Trung tá bảo vệ "kho báu" nguy cấp ở Quảng Bình, bị đánh tiếng đe dọa chỉ đáp thẳng một câu
Hơn 1 thập kỷ qua ông Tú đã miệt mài với công việc bảo vệ voọc. Ông không muốn con cháu mình sau này chỉ nhìn thấy voọc trong ảnh.
"Lúc ấy, có người ghét tôi, doạ làm hại gia đình tôi"
Ông Nguyễn Thanh Tú (62 tuổi ở thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) còn được biết tới với tên gọi "Tú Voọc". Ông vốn là bộ đội biên phòng, năm 2012, về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Một lần lên núi trồng rừng, ông phát hiện ra đàn voọc gáy trắng, loài động vật quý hiếm trong Sách đỏ cần được bảo vệ đang sống ngay ở vùng núi đá quê mình.
Cho đến giờ ông Tú vẫn nói việc ông quyết tâm bảo vệ đàn voọc như là một cái duyên.
"Lần đó, tôi đi trồng cây trên núi tình cờ thấy một đàn voọc. Tôi biết con voọc này là loài động vật quý hiếm. Tuy nhiên, người dân trong vùng lại không biết, nghĩ đó là vượn và săn bắt để bán và lấy thịt ăn. Tôi lo sợ một ngày người dân sẽ săn bắn hết voọc thì tiếc quá. Tôi không muốn con cháu mình sau này chỉ nhìn thấy voọc trong ảnh", ông Tú chia sẻ với Hội đồng Giám khảo Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize 2024. Dự án bảo tồn voọc gáy trắng của ông Tú là 1 trong số 32 dự án xuất sắc vào Chung kết giải thưởng uy tín này.
Nhớ những ngày đầu bảo vệ voọc, ông Tú bị một số người cùng địa phương gọi là "điên, khùng". "Tôi không cho dân vào khu vực rừng có đàn voọc sinh sống để chặt củi, săn bắn, đốt ong, thả dê. Việc làm này đảm bảo cho voọc có nguồn thức ăn, tránh việc cháy rừng…Ai cố tình vào rừng lấy củi, săn bắn… tôi báo cơ quan chức năng. Thế nên lúc đầu tôi bảo vệ voọc, nhiều người chưa hiểu họ ghét tôi lắm.
Thậm chí hồi ấy, một số người đi khai thác cây Hương giáng còn dọa sẽ giết tôi nữa đấy. Vì tôi phối hợp với kiểm lâm bắt và không cho họ vào rừng khai thác. Họ sinh thù hận, đánh tiếng dọa cho người làm hại tôi và gia đình. Nhưng tôi nghĩ mình làm việc có ích, việc đàng hoàng thì có gì phải sợ. Người đến đánh tiếng dọa nạt, tôi chỉ nói một câu: 'Là đàn ông phải quân tử, thách đố thẳng mặt, nếu đánh lén là tôi tự vệ chính đáng", ông Tú kể lại.
"Có người hứa cho tôi tiền tỷ để tôi ký giấy 'không có voọc'"
Theo ông Tú, vùng núi nơi đàn voọc sống có tiềm năng khai thác đá vôi rất lớn. Do đó, có một số doanh nghiệp tới đây khảo sát để xin quyền được khai thác. Đã có người ngỏ ý mua chuộc ông Tú bằng tiền tỷ để ông làm ngơ cho họ.
"Hồi đó, có người đến tận nhà, nói núi ở cạnh nơi tôi sống được định giá khai thác đá đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu tôi ký nhận không có voọc sinh sống ở đó thì họ sẽ trích phần trăm cho tôi. Họ hứa hẹn tôi sẽ có một khoản tiền lớn để dưỡng già. Nhưng tôi không đồng ý ký", ông Tú tâm sự.
Doanh nghiệp đó không đạt mục đích nên đã bỏ cuộc. Tuy nhiên, tiềm năng thu lợi từ khai thác đá vôi tại vùng núi xã Thạch Hóa rất lớn khiến nhiều người khác vẫn lao vào.
Ông Tú còn nhớ lần đó có một doanh nghiệp thuyết phục chính quyền địa phương thông qua dự án khai thác đá tại núi Hung Choi, thôn Hoà Bình, xã Thạch Hoá.
"Lúc đó là tối thứ Sáu, tôi gọi điện cho một nhà báo quen nhờ giúp đỡ. Nhà báo này đã tới nhà Bí thư tỉnh uỷ lúc đó là ông Hoàng Đăng Quang xin gặp và phản ánh sự việc", ông Tú nói. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của vị lãnh đạo, vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng.
Các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVII tại kỳ họp thứ 8 (năm 2018) đã biểu quyết loại bỏ quy hoạch mỏ đá có diện tích hơn 100 ha tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa nhằm dành không gian bảo tồn voọc.
Món quà bất ngờ từ giám khảo Human Act Prize
Có được sự ủng hộ của chính quyền các cấp từ địa phương tới tỉnh, công việc bảo tồn voọc của ông Tú thuận lợi hơn rất nhiều. Người dân địa phương cũng đã dần hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ voọc và đa dạng sinh học. Một số người đã tham gia vào Tổ tự nguyện bảo tồn voọc của ông Tú. Tuy nhiên, hoạt động của tổ vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Tú cho biết, trang thiết bị của tổ có 2 ống nhòm do mạnh thường quân ủng hộ, nhưng 1 chiếc đã hỏng. Hiện do thiếu trang thiết bị để quan sát voọc, nên khi đi tuần tra, thành viên tổ Tự nguyện chủ yếu dùng mắt thường "canh" voọc.
Tại Vòng Chung kết Human Act Prize 2024, sau khi ông Nguyễn Thanh Tú thuyết trình, biết được những khó khăn trong hoạt động của Tổ tự nguyện bảo tồn voọc, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đã ngay lập tức quyết định tặng dự án 1 chiếc flycam điều khiển từ xa.
Nhận được món quà ý nghĩa, ông Nguyễn Thanh Tú rất vui. Người cựu chiến binh này chia sẻ: "Tôi đã rất bất ngờ vì ra Hà Nội thuyết trình thì công việc chúng tôi được ghi nhận. Được đồng chí Minh tặng flycam tôi vui lắm. Có thiết bị này chúng tôi có thể quan sát đàn voọc mà không phải vất vả như trước".
Hiện Tổ tự nguyện của ông Tú chỉ có 16 người, trong khi diện tích họ giám sát đàn voọc lên đến 12km2. Có thiết bị hiện đại, công việc của tổ chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
Voọc gáy trắng (tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis), một loài đặc hữu của Việt Nam, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng. Được xếp vào danh sách các loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ ưu tiên (tại phụ lục II, Công ước CITES 2008; nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NÐ-CP; trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NÐ-CP của Thủ tướng Chính phủ; Sách đỏ thế giới IUCN và Sách đỏ Việt Nam), voọc gáy trắng đang đối mặt với nhiều áp lực như mất môi trường sống, số lượng cá thể voọc trong tự nhiên ngày càng giảm do săn bắt và khai thác tài nguyên như khai thác đá, khai thác củi.