Trung Quốc đau đầu vì dân quá mê tiền số

18/01/2024 15:35 PM | Kinh doanh

Giao dịch tiền số tại Trung Quốc vẫn phổ biến bất chấp lệch cấm của chính phủ.

Trung Quốc là một trong số những quốc gia áp dụng các biện pháp cứng rắn nhất với tiền số khi hồi năm 2021 tuyên bố tất cả giao dịch liên quan đến đồng tiền này đều bị coi là bất hợp pháp.

“Các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền số là hoạt động tài chính bất hợp pháp”, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết và khẳng định hoạt động này “gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an toàn tài sản của nhân dân”. Phía ngân hàng cũng cảnh báo người vi phạm “sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Nhiều sàn giao dịch tiền số lớn được thành lập ở Trung Quốc, bao gồm cả Binance, đã buộc phải dừng hoạt động tại đại lục. Đây là đỉnh điểm của cuộc đàn áp kéo dài nhiều năm, trong bối cảnh nước này tăng cường giám sát các giao dịch tiền số và loại bỏ tận gốc hành vi đầu cơ.

“Các tổ chức tài chính và tổ chức thanh toán phi ngân hàng không được phép cung cấp các dịch vụ và hoạt động liên quan đến tiền số”, PBOC cho biết.

Thế nhưng, hiện tại, giao dịch tiền số tại Trung Quốc vẫn phổ biến. Các nhà giao dịch lách luật bằng cách sử dụng kết hợp công nghệ che giấu vị trí, lợi dụng kiểm soát lỏng lẻo và họp bí mật tại các quán cà phê, nhà hàng.

Theo công ty phân tích chuỗi khối Chainalysis, các nhà giao dịch Trung Quốc đã kiếm được 86 tỷ USD tiền mặt từ hoạt động tiền số trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2022 đến tháng 6 năm 2023. Chỉ trong một tháng năm ngoái, họ đã giao dịch khoảng 90 tỷ USD bên Binance.

“Thật khó để bắt tận tay. Có một tỷ người ở Trung Quốc. Làm sao bạn biết họ đang mua gì?”, Bobby Lee, người sáng lập dịch vụ lưu trữ tiền số Ballet cho biết.

Nhiều người dùng trong nước vẫn có tài khoản giao dịch tại các sàn bên ngoài Trung Quốc. Theo một số thông tin nội bộ, họ thường truy cập tài khoản này thông qua mạng ảo để che giấu vị trí của họ.

Một số sàn giao dịch, bao gồm Bybit, KuCoin và Gate.io, hiện không cho phép người dùng ở Trung Quốc mở tài khoản. Trong khi đó, sàn HTX, còn được gọi là Huobi, đã tạo ra một chương trình giúp người dùng sử dụng một quốc tịch khác khi mở tài khoản.

Trung Quốc đau đầu với dân ‘nghiện’ tiền số: Kín đáo đến các tiệm giặt là, quán cà phê…để giao dịch, lập hội nhóm trên WeChat, Telegram để kiếm tiền bất chấp - Ảnh 1.

Một xưởng khai thác Bitcoin ở Tứ Xuyên, Trung Quốc

Nhiều người giao dịch muốn mua Bitcoin, Tether hoặc các loại tiền số khác còn tìm đến các ứng dụng truyền thông xã hội như WeChat và Telegram. Các hội nhóm cho phép người mua và người bán dễ dàng tìm thấy nhau mà không cần trao đổi nhiều. Hoạt động chủ yếu diễn ra ở những thành phố xa trung tâm - nơi chính quyền địa phương quản lý khá lỏng lẻo.

Theo WSJ, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường đến các tiệm giặt là, quán cà phê, ki-ốt bán đồ ăn nhanh hoặc quán ăn để tìm kiếm giao dịch. Số khác dựa vào truyền miệng, người thân.

“Bạn chỉ cần đến quán cà phê và đưa cho họ ổ USB hoặc trao đổi thông tin chi tiết về ví”, Ben Charoenwong, trợ lý giáo sư tài chính tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.

Câu chuyện đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với chính phủ Trung Quốc - nơi áp đặt các biện pháp kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt. Nhiều người cho rằng chính điều này, vô hình chung, lại càng dồn nén nhu cầu đầu tư tiền số.

“Điều này cho thấy hoạt động khai thác ngầm quy mô lớn đã hình thành tại Trung Quốc. Tiếp cận nguồn điện ngoài lưới điện quốc gia, rải rác ở nhiều nơi và hoạt động quy mô nhỏ lẻ là cách giới thợ đào Bitcoin ngầm sử dụng để che giấu hoạt động”, một báo cáo cho biết.

Vào cuối tháng 12, Trung Quốc công bố thông tin chi tiết về cuộc trấn áp dòng tiền xuyên biên giới bất hợp pháp. Cơ quan công tố và quản lý ngoại hối đã nêu bật 8 ví dụ điển hình. Hai trong số đó liên quan đến việc chuyển đổi giữa đồng nhân dân tệ, USDT và ngoại tệ.

“Đầu cơ vào Bitcoin và các giao dịch tiền ảo khác sẽ phá vỡ trật tự kinh tế và tài chính, đồng thời ảnh hưởng tới sự an toàn của tài sản công”, đại diện PBOC nói.

Bộ Tài chính cho biết hồi tháng 10 rằng họ đã xác định được một mạng lưới tội phạm có trụ sở tại Trung Quốc chuyên cung cấp hóa chất dùng để sản xuất fentanyl và các loại ma túy. Chúng thường giao dịch với nhau bằng tiền số.

Các nhà đầu tư Trung Quốc vốn đóng vai trò quan trọng trong các giao dịch tiền số. Theo một nghiên cứu của các học giả Conghui Chen và Lanlan Liu, đồng nhân dân tệ là loại tiền tệ phổ biến nhất được sử dụng để giao dịch Bitcoin trước khi Bắc Kinh bắt đầu ra lệnh đóng cửa các sàn giao dịch vào năm 2017.

Vào năm 2021, chính phủ tăng cường trấn áp hoạt động khai thác tiền số. Trung Quốc chịu trách nhiệm khoảng 3/4 hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn cầu vào năm 2019, song tỷ lệ này sau đó đã giảm xuống còn khoảng 1/5 vào đầu năm 2022.

Theo quan điểm của PBOC, các giao dịch tiền số làm trầm trọng thêm vấn dịch chuyển vốn. Với chương trình thịnh vượng chung, Trung Quốc đặt mục tiêu hạn chế chảy máu dòng tiền và khuyến khích luân chuyển của cải trong nước. Việc triển khai sẽ gặp khó khăn nếu không cấm triệt để các hoạt động liên quan tiền số.

Theo Chainalysis Blockchain, nền tảng theo dõi dữ liệu, trong giai đoạn 2019-2020, đã có hơn 50 tỷ USD tiền mã hoá rút khỏi khu vực Đông Á, và phần lớn trong số đó là từ Trung Quốc.

Theo: WSJ, Reuters

Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.

Vũ Anh

Từ khóa:  tiền số , bitcoin
Cùng chuyên mục
XEM