Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang kinh doanh trên Amazon ra sao?
Cả thương hiệu Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều được bán trên Amazon, nhưng hiện chỉ có Trung Nguyên mở e-store chính thức trên trang thương mại điện tử toàn cầu này...
"Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ luôn chỉ đạo để khẳng định thương hiệu, ngoài chất lượng thì Trung Nguyên luôn muốn sản phẩm của mình có tính khác biệt, đặc biệt và duy nhất", đại diện Trung Nguyên chia sẻ trong hội thảo trực tuyến mới đây của Amazon.
Chính thức khai trương Official Store trên Amazon từ giữa năm 2020, hiện Trung Nguyên đang kinh doanh 4 sản phẩm chủ lực trên trang thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu này, gồm: Cà phê rang xay Gourmet, Cà phê rang xay Premium, Cà phê hòa tan G7 và Cà phê rang xay Sáng tạo, với giá xê dịch từ 8 - 25 USD.
Ông Nguyễn Nguyên - đại diện Tập Đoàn Trung Nguyên - cho biết, Trung Nguyên thiết lập bộ phận chuyên trách thương mại điện tử khoảng 5 năm nay.
Official Store của Trung Nguyên trên Amazon.
Động lực để Trung Nguyên lên Amazon cũng như các sàn TMĐT khác là tính đến xu hướng của thời đại, trong bối cảnh mô hình kinh doanh buộc phải thay đổi rất nhanh, đặc biệt sau dịch Covid-19, các hình thái bán hàng kinh doanh thông qua kênh online ngày càng phát triển mạnh.
"Trung Nguyên Legend với các thương hiệu cà phê hàng đầu như cà phê Trung Nguyên, Trung Nguyen Legend, G7... muốn gửi đến người tiêu dùng tại Việt Nam và trên toàn cầu một hệ giá trị lối sống mới thông qua cà phê".
"Việc hợp tác với Amazon nói riêng cũng như các nền tảng TMĐT nói chung sẽ giúp việc phụng sự của Tập đoàn Trung Nguyên đối với cộng đồng được nhanh hơn, rộng hơn trên phạm vi toàn cầu", ông Nguyên nói.
Trung Nguyên: Ở đâu người dân sử dụng cà phê càng nhiều thì nền kinh tế của quốc gia đó càng phát triển!
Các sản phẩm của Trung Nguyên được quan tâm nhiều nhất (căn cứ trên bình luận và rating) là cà phê hòa tan G7, hiện đang bán với giá 24,99 USD/túi 100 gói nhỏ, tiếp sau là cà phê Premium với giá 16,71 USD/hộp 425g.
Trên Amazon, King Coffee cũng đã xuất hiện với sản phẩm hòa tan, được bán với giá 35 USD/túi với 88 gói nhỏ. Tuy nhiêu thương hiệu này mới chỉ có 1 SKU, và bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng chưa mở gian hàng chính hãng trên trang TMĐT này.
Tính đến chiều ngày 24/12/2020, trên bảng xếp hạng Best Sellers trong ngành hàng cà phê hòa tan, thương hiệu G7 Black của Trung Nguyên đang đứng ở vị trí 40 và G7 3 in 1 đứng ở vị trí 55. Hai sản phẩm đứng đầu bảng xếp hạng này cùng thuộc một thương hiệu mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng chê là "bán nước có mùi cà phê pha với đường" - Starbucks.
Một thương hiệu cà phê khác của Việt Nam đang "trên cơ" Trung Nguyên là Vinacafe, xếp hạng thứ 38.
Ngoài Amazon, Trung Nguyên cũng mở Official Store trên Alibaba. Trong nước, các sản phẩm của tập đoàn cũng có mặt trên các sàn TMĐT Tiki, Shopee, Lazada..., nhưng hiện duy chỉ có Lazada xuất hiện gian hàng chính hãng của Trung Nguyên, tại các sàn còn lại thì sản phẩm đều được bán qua đơn vị trung gian.
Định nghĩa việc phát triển thương hiệu, đại diện Trung Nguyên cho biết, theo chỉ đạo của Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ, Trung Nguyên luôn xem Cà phê là một tác phẩm nghệ thuật của người nghệ sỹ, và cà phê của Trung Nguyên được tạo nên bởi những chuyên gia hàng đầu trong ngành, với công nghệ, công thức và bí quyết đặc biệt, đặc sắc.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Tô Thanh Tân.
"Chúng tôi muốn nâng tầm cà phê không chỉ là thức uống, mà thưởng lãm cà phê phải như một triết gia. Theo Trung Nguyên, cà phê có thể hướng dẫn, chỉ dẫn người tiêu dùng thưởng thức, để từ đó tiếp cận lối sống mới phù hợp với môi trường, tự nhiên. Đó là yếu tố xây dựng nên thương hiệu Trung Nguyên", ông Nguyên nói.
Trong quá trình phát triển, Trung Nguyên tích hợp các giá trị văn hóa truyền thống của ngành cà phê toàn cầu, dựa trên 3 nền văn minh lớn nhất, gồm: Cà phê Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman), Cà phê Âu châu (đại diện là Roman), và Cà phê Phương Đông với Việt Nam (Cà phê Thiền).
Theo Trung Nguyên, từ những thống kê của Hiệp hội Cà phê Thế giới (ICO) năm 2019, các thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản chiếm gần 53% lượng tiêu thụ cà phê toàn cầu; trong khi đó, Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2019 gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Vương Quốc Anh, Pháp, Ý, Barazil, Canada, theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).
Doanh nghiệp của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đúc kết: Những con số thống kê của hai tổ chức này đưa ra cho thấy, các quốc gia tiêu thụ cà phê nhiều nhất đều thuộc các nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Điều này dẫn tới một kết luận rằng: Tỉ lệ tiêu thụ cà phê và quy mô của kinh tế quốc gia tỉ lệ thuận với nhau! Nghĩa là, ở đâu người dân sử dụng cà phê càng nhiều thì nền kinh tế của quốc gia đó càng phát triển.
Liên quan đến vụ ly hôn nghìn tỷ của hai vợ chồng nhà sáng lập Trung Nguyên, hồi đầu tháng 11, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cho biết sẽ xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Vụ ly hôn được đệ đơn từ năm 2015, sau 10 lần hòa giải, các phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, bà Thảo có đơn yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án. Hồi tháng 2, VKSND Tối cao đã chấp nhận đơn yêu cầu của bà Thảo tạm hoãn việc thi hành án.