Trong nông nghiệp, Việt Nam trội hơn về quản lý chất lượng nhưng lại kém hơn về hoạt động chuỗi cung ứng và thương mại
Báo cáo mới nhất về chuỗi cung ứng nông sản của Ngân hàng Thế giới (WB) tiết lộ một vài chỉ số đáng quan tâm đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trên thang điểm 100, Việt Nam hiện đạt 55,7 điểm về hoạt động chuỗi cung ứng, 60,6 điểm về quản lý chất lượng sản phẩm và 48,4 điểm về thương mại kinh doanh nông sản.
Đó là thông tin tại hội thảo Quản trị chuỗi cung ứng lạnh - mát và chuỗi cung ứng trong nông nghiệp tại Việt Nam do Vietnam Supply Chain vừa tổ chức.
Theo thông tin từ hội thảo, so với Philippines, Việt Nam trội hơn về quản lý chất lượng nhưng lại kém hơn về hoạt động chuỗi cung ứng và thương mại. Việt Nam cũng có điểm số thương mại thấp hơn Campuchia và Lào.
Hơn nữa, tổn thất trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ vận chuyển là một bài toán khó đối với chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam. Theo báo cáo của Cục chế biến, tỷ lệ tổn thất trung bình hiện nay là 25-30%. Tuy nhiên, đối với trái cây và rau quả, tùy theo phương thức chế biến và vận chuyển, mức độ tổn thất có thể lên đến 45%. Tương tự là 35% đối với các sản phẩm thủy, hải sản.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) Liên Hiệp Quốc, 63% tổn thất đến từ quá trình thu hoạch, thu gom, vận chuyển, lưu trữ trên toàn chuỗi cung ứng. Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tổn thất cao có thể kể đến mức độ cơ giới hóa thấp trong sản xuất nông nghiệp cũng như năng lực vận chuyển và vận hành chuỗi cung ứng lạnh. Để nâng cao chất lượng không chỉ của sản phẩm xuất khẩu mà còn của sản phẩm tiêu thụ trong nước, ngành lương thực Việt Nam cần tập trung cải thiện chuỗi cung ứng lạnh. Các bên sản xuất nông phẩm, phân phối nông sản, các chuỗi nhà hàng và siêu thị cần hợp tác một cách chặt chẽ hơn với các bên dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh tập trung vào các tiêu chí giá trị, chất lượng và mức độ xuyên suốt trên toàn chuỗi.
Tiềm năng phát triển của ngành cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam được đánh giá đứng thứ 17 trên toàn cầu. Thị trường cung ứng lạnh trên toàn cầu dự báo đạt tổng giá trị 271.3 tỉ USD vào năm 2022. Chuỗi cung ứng lạnh-mát phổ biến trong những ngành truyền thống như: nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, hàng không, bán lẻ hiện đại…. Tuy nhiên, với ảnh hưởng biến đổi khí hậu những năm gần đây, chuỗi cung ứng lạnh-mát sẽ có nhiều tiềm năng mở rộng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực mới như.
Theo nhiều chuyên gia ngành cung ứng lạnh, có lẽ rào cản lớn nhất để ngành cung ứng lạnh phát triển chính là việc kiểm soát hóa chất đang được sử dụng trong chuỗi nông sản hiện tại trên toàn cầu, các hóa chất này giúp nông sản giữ được vẻ tươi mới trong thời gian khá dài mà không cần giữ lạnh hay làm mát, và hiện chưa thể đo lường được tác hại với sức khỏe, môi trường của các hóa chất này.
Vấn nạn dùng hoá chất giữ vẻ tươi mới cho nông sản nhức nhối ở rất nhiều thị trường, và dường như chưa có hướng giải quyết hay kiểm soát triệt để vì chi phí việc dùng hóa chất là quá rẻ, quá thấp so với việc doanh nghiệp làm mát-giữ lạnh trên toàn chuỗi khi vận hành. Theo ông Julien Brun, CEL Consulting, những doanh nghiệp nào có chiến lược kinh doanh dài hạn, đầu tư bài bản sẽ có nhiều tiềm năng chiếm lĩnh thị trường và dẫn đầu ngành cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam.