Trung Quốc đã thuộc “bài học Nhật Bản” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?
Bắc Kinh không thể không lưu ý rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản đã không biến mất mặc dù chính phủ Nhật Bản đã làm theo tất cả các yêu cầu từ Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế 25% (chứ không phải 10% như dự định ban đầu) lên lượng hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc . Đây sẽ là một sự leo thang nghiêm trọng nếu điều đó được thông qua. Liệu Trung Quốc có bắt đầu nhượng bộ dưới áp lực đang gia tăng của Mỹ hay không?
Trong bối cảnh này, quả là điều hữu ích khi nhìn lại cuộc chiến thương mại mà Mỹ đã tiến hành để chống lại Nhật Bản trong những năm 1980, một cuộc chiến mà ngày nay đã bị nhiều người lãng quên, nhưng rõ ràng với Bắc Kinh thì không. Những gì xảy ra với Nhật Bản lúc đó chính là điều mà Bắc Kinh quyết tâm tránh vào thời điểm này. Vậy bài học đó là gì?
Một Nhật Bản nhún nhường trước Mỹ
Sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản lần đầu tiên có được thặng dư thương mại với Mỹ vào năm 1965 sau khi nhanh chóng mở rộng sản xuất theo định hướng xuất khẩu. Con số tiếp tục tăng lên trong hai thập kỷ tiếp theo, và đạt đỉnh điểm vào năm 1986 ở mức 1,3% GDP của Mỹ, theo số liệu của IMF. Vào đầu những năm 1970, Mỹ bắt đầu "càu nhàu" về thặng dư thương mại ngày càng tăng với Nhật Bản. Tuy nhiên, chính sự tăng giá đáng kể của giá dầu thế giới sau những "cú sốc" dầu mỏ ở những năm 1970 đã kích hoạt cuộc chiến thương mại của Mỹ chống lại Nhật Bản.
"Cột thu lôi" trong cuộc chiến đó là mảng xuất khẩu ô tô của Nhật Bản. Sau cú sốc giá dầu, những chiếc xe hơi tiết kiệm nhiên liệu và hiệu quả của Nhật Bản nhanh chóng giành được thị phần ở Mỹ, khiến các nhà sản xuất ô tô Mỹ bị thua lỗ nặng.
Đến năm 1979, Chrysler, khi đó là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ, suýt đóng cửa. Họ đã phải cần đến một khoản vay cứu trợ 1,5 tỷ USD từ chính phủ để tránh phá sản. Và rồi đột nhiên lại xuất hiện một loạt khiếu nại về các hành vi thương mại không công bằng của Nhật Bản, làm tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ và khiến công nhân Mỹ mất việc. Nghe rất giống với những gì đang diễn ra trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung hiện nay.
Từ năm 1976 đến năm 1989, Mỹ đã tiến hành 20 cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974 (rất giống mục 301 mà chính quyền Trump hiện đang kêu gọi!) đối với các mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ, không chỉ ở ô tô mà còn ở cả các ngành thép , viễn thông, dược phẩm, chất bán dẫn và những ngành khác. Chính phủ Nhật Bản đã nhượng bộ và đồng ý với một loạt "hạn chế xuất khẩu tự nguyện" đối với tất cả các mặt hàng tranh chấp.
Khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản không giảm bất chấp những hạn chế tự nguyện như vậy, chính phủ Mỹ sau đó đã ép Nhật Bản nhập khẩu hàng hóa của Mỹ nhiều hơn. Một lần nữa, chính phủ Nhật Bản lại đáp ứng nhu cầu của Mỹ bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ. Kết quả là tiêu thụ nội địa của Nhật Bản tăng lên, đặc biệt là trên thị trường bất động sản, do người dân thấy lãi suất thấp nên vay càng nhiều, nhưng không giúp gì nhiều trong việc làm tăng nhập khẩu từ Mỹ.
Điều này dẫn đến hành động thứ ba và cũng là cuối cùng của cuộc chiến thương mại. Chính phủ Mỹ cáo buộc Nhật Bản thao túng tiền tệ của mình, giữ tỷ giá hối đoái của đồng yên thấp so với đồng đô la Mỹ, do đó cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản được hưởng một lợi thế không công bằng. Nhật Bản đã bị ép buộc phải nâng giá đồng tiền của mình theo Hiệp định Plaza vào tháng 9 năm 1985.
Đây là thỏa thuận được Mỹ thiết kế, trong đó Mỹ giữ vai trò là người điều hành tiền tệ chính, còn Nhật Bản, Pháp, Tây Đức và Vương quốc Anh có vai trò như "đồng phạm", với những mức độ miễn cưỡng khác nhau, để cùng nhau giảm giá đồng đô la Mỹ so với đồng yên và đồng mark Đức khi ấy. Và rốt cuộc, Hiệp định Plaza đã mang lại tác dụng. Từ năm 1985 đến năm 1988, đồng yên đã tăng giá 88% so với đồng đô la Mỹ, theo số liệu từ Cục dự trữ liên bang Mỹ.
Kết cục không tốt đẹp
Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản không hề biến mất. Nhưng khi ấy, điều đó cũng trở nên không liên quan. Nhiều năm thực hiện chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo đã tạo ra những bong bóng tài sản khổng lồ ở Nhật Bản, mà đáng chú ý nhất là ở thị trường chứng khoán và bất động sản của họ; và nền kinh tế bong bóng này đã vỡ vào năm 1989.
Sự sụp đổ và suy thoái ấy đã trở nên tồi tệ hơn vì các doanh nghiệp của Nhật Bản gắn kết khá khắng khít với nhau, khiến cho việc "dọn dẹp" thị trường để có một khởi đầu mới vô cùng khó khăn. Những gì xảy ra tiếp theo là hai thập kỷ trì trệ kinh tế. Mặc dù thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản vẫn tồn tại, nhưng Mỹ không thể làm gì với một nền kinh tế Nhật Bản bị sa lầy trong suy thoái.
Bắc Kinh không thể không lưu ý rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản đã không biến mất mặc dù chính phủ Nhật Bản đã làm theo tất cả các yêu cầu từ Mỹ.
Các bài học kinh nghiệm từ chiến tranh thương mại Mỹ-Nhật rất rõ ràng: không nhượng bộ trước áp lực của Mỹ như Nhật Bản, và không phụ thuộc duy nhất vào Mỹ trong chuyện xuất khẩu như Nhật Bản.
Ngoài ra, Trung Quốc ngày nay đang ở một vị trí mạnh mẽ hơn nhiều để áp dụng những bài học này vào thực tế. Trong khi GDP của Nhật Bản chỉ ở mức 40% của Mỹ vào giữa những năm 1980, thì GDP của Trung Quốc đã đạt gần 70% GDP năm ngoái của Mỹ, theo số liệu của IMF. Tổng nhập khẩu của Nhật Bản chưa bao giờ đủ lớn để họ có được tầm ảnh hưởng quốc tế thực sự, trong khi Trung Quốc ngày nay là thị trường lớn nhất của các quốc gia như Nhật Bản, Australia, Brazil, Nga, Nam Phi và Hàn Quốc.
Trong cuộc chiến thương mại này với Mỹ, Trung Quốc sẽ không trở thành một Nhật Bản thứ hai.