Trung Quốc đào đường hầm đưa nước từ đập Tam Hiệp đến Bắc Kinh

27/07/2022 15:29 PM | Xã hội

Trung Quốc vừa khởi động một dự án đào đường hầm mới để đưa nước từ đập Tam Hiệp đến thủ đô Bắc Kinh. Đây là một phần của kế hoạch cơ sở hạ tầng khổng lồ nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực và kinh tế.

Đường hầm Yinjiangbuhan, kết nối với một con kênh mở, dài 1.400km. Dự kiến đường hầm ​​mất 10 năm để xây dựng và tiêu tốn 8,9 tỉ USD.

Yinjiangbuhan sẽ giúp thoát nước từ Tam Hiệp - con đập lớn nhất thế giới - ra sông Hán, một nhánh chính của sông Dương Tử.

Khi đến hồ chứa Đan Giang Khẩu ở hạ lưu sông Hán, nước sẽ chảy về phía bắc đến tận Bắc Kinh qua đường trung tuyến của Dự án chuyển hướng nước Nam - Bắc, một con kênh mở dài 1.400km.

Đường hầm Yinjiangbuhan có nhiều đoạn sẽ đi sâu tới 1.000m dưới lòng đất, theo báo SCMP.

Ông Niu Xinqiang - chủ tịch Viện Khảo sát, quy hoạch, thiết kế và nghiên cứu Trường Giang - cho biết: "Đường hầm Yinjiangbuhan sẽ thiết lập kết nối vật lý giữa đập Tam Hiệp và Dự án chuyển hướng nước Nam - Bắc, hai cơ sở hạ tầng quan trọng của Trung Quốc ".

Tài nguyên nước của Trung Quốc được phân bổ không đồng đều. Phía đông và nam của Trung Quốc thường xuyên bị lũ lụt, trong khi tình trạng thiếu nước đã hạn chế nghiêm trọng sự phát triển kinh tế và sản xuất lương thực ở các khu vực phía tây và phía bắc.

 Trung Quốc đào đường hầm đưa nước từ đập Tam Hiệp đến Bắc Kinh - Ảnh 1.

Đường hầm Yinjiangbuhan sẽ thoát nước từ Tam Hiệp ra sông Hán, một nhánh sông Dương Tử - Ảnh: XINHUA

Ông Liang Shumin, một nhà nghiên cứu về kinh tế và phát triển của Học viện Khoa học nông nghiệp Trung Quốc, nói tổng chiều dài của các đường hầm và kênh đang được xây dựng hoặc được lên kế hoạch dẫn nước ở Trung Quốc có thể lên tới gần 20.000km.

Tuy nhiên, liệu các dự án này có nên được xây dựng hay không là chủ đề của cuộc tranh luận đang diễn ra.

Theo ước tính của ông Liang, các dự án sẽ tiêu tốn của người nộp thuế hơn 9.000 tỉ nhân dân tệ (1.330 tỉ USD) trong 30 năm tới, tương đương khoảng 8% GDP của cả nước vào năm 2021.

Song với những cơ sở hạ tầng này có thể nâng sản lượng lương thực hằng năm của Trung Quốc lên hơn 540 triệu tấn, gần bằng tổng sản lượng nông nghiệp của Mỹ hiện tại, ông Liang cho biết.

Trung Quốc hiện sản xuất 660 triệu tấn lương thực mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. Nhưng để đáp ứng mức sống ngày càng cao của 1,4 tỉ công dân, nước này nhập khẩu hơn 100 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm.

Cơ sở hạ tầng dẫn dòng nước mới có thể biến gần 750.000km2 đất thải - lớn hơn diện tích của Chile - thành những trang trại thích hợp để trồng lúa mì, lúa, ngô, đậu và các loại cây trồng khác, theo ông Liang.

Theo một số nhà khoa học, cơ sở hạ tầng phân phối lại nguồn nước khổng lồ này có thể làm thay đổi cảnh quan của Trung Quốc.

Ví dụ, Dự án chuyển hướng nước từ Nam sang Bắc đã đưa 54 tỉ m3 nước từ khu vực sông Dương Tử để đáp ứng nhu cầu của hơn 140 triệu người ở miền bắc Trung Quốc kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2014 - gần bằng số lượng của nước trong toàn bộ sông Hoàng Hà.

Điều này dẫn đến những thay đổi cảnh quan gần như ngay lập tức. Tại một số thành phố như Hình Đài, nước ngầm dâng cao đến mức tràn vào một số bãi đậu xe và hầm trú ẩn dưới lòng đất, theo các bản tin địa phương.

Các nhà khoa học tham gia dự án cho biết Trung Quốc cũng đang xây dựng đường hầm dài nhất thế giới ở Tân Cương với hơn 20 máy khoan đường hầm hoạt động đồng thời.

Ngoài ra còn có một kế hoạch chuyển hướng dòng nước băng tuyết từ cao nguyên Tây Tạng đến sa mạc Gobi và Taklimakan.

"Đây là nỗ lực kỹ thuật nước lớn nhất trong lịch sử loài người. Hiệu quả tổng thể và tác động môi trường của các dự án này phần lớn vẫn chưa được biết đến", một nhà địa chất học ở Bắc Kinh, đề nghị giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề này, tiết lộ.

Nhiều dự án chuyển hướng nước ở Trung Quốc, bao gồm cả đường hầm Yinjiangbuhan, phải đi qua một số địa hình khó khăn nhất trên Trái đất.

Các kỹ sư và công nhân đào hầm phải đối mặt với một danh sách dài các thách thức, trong đó có áp lực đè nén trong đá sâu, vùng đứt gãy hoạt động, lũ lụt và nhiệt mà ngay cả máy móc cũng không thể chịu được.

Ông Yang Qigui - một nhà khoa học chính của Viện Khảo sát, quy hoạch, thiết kế và nghiên cứu Trường Giang ở Vũ Hán - cho biết Trung Quốc đã giải quyết hầu hết các vấn đề kỹ thuật này với một số lượng lớn các cải tiến kỹ thuật đạt được trong 5 năm qua.

Ví dụ, trí tuệ nhân tạo được tìm thấy trong hầu hết các đường hầm dẫn nước được xây dựng gần đây, từ lập kế hoạch dự án, xây dựng và kiểm soát chất lượng cho đến vận hành lâu dài.

Theo nhóm của ông Yang, một số đường hầm dẫn nước của Trung Quốc đang được xây dựng ở phía Tây Gobi hoặc Himalaya đã lên tới gần 300km và sâu hơn 2.000m.


Theo Gia Minh

Cùng chuyên mục
XEM