Trung Quốc mở cửa biên giới: Hàng Việt giảm chi phí

09/01/2023 14:02 PM | Kinh tế vĩ mô

Nhiều doanh nghiệp vui mừng khi Trung Quốc mở cửa lại biên giới từ ngày 8-1, giúp giao thương thuận lợi hơn, giảm chi phí.

Trung Quốc

Hàng ngàn xe chờ tại bãi cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn để thông quan hàng hóa sang Trung Quốc - Ảnh: NAM TRẦN

Từ ngày 8-1-2023, Trung Quốc gỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm axit nucleic phòng chống dịch COVID-19 tại cửa khẩu với hàng hóa nhập khẩu, gồm cả hàng đông lạnh.

Doanh nghiệp vẫn thận trọng

Trong ngày đầu tiên áp dụng quy định mới, ghi nhận tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), nhiều doanh nghiệp và lái xe vẫn chưa chuyển hàng theo cách truyền thống. 

Tại bến xe Tân Thanh, tài xế Hoàng Văn Tiến (42 tuổi, quê Bắc Giang) chia sẻ vẫn chuyển theo cách cắt container (xe đầu kéo Việt Nam đưa container hàng đến bãi, một xe khác của Trung Quốc cắt móc, cẩu container tại đó về nước bạn). 

Tuy nhiên, anh cho hay nếu được giao hàng tận kho bên Trung Quốc như trước dịch COVID-19 thì tài xế chủ động thời gian. Anh nhẩm tính chạy được tối đa ba chuyến/tháng, thu nhập cũng tăng lên.

"Trước đây, có những chuyến hàng ngồi chờ xuất hàng cả tháng. Ăn uống dè sẻn cũng phải 200.000 đồng/ngày, 1 triệu đồng tiền dầu bật máy lạnh để hoa quả tươi", anh Tiến nói.

Chị Trần Thị Hằng, đại diện Công ty CP vận tải Thái Việt Trung, cho hay: "Ngày 8-1, Trung Quốc cho phép tài xế lái xe container có sổ thông hành, giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ sang thẳng kho bên nước này. 

Tuy nhiên, bên mình cũng như nhiều doanh nghiệp khác vẫn dùng phương thức chuyển hàng qua cắt container do chưa kịp chuẩn bị đầy đủ phương án. Sắp tới, công ty cũng sẽ triển khai phương thức giao nhận hàng truyền thống", chị Hằng chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đoàn Thu Hà, phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho hay tỉnh đã có hướng dẫn chi tiết về phương thức giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu.

Trước mắt, vẫn thực hiện song song hai phương thức. Một là giao nhận hàng hóa qua công ty vận tải chuyên trách. Hai là truyền thống, lái xe và người đi cùng xe qua biên giới hai nước để giao nhận hàng hóa đến thẳng bến bãi của nước đối diện.

Trong khi ở cửa khẩu Hữu Nghị, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khôi phục như truyền thống, khuyến khích phương thức "xe hàng sang - xe hàng về".

UBND tỉnh Lạng Sơn lưu ý lái xe và người đi cùng trước khi chở hàng xuất nhập khẩu vào Trung Quốc phải có xét nghiệm PCR âm tính trong 48 giờ và điền vào phiếu khai báo sức khỏe do Hải quan Trung Quốc yêu cầu. Cá nhân tự khai báo và chịu trách nhiệm thông tin cung cấp.

Vui vì thông suốt, giảm chi phí

Trong "ngày đặc biệt" 8-1, ông Nguyễn Hoài Nam (thương lái ở Hà Nội) có đơn hàng xuất khẩu tinh bột sắn, chanh dây, nhãn Thái sang Trung Quốc. Ông Nam chia sẻ: "Hàng của tôi đi qua đơn giản, vì hải quan nước này đã có mã các mặt hàng xuất khẩu". 

Tuy vậy, không ít các mặt hàng của các chủ khác bị trả về, chứ không thể nghĩ đơn giản gỡ bỏ "rào" xét nghiệm là hàng qua ào ào.

Ông Nam cho rằng chưa thấy thuận lợi nào lớn, trừ việc đi lại dễ dàng, bãi bỏ được việc yêu cầu phun khử trùng xe khoảng 300.000 đồng/xe.

Ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin trung bình mỗi tháng xuất khẩu rau củ quả sang Trung Quốc có kim ngạch từ 300 - 350 triệu USD, mỗi quý 1,2 - 1,4 tỉ USD. 

Ông Nguyên cho hay quan trọng nhất là giao hàng nhanh không chờ, chi phí vận chuyển giảm, tăng chất lượng hàng, giá thành hạ...

Tuy nhiên, giá thành bên phía Trung Quốc cao nên khi hàng Việt đẩy xuất khẩu, ông Nguyên cảnh báo khả năng nhiều mặt hàng nội sẽ tăng giá.

Hàng không: Giá "chát", không dễ hồi phục

Làm ở doanh nghiệp chuyên nhập khẩu linh kiện động cơ đốt trong ở Trung Quốc, anh Tống Quang Thông (quận 4, TP.HCM) cho biết khi mở lại đường bay Tân Sơn Nhất - Quảng Châu sẽ tính mua vé.

Anh Thông chần chừ chưa đi ngay mà nghe ngóng phương án phòng chống dịch và chờ thêm nhiều chuyến bay thường lệ để giá vé "hạ nhiệt" vì tuyến bay trên, đi cuối tháng 1 và trở về Việt Nam giữa tháng 2, giá vé khứ hồi lên đến 61 triệu đồng.

Đại diện Bamboo Airways cho hay đang tìm kiếm sự hợp tác để thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Đầu tháng 12-2022, Bamboo Airways đã triển khai các chuyến bay thẳng nhưng chưa phải là chuyến bay thường lệ, kết nối Hà Nội với Thiên Tân - một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương Trung Quốc.

Hãng đặt kế hoạch khai thác 20 - 30 đường bay thường lệ, thuê chuyến đến Trung Quốc.

Trong khi đó, Vietnam Airlines cho biết sẽ tiếp tục khai thác các đường bay Hà Nội - Nam Kinh, Thượng Hải; TP.HCM - Thâm Quyến, Hàng Châu, Thượng Hải... với 6 chuyến bay/tuần.

Từ tháng 3-2023 mới tăng dần tần suất khai thác từ 3 chuyến/tuần lên 5 chuyến/tuần đến các điểm Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, ưu tiên các đường bay thường lệ.

Phía Vietjet hiện đang khai thác các đường bay TP.HCM - Thâm Quyến, Hàng Châu, Thượng Hải, Tứ Xuyên, Vũ Hán với 6 chuyến bay/tuần. Từ 23-1-2023, hãng này sẽ bắt đầu khai thác thêm các đường bay từ Cam Ranh đến Thành Đô, Hạ Phì...

Đại diện một hãng bay cho rằng trong 2 - 4 tháng nữa, khách chủ yếu vẫn là thương nhân, người thăm thân nhân, du học sinh. Do đó, thị trường hàng không Việt - Trung chưa thể phục hồi nhanh như trước dịch.Công Trung

Kỳ vọng năng lực thông quan tăng mạnh

Với hoạt động xuất nhập khẩu, ông Hà Đức Thuận, phó Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, cho biết do sát Tết Nguyên đán nên lượng hàng hóa tập kết tại cửa khẩu không tăng đột biến.

Tuy nhiên, sau khi phía Hà Khẩu khôi phục toàn bộ hoạt động, đặc biệt là cho lái xe Việt Nam sang Trung Quốc thì năng lực thông quan kỳ vọng tăng gấp đôi.

Năm 2023 Lào Cai đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu Lào Cai đạt 5 tỉ USD (tăng gấp đôi so với năm 2022).

CHÍ TUỆ

Gần 1.000 người về Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái

Tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), lực lượng chức năng đã làm thủ tục xuất cảnh cho gần 1.000 người Trung Quốc, chủ yếu là

lao động tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà trên địa bàn hồi hương. Trong khi đó, lượng người nhập cảnh về Việt Nam không đáng kể (chỉ 24 người).

Trong ngày 8-1, ông Hoàng Khánh Duy, phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn), cho biết biên phòng Trung Quốc và biên phòng Việt Nam đã thống nhất rằng công dân Trung Quốc có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính bằng phương pháp PCR có giá trị trong 48 giờ đều được tạo điều kiện xuất cảnh.

Điều này thay thế cho việc người Trung Quốc hồi hương phải xét nghiệm tại một trong tám cơ sở do Đại sứ quán Trung Quốc chỉ định cấp giấy.

Ước tính ngày 8-1, hàng nghìn công dân Trung Quốc tới cửa khẩu Hữu Nghị làm thủ tục về nước.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái, đơn vị đã có phương án xử lý tình huống cư dân qua lại biên giới dưới 5.000 lượt/ngày, 5.000 - 10.000 lượt/ngày, 10.000 - 15.000 lượt/ngày và trên 15.000 lượt/ngày.

Theo Hà Quân - Thảo Thương

Cùng chuyên mục
XEM