Trung Quốc đã bắt đầu “chấm điểm” công dân, điều đó nghĩa là gì?
Hệ thống chấm điểm “tín nhiệm xã hội” của Trung Quốc đang trong quá trình hoàn thiện và sẽ được triển khai toàn diện vào năm 2020, bạn biết nó có ý nghĩa như thế nào hay không?
Trung Quốc đang thiết lập hệ thống đánh giá khổng lồ để theo dõi “nhất cử nhất động” của công dân nước này và xếp hạng họ dựa trên điểm số “tín nhiệm xã hội”. Hệ thống “tín nhiệm xã hội” được công bố lần đầu năm 2014 với mục đích củng cố ý tưởng “duy trì tín nhiệm là vinh quang, phá hoại niềm tin là đáng hổ thẹn”.
Chương trình sẽ được triển khai trên toàn quốc từ năm 2020 nhưng đang được thí điểm với hàng triệu người. Hệ thống có tính bắt buộc, không loại trừ cá nhân nào. Tại thời điểm hiện tại, hệ thống đang được xử lý dần dần, một số được điều hành bởi chính quyền thành phố, số khác lại được chấm điểm bởi các nền tảng công nghệ tư nhân nắm giữ dữ liệu người dùng.
Cũng như điểm số tín dụng cá nhân, điểm số xã hội của một người có thể tăng hay giảm phụ thuộc vào hành vi của họ. Phương thức chấm điểm chính xác là một bí mật song một số hành vi vi phạm có thể bao gồm hút thuốc tại khu vực cấm, mua quá nhiều game video, đăng tin giả mạo trên mạng hay lái xe ẩu.
Những người có điểm số thấp phải “trả giá” bằng nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như dưới đây:
1. Cấm bay hoặc đi tàuChannel News Asia dẫn thống kê từ nhà chức trách cho biết 9 triệu người có điểm số tín nhiệm xã hội thấp đã bị cấm mua vé trong các chuyến bay nội địa, 3 triệu người bị cấm mua vé tàu hạng thương gia. Hệ thống còn trừng phạt các hành khách có hành vi xấu như đi lậu vé, đi lảng vảng trước cổng ra vào hay hút thuốc tại các khu vực cấm.
2. “Bóp” tốc độ Internet
Đó là theo Rachel Botsman, tác giả một cuốn sách về bảo mật công nghệ, đăng trên Wired năm 2017. Còn theo Foreign Policy, hệ thống tín nhiệm theo dõi mọi người có thanh toán hóa đơn đúng hạn hay không, rất giống với cơ chế đánh giá tín dụng tài chính nhưng đây cũng là một thước đo đạo đức.
Các hành vi khác có thể bị trừng trị bao gồm dành quá nhiều thời gian chơi game video, lãng phí tiền bạc vào mua sắm phù phiếm và đăng lên mạng xã hội. Phát tán tin giả mạo, đặc biệt về tấn công khủng bố hay an ninh sân bay, cũng bị trừng phạt.
3. Cấm công dân và con cái theo học trường điểm
Theo Beijing News, 17 người từ chối thi hành nghĩa vụ quân sự năm 2017 bị cấm đăng ký học ở cấp cao hơn, xin học trung học hay tiếp tục học tập. Tháng 7/2018, một trường đại học không cho một tân sinh viên theo học vì bố của người này có điểm tín nhiệm xã hội thấp.
4. Không có công việc tốt
Những cá nhân "phá hoại tín nhiệm" cũng bị cấm làm các công việc quản lý tại những doanh nghiệp quốc doanh, ngân hàng lớn. Một số tội ác như tham nhũng, biển thủ còn có tác động xấu đến tín nhiệm xã hội.
5. Không được ở khách sạn tốt
Những người không thực hiện nghĩa vụ quân sự bị cấm lưu trú tại các khách sạn và không được hưởng các kỳ nghỉ. Những người có điểm số cao được tăng tốc quá trình cấp phép đến các nơi như châu Âu. Một phụ nữ nói với BBC năm 2015 rằng cô được đặt phòng khách sạn mà không phải trả tiền vì có điểm số cao.
6. Không được nuôi chó
Thành phố Thiên An bắt đầu áp dụng hệ thống tín nhiệm xã hội với những người nuôi chó vào năm 2017. Những người này sẽ bị giảm điểm nếu chó đi lung tung mà không có xích hay gây ra bất tiện nơi công cộng. Người nào mất hết điểm sẽ bị tịch thu chó và phải làm bài kiểm tra về quy định cần thiết để sở hữu chó.
7. Bị cho vào "danh sách đen"
Công khai tên tuổi và chế giễu cũng là một biện pháp. Thông báo năm 2016 từ chính phủ khuyến khích các công ty tham khảo "danh sách đen" trước khi tuyển nhân viên hay ký hợp đồng. Tuy nhiên, mọi người sẽ được tòa án thông báo trước khi có tên trong danh sách và được phép kháng cáo trong vòng 10 ngày nhận thông báo. Không rõ khi nào danh sách bắt đầu được triển khai.