Trung Quốc và 15 năm cách mạng đường sắt

27/12/2021 13:47 PM | Xã hội

Chỉ trong 15 năm, Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi của ngành đường sắt.

Theo hãng tin CNN, Trung Quốc vốn chẳng có tuyến tàu cao tốc nào vào đầu thế kỷ 21. Ngành đường sắt ủa Trung Quốc thời điểm này rất chậm, kém hiệu quả và chưa hoàn toàn phân bổ hết toàn quốc.

Thế nhưng chỉ trong vòng 15 năm kể từ năm 2008 đến nay, mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi khi Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới về mảng tàu cao tốc.

Hiện nền kinh tế số 2 thế giới đang có hơn 37.900 km đường tàu cao tốc trải dài khắp đất nước và một nửa trong số đó mới chỉ được hoàn thành trong 5 năm vừa qua. Theo dự kiến, tổng số chiều dài đường tàu cao tốc sẽ được tăng lên gấp đôi, tức 70.000 km vào năm 2035.

Với tốc độ lên tới 350km/h, mạng lưới tàu cao tốc này đã nhanh chóng thống trị mảng giao thông, qua đó đe dọa đường hàng không lẫn đường bộ để trở thành phương tiện di chuyển đông đúc nhất tại Trung Quốc.

Tính đến năm 2020, khoảng 75% số thành phố lớn tại Trung Quốc với dân số hơn 500.000 người đã được kết nối với tàu cao tốc.

Để so sánh. Tây Ban Nha là nước có trình độ phát triển tàu cao tốc lớn nhất Châu Âu nhưng cũng chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc, với khoảng hơn 3.200 km đường tàu và vận tốc tối đa cũng chỉ vào khoảng 250km/h.

Tại Anh, họ chỉ có 107 km đường tàu cao tốc còn tại Mỹ thì chỉ có duy nhất 1 tuyến tàu cao tốc với vận tốc tối đa 240 km/h chuyên để chở hàng.

Biểu tượng cho sức mạnh

Với Trung Quốc, tàu cao tốc không chỉ là phương tiện giao thông hiệu quả trong bối cảnh diện tích rộng lớn nhưng lại thiếu xăng dầu, cơ sở hạ tầng như sân bay... Hãng tin CNN nhận định đây còn là biểu tượng cho sức mạnh cả về kinh tế, công nghệ lẫn sự thịnh vượng.

Tương tự như tại Nhật Bản thập niên 1960 khi họ xây dựng các chuyến tàu cao tốc Shinkansen, chúng đã trở thành biểu tượng cho sự hiện đại hoá, công nghệ phát triển, kinh tế tăng trưởng và sự phồn thịnh của đất nước. Giờ đây, Trung Quốc cũng muốn thể hiện được vị thế của mình sau nhiều năm bùng nổ.

Với chính quyền Bắc Kinh, tàu cao tốc còn mang nhiều ý nghĩa về địa chính trị hơn khi kết nối được các vùng rộng lớn của đất nước vốn có sự khác biệt về văn hoá, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tiêu dùng nội địa thay vì chú trọng xuất khẩu như trước.

Hãng tin CNN nhận định Trung Quốc đang tái hiện lịch sử ngành đường sắt thế giới khi nhiều tuyến đường tàu hỏa tại Bắc Mỹ, Châu Âu hay các thuộc địa trước đây cũng từng được xây dựng với mục đích tương tự.

Tuy nhiên, trong khi các nước khác phải mất hàng thập niên để phát triển đường sắt thì Trung Quốc lại đạt được sức mạnh này chỉ trong vài năm ngắn ngủi.

Trung Quốc và 15 năm cách mạng đường sắt - Ảnh 1.

"Người Trung Quốc đã tạo nên một hệ thống đường tàu cao tốc với độ phủ sóng rộng lớn, tốc độ nhanh và đáng tin cậy hơn cả ngành hàng không", chuyên gia Mark Smith, tác giả cuốn "The Man in Seat 61" nhận định.

Thậm chí, Trung Quốc còn hiện đại hóa đến từng dịch vụ như bán vé khi người dân chỉ cần quét thẻ căn cước hoặc hộ chiếu là có thể mua vé điện tử, qua đó loại bỏ hoàn toàn vé giấy.

Từ vị thế phải phụ thuộc vào các hãng Châu Âu hay Nhật Bản, hàng loạt công ty đường sắt của Trung Quốc đã vươn mình trở thành người đứng đầu trong mảng tàu cao tốc trên thế giới.

Công nghệ đi đầu

Theo hãng tin CNN, Trung Quốc đã phải vượt qua khá nhiều khó khăn trước khi xây dựng được mạng lưới đường sắt hiện đại như ngày này. Với diện tích rộng và hàng loạt thách thức về địa hình, địa chất, khí hậu, các kỹ sư phải giải quyết khó khăn từ khu vực lạnh giá phủ tuyết ở phương Bắc đến những nơi nóng ẩm phương nam hay vùng sa mạc Gobi rộng lớn.

Thêm vào đó, việc phát triển quá nhanh cũng gây ra nhiều tranh cãi khi các chuyên gia cho rằng chính phủ chưa quan tâm đúng mức đến cộng đồng dân cư địa phương phải giải phóng mặt bằng cho mạng lưới đường tàu. Tồi tệ hơn, vụ tai nạn năm 2011 khiến 40 người thiệt mạng do 2 đoàn tàu đâm nhau đã khiến người dân nghi ngờ về chất lượng công trình.

May mắn thay, Trung Quốc không có vụ tai nạn nào nữa từ đó đến nay và số người đi tàu cao tốc dần tăng mạnh trở lại bởi sự tiện lợi. Tính đến cuối năm 2020, ngành đường sắt Trung Quốc đã vận hành hơn 9.600 chuyến tàu cao tốc mỗi ngày, bao gồm cả những dịch vụ tàu cao tốc chạy qua đêm duy nhất trên thế giới trên tuyến đường dài.

Hãng tin CNN nhận định việc Trung Quốc xây dựng được các tuyến đường tàu cao tốc trong thời gian cực ngắn, với nhiều tuyến có đến 80% là chạy trên cao hay qua các cây cầu băng sông ấn tượng, cho thấy sức mạnh công nghệ đáng sợ của quốc gia này.

Trung Quốc và 15 năm cách mạng đường sắt - Ảnh 2.

Không dừng lại ở tốc độ hay độ bền, Trung Quốc còn đi đầu thế giới về công nghệ tàu cao tốc tự hành hay kỹ thuật điều khiển tàu hiện đại. 

Ví dụ như tàu cao tốc tự hành nối liền thủ đô Bắc Kinh và thành phố Zhangjiakou có thể đạt vận tốc tới 350 km/h, trở thành tuyến tàu cao tốc tự hành nhanh nhất thế giới, nhờ đó giảm thời gian di chuyển từ 3 tiếng xuống chỉ còn 45 phút. Xin được nhắc là tuyến tàu cao tốc này chỉ được xây dựng trong vỏn vẹn 4 năm.

Tuyến tàu cao tốc này có tủ đồ đủ rộng để cất các dụng cụ thể thao mùa đông, chuẩn bị cho Thế vận hội mùa đông sắp diễn ra tại Bắc Kinh. Chúng cũng có ghế ngồi điều khiển cảm ứng 5G, hệ thống ánh sáng màn hình thông minh và nhiều cảm biến công nghệ cao khác. Thậm chí công nghệ nhận dạng khuôn mặt và robot cũng được sử dụng để giúp thuận tiện việc mua vé, checkin.

"Trong khi nước Anh còn đang tranh cãi về việc xây dựng tuyến đường tàu cao tốc số 2 thì Trung Quốc đã trải rộng chúng khắp đất nước...Tất cả những gì bạn cần làm là quẹt thẻ căn cước hay hộ chiếu là bạn có thể lên dường với giá vé từ 13 USD", chuyên gia Smith cho biết.

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM