậm hơn, “miếng bánh” cho các trung tâm lớn sẽ hết nhưng vẫn còn chỗ cho các trung tâm nhỏ. Vấn đề là các trung tâm này có đảm bảo chất lượng không hay chỉ chạy theo phong trào, hoặc ban đầu chất lượng tốt nhưng sau cũng phát triển ồ ạt và tự đánh mất mình.

“Nếu muốn đi đường dài trong khi không có nhiều tiền đầu tư, không có tiếng tăm thì phải xây dựng từ những thứ nhỏ nhất, từ những học sinh đầu tiên, luôn giữ vững chất lượng đào tạo. Còn chỉ chạy theo phong trào thì sớm muộn cũng có vấn đề”, Hưng kết luận.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM