Trung Quốc đang thiết lập con đường tơ lụa mới sang châu Âu để "hàng Tàu" mãi giữ vững vị thế

06/01/2017 15:37 PM | Kinh tế vĩ mô

Chuyến tàu nối Trung Quốc với London vừa được vận hành được cho là con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.

Ngày chủ nhật vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã chính thức vận hành chuyến tàu chở hàng đầu tiên nối trực tiếp tới London. Chuyến tàu này sẽ đi qua Bắc Kinh, một số nước châu Á, châu Âu gồm Kazakhstan, Nga, Belarus, Phần Lan, Đức, Belgium, Pháp trước khi tới London với tổng hành trình dài 12.000 km kéo dài trong 18 ngày.

Đoàn tàu này có khả năng chuyên chở 200 container với thời gian di chuyển chỉ bằng một nửa so với con số 30 ngày đi bằng tàu biển nối giữa Đông Á và Bắc Âu.

Con đường tơ lụa mới

Hành trình này thực tế không mới. Đó chỉ là một phần của Con đường tơ lụa huyền thoại – được hình thành từ năm 200 trước công nguyên – nơi mà những người buôn tơ lụa Trung Quốc chuyên chở quần áo đến châu Âu và châu Phi. Con đường này chính là nơi giúp tạo ra sự giàu có và thịnh vượng cho Trung Quốc trong một thời gian dài.

Hiện tại, Bắc Kinh đang nhắm tới phục chế lại con đường giao thương huyền thoại này bằng cách sử dụng sức mạnh của đường sắt.

Chuyến tàu này mở ra một lựa chọn mới cho những đơn vị chuyên chở hàng hóa. Hiện tai, các đơn vị làm trong lĩnh vực hậu cần chỉ có 2 lựa chọn: Một là thông qua đường biển, giá rẻ nhưng chậm. Hai là sử dụng đường hàng không, nhanh hơn khá nhiều nhưng lại quá đắt đỏ.

Như vậy, một tuyến đường sắt nối trực tiếp giữa Trung Quốc và Tây Âu có thể giúp các nhà sản xuất tìm ra cách thức tốt hơn để giảm giá hàng hóa do chi phí vận chuyển sẽ giảm đáng kể.

Thậm chí với những nhà buôn sành sỏi, họ có thể tận dụng sự xuất hiện của tuyến đường sắt này làm đòn bẩy nhằm mặc cả hạ giá vận chuyển thông qua đường biển và đường hàng không.

Kế hoạch "một vành đai, một con đường"

Chuyến tàu tới London kéo dài thêm danh sách những điểm kết nối giữa Trung Quốc với thế giới bởi hiện tại chỉ có 39 đường nối giữa 12 nước châu Âu và 16 thành phố lớn của Trung Quốc.

Bước đi này được xem là một phần trong chiến dịch “Một vành đai, một con đường” của chính phủ Trung Quốc do chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất vào năm 2013. Mục tiêu quan trọng của chiến dịch này là kết nối giữa Bắc Kinh và những "người hàng xóm" của họ trong khu vực Âu Á.

Sự kết nối về hậu cần có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, giao thương giữa các nước. Chuyến tàu chở hàng đầu tiên nằm trong chiến dịch này là kết nối Trung Quốc với Tehran sau đó là một số nước trung Á như Kazakhstan, Turkmenistan và cuối cùng là Trung Quốc.

Rất nhiều chuyên gia phân tích tin rằng việc mở rộng tầm quan trọng của kinh tế Trung Quốc trong số những nước trung Á cũng sẻ mở ra ảnh hưởng về mặt chính trị trên tầm cỡ toàn cầu.

Hơn nữa, bản thân các nước trung Á như Kazakhstan cũng được hưởng lợi từ việc này. Trong lịch sử, nhiều quốc gia vốn gặp khó khăn trong việc kết nối với kinh tế toàn cầu. Tuyến đường sắt mới sẽ cho phép họ tiếp cận dễ dàng hơn tới những thị trường nhập khẩu giàu có.

Tuyên bố này cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho nước Anh. London hiện đang chứng kiến sự sụt giảm những thỏa thuận thương mại toàn cầu trong bối cảnh họ rời Liên minh châu Âu. Trong khi đó Trung Quốc lại đang được London đánh giá là đối tác tiềm năng để ký kết những thỏa thuận mới sau khi được "giải phóng" ra khỏi Liên Minh châu Âu.

Các chuyên gia phân tích luôn xem các dự án phát triển cơ sở hạ tầng là một cách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bản thân Trung Quốc trong quá khứ luôn dẫn đầu về những sáng kiến kỹ thuật. Họ đã chuyển đổi thành công nền kinh tế thông qua nhiều kế hoạch giao thông tầm cỡ và những khoản đầu tư khổng lồ vào sản xuất.

Cụ thể, Trung Quốc đã dành khoảng 40 tỷ USD để xây dựng đường xá và đường sắt nối ra nước ngoài trong bối cảnh thương mại với những quốc gia "hàng xóm" của họ có thể đạt 2,5 nghìn tỷ USD trong khoảng 1 thập kỷ tới, Yao Gang – Phó chủ tịch của Ủy ban chứng khoán Trung Quốc nói.

Riêng đường sắt luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình và bằng chứng là tháng trước, quốc gia này đã tuyên bố kế hoạch dành 3,5 nghìn tỷ yuan (tương đương 503 tỷ USD) để mở rộng hệ thống đường sắt quốc gia cho tới năm 2020.

Theo đó, một mạng lưới đường sắt tốc độ cao sẽ băng qua hành trình dài hơn 30.000 km, tức là gấp 6,5 lần khoảng cách từ New York tới Los Angeles và sẽ đi qua 80% các thành phố lớn tại Trung Quốc.

Trung Quốc hiện cũng sử dụng đường sắt như một công cụ ngoại giao với nước ngoài. Các nhà sản xuất tàu nội địa Trung Quốc đang nhắm tới những thị trường mới nổi tại châu Phi, châu Mỹ Latin và Đông Nam Á cho những đơn hàng liên quan tới tàu và cũng nhắm tới cả những hợp đồng giá trị lớn hơn ở những quốc gia phát triển.

Liệu con đường tơ lụa mới có thành công hay không, có lẽ chỉ cần nhìn những gì mà con đường tơ lụa trước đó đã mang lại sẽ rõ!

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM