Trung Quốc – Thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp xa xỉ

02/02/2021 12:00 PM | Xã hội

Theo số liệu nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ), quy mô thị trường tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ tăng hơn 50% trong thập kỷ tới.

Đà tăng này được đóng góp một phần nhờ mức tăng trưởng dương về doanh số bán hàng xa xỉ trong năm 2020 tại đại lục. Quốc gia này thậm chí còn được kì vọng sẽ trở thành thị trường xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025 trong bối cảnh giới giàu có tại Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hầu bao như một cách để mua sắm trả thù sau một thời gian dài bị đóng băng vì dịch bệnh.

Không thể xuất ngoại vì dịch COVID-19, những người giàu có ở Trung Quốc bỏ ra hàng tỷ USD mua đồ hiệu để thỏa mãn nhu cầu tiêu tiền. Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company và trang bán lẻ trực tuyến Tmall, doanh số bán hàng xa xỉ tại Trung Quốc tăng gần gấp đôi trong năm 2020, đạt 346 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 53,5 tỷ USD. Điều này đẩy chỉ số giá tiêu dùng xa xỉ dành cho các gia đình giàu có của Trung Quốc tăng tới 3,4%.

Trung Quốc – Thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp xa xỉ - Ảnh 1.

Một cửa hàng của thương hiệu Versace tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Các lệnh hạn chế đi lại khiến nội địa trở thành thị trường tiềm năng cho những tín đồ mua sắm giàu có.

Ông Yves Morath, Giám đốc Công ty Swiss Business Hub tại Trung Quốc, cho biết: "Việc mua sắm đồ xa xỉ của người tiêu dùng Trung Quốc chủ yếu diễn ra tại thị trường trong nước".

Thói quen mua sắm online hình thành trong bối cảnh đại dịch cũng khiến doanh số bán hàng xa xỉ trực tuyến khởi sắc. Một số thương hiệu cao cấp, theo đó, cũng được thúc đẩy phát triển mảng trực tuyến để chiếm thêm thị phần.

Bà Yang Li, chuyên gia tư vấn thuộc Tập đoàn Boston Consulting Group, nói: "Ở hầu hết các thị trường Mỹ và châu Âu, thị phần bán hàng xa xỉ trực tuyến không vượt quá 10%. Trong khi đó, thị phần đồ cao cấp trực tuyến tại Trung Quốc lại chiếm tới gần 20%".

Trung Quốc – Thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp xa xỉ - Ảnh 2.

Người dân Trung Quốc đang xếp hàng trước cửa hàng miễn thuế Gucci tại thành phố Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Việc thị phần của Trung Quốc trên thị trường hàng xa xỉ toàn cầu tăng gần gấp đôi, lên 20% đã nâng tầm vị thế quan trọng của giới nhà giàu Trung Quốc. Những thương hiệu nổi tiếng như Gucci hay Louis Vuition hiện đang cũng hợp tác với KOLs - những người có tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc để quảng cáo cho bộ sưu tập Tết Nguyên đán của mình.

Đại dịch đã định hình lại ngành công nghiệp xa xỉ trên toàn cầu. Các thương hiệu nổi tiếng như Dior và Chanel thậm chí còn chuyển đổi một số dây chuyền sản xuất để kinh doanh khẩu trang, nước rửa tay và các vật tư y tế khác. Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp này có thể cần tới 3 năm để phục hồi hoàn toàn.

Huệ Anh

Cùng chuyên mục
XEM