Trong talkshow về kinh doanh, tiến sỹ Lê Thẩm Dương chia sẻ "nhầm" một lý thuyết điển hình trong kinh tế?
Theo tiến sỹ Lê Thẩm Dương chia sẻ về quy tắc con nhím gồm 3 vòng tròn: Sở trường- Năng lực- Đam mê. Còn theo sách Từ tốt đến vĩ đại, 3 vòng tròn này gồm: Năng lực- Đam mê- Cỗ máy kinh tế.
Lý thuyết 3 vòng tròn thành công
Cách đây không lâu, trong chương trình CEO Chìa khóa thành công, khi nhận xét về tình huống startup ngành giáo dục của một nữ CEO, tiến sỹ Lê Thẩm Dương tình cờ nhắc đến một lý thuyết kinh điển trong kinh tế: Quy tắc con nhím.
Cụ thể, với tình huống thất bại của nữ CEO này, ông Dương cho rằng tinh thần khởi nghiệp mới chỉ giải quyết được 1/4 vấn đề. Để giải quyết 3/4 còn lại, cần 3 yếu tố khác.
"Một là năng lực của mình về nghề đào tạo này. Chị chọn đào tạo nhưng đào tạo có chọn chị không lại là một chuyện. Cho nên người ta ngây thơ ở chỗ là đi dạy hướng nghiệp. Nghiệp nó hướng chú hay chú hướng nghiệp được? Ngạo mạn lắm! Tôi muốn vào giáo dục, nhưng giáo dục nó không chọn thầy đâu. Tiến sỹ giáo dục cũng không làm được vì nghề nó không chọn phẩm chất chú.
Cái thứ nhì là có năng lực rồi, nhưng anh có đam mê không?
Đây là quy tắc con nhím. Con nhím có 3 cụm lông nên nó trường tồn. Con cáo bắt con nhím nhưng không bắt được. Bên này là năng lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ). Bên này là đam mê. Còn một yếu tố nữa tạo ra sức mạnh đột phá của mình gọi là sở trường. Sở trường - Năng lực - Đam mê: Khớp với yêu cầu của nghề một phát ăn luôn. Đó là tôi! Cho nên đời nào tôi bỏ nghề đào tạo", vị diễn giả này phân tích.
Cũng từng nói về khái niệm 3 vòng tròn này, Shark Phạm Thanh Hưng- Phó chủ tịch Cengroup lại chia sẻ một phiên bản khác hơn. Cụ thể trong một chương trình talkshow, shark Hưng cho rằng nếu muốn thành công được chúng ta cần kết hợp của 3 yếu tố như 3 vòng tròn, sự giao thoa của 3 vòng tròn càng lớn thì khả năng thành công càng cao.
Vòng tròn 1 là năng lực. Năng lực con người ta có rất nhiều khía cạnh. Có nhiều học giả, nhà khoa học tạm thời thống kê đưa ra 7 lại hình thông minh của con người. Ví dụ thông minh không gia thì giỏi về kiến trúc, xây dựng. Thông minh âm thanh có thể trở thành nhạc sỹ, ca sỹ. Trí thông minh của chúng ta ở lĩnh vực nào cao nhất, ở trong lĩnh vực đấy chúng ta cảm thấy có ưu thế vượt trội hơn người khác, nhanh hơn người khác qua thực tiễn và qua trải nghiệm bản thân.
Vùng thứ 2 gọi là đam mê. Đam mê ở đây mang tính khát khao, muốn làm điều đó mãnh liệt, bằng được, rất mạnh mẽ.
Vòng thứ 3 là đam mê, năng lực đó có mang lại ý nghĩa gì, giá trị gì cho cộng đồng, nhân loại, khách hàng không? Nếu đam mê này không có ý nghĩa thì không thiết thực. Vòng tròn này gọi là hiệu quả.
Nếu mỗi người xác định được đâu là năng lực, đâu là đam mê khát khao, đâu là hiệu quả mang lại cho xã hội, tìm được giao thoa thì khả năng thành công của chúng ta càng cao. Tóm lại theo shark Hưng 3 vòng tròn này gồm: Năng lực- Đam mê- Hiệu quả.
Nguồn gốc khái niệm quy tắc con nhím
Phiên bản "quy tắc con nhím" của tiến sỹ Lê Thẩm Dương và shark Phạm Thanh Hưng có phần lệch nhau. Hãy thử tìm hiểu thêm khái niệm này trong cuốn sách kinh điển: Từ tốt đến vĩ đại.
Đầu tiên là câu chuyện con nhím và con cáo dựa vào một truyển cổ Hy Lạp: "Loài cáo biết nhiều thứ, nhưng loài nhím chỉ biết một thứ lớn. Cáo là một loài khôn ngoan có thể nghĩ ra rất nhiều chiến lược phức tạp để lén tấn công nhím. Ngày qua ngày, cáo lẩn quẩn quanh hang nhím, chờ đợi thời cơ thích hợp để tấn công. Nhanh nhẹn, đẹp đẽ, khéo léo, có vẻ như chắc chắn sẽ thắng. Nhím, ngược lại, là một loài thấp kém. Nó lạch bạch đi lại tìm kiếm thức ăn và chăm sóc ngôi nhà của mình mỗi ngày.
Cáo lặng lẽ chờ đợi tại một ngã ba đường. Nhím đang chăm chú lo việc của mình, đi ngay vào con đường cáo đang chờ. Cáo nghĩ: "Ta sẽ bắt được mày". Nó nhảy phóc ra, nhanh như chớp. Chú nhím bé nhỏ, cảm thấy nguy hiểm, nhìn lên và tự nghĩ: "Lại nữa rồi. Chẳng lẽ hắn không học được bài học gì sao?" Nhím cuộn tròn mình lại, trông như một quả banh gai, các gai nhọn đâm ra tứ phía. Cáo đang nhảy tới, gặp sự tự vệ của nhím, phải ngừng ngay lại. Rút lui về chỗ cũ trong khu rừng, cáo lại nghĩ cách tấn công khác. Mỗi ngày, cáo và nhím lại chiến đấu với nhau vài lần, nhưng mặc dù cáo rất khôn ngoan, nhím luôn là người thắng cuộc."
Dựa trên câu chuyện cổ này, nhà nghiên cứu Isaiah Berlin chia loài người thành hai nhóm căn bản: cáo và nhím.
Cáo cố gắng theo đuổi nhiều thứ cùng lúc và nhìn thế giới một cách phức tạp. Berlin viết: "Suy nghĩ của họ tản mạn, trên nhiều cấp độ", và không bao giờ gắn kết suy nghĩ vào một khái niệm chung hay một tầm nhìn thống nhất.
Nhím, ngược lại, đơn giản hóa thế giới phức tạp thành một ý tưởng tổ chức duy nhất, một nguyên lý căn bản hay một khái niệm có thể thống nhất và dẫn dắt mọi việc. Đối với nhím, bất cứ việc gì không liên quan đến ý tưởng nhím đều vô nghĩa.
Cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại nhấn mạnh sự khác biệt căn bản giữa các công ty nhảy vọt và công ty đối trọng nằm ở hai điểm. Thứ nhất, các công ty nhảy vọt đưa ra chiến lược dựa trên sự hiểu biết tường tận ba khía cạnh hay ba vòng tròn. Thứ hai, các công nhảy vọt biến sự hiểu biết này thành một khái niệm rõ ràng và đơn giản để dẫn lối cho mọi nỗ lực của họ - từ đó có khái niệm con nhím.
Một cách chính xác, khái niệm con nhím là một khái niệm rõ ràng và đơn giản được hình thành từ sự hiểu biết tường tận về sự giao nhau của ba vòng tròn sau đây:
1. Bạn có thể trở nên giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực nào (và, cũng quan trọng không kém, bạn không thể giỏi nhất trong lĩnh vực nào). Tiêu chí nhận thức này vượt xa hơn thế mạnh. Chỉ vì bạn có thế mạnh không có nghĩa là bạn có thể giỏi nhất trên thế giới trong lĩnh vực đó. Ngược lại, những gì bạn có thể làm tốt nhất có thể không phải là điều hiện bạn đang làm.
2. Điều gì thúc đẩy cỗ máy kinh tế của bạn. Tất cả các công ty nhảy vọt đều có thể hiểu biết sâu sắc làm thế nào để thu lại dòng tiền và lợi nhuận bền vững và hiệu quả nhất. Đặc biệt, họ phát hiện một mẫu số chung – lợi nhuận trên trên mỗi x – có ảnh hưởng lớn lên trạng thái kinh tế của họ. (Đối với ngành công tác xã hội thì đó là dòng tiền trên mỗi x).
3. Ban đam mê điều gì nhất. Các công ty nhảy vọt tập trung vào các hoạt động kích thích sự đam mê của họ. Ý tưởng ở đây là không phải khuyến khích niềm đam mê mà là khám phá ra điều gì làm bạn đam mê.
Như vậy phiên bản "con nhím" của shark Hưng khá tương đồng với lý thuyết mà tác giả cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại đưa ra. Trong khi đó phiên bản "con nhím" của tiến sỹ Lê Thẩm Dương có sự khác biệt lớn ở yếu tố thứ 3: Sở trường thay vì yếu tố Hiệu quả hay Động cơ kinh tế thúc đẩy.