Trong khi Rolex ở Anh “có tiền cũng không mua được”, vì sao nhà giàu Trung Quốc "đua nhau" bán lại giá rẻ?

25/09/2022 13:06 PM | Kinh doanh

Có một sự trái ngược hoàn toàn đang hiện hữu. Ở Anh, những chiếc đồng hồ không ngừng tăng giá, nhưng khách hàng vẫn sẵn lòng đặt hàng trước cả năm ròng và chờ đợi. Trong khi đó, giới nhà giàu Trung Quốc lại đang tìm cách “bán rẻ” những mặt hàng xa xỉ mình đã mua.

Từ tháng 9, thương hiệu đồng hồ cao cấp Thụy Sĩ Rolex đã thông báo sẽ tăng giá đồng hồ đang được bán ở Anh, bất chấp sự sụt giảm của đồng bảng so với đô la Mỹ. Giá của một chiếc Rolex Submariner tăng lên đến 8.600 đô la Mỹ, trong khi GMT Master II tăng lên đến 10.000 đô la Mỹ.

Dù vậy, nhu cầu của khách hàng vẫn vượt xa nguồn cung.

Trong khi Rolex ở Anh “có tiền cũng không mua được”, vì sao nhà giàu Trung Quốc "đua nhau" bán lại giá rẻ? - Ảnh 1.

Rolex sản xuất khoảng một triệu chiếc đồng hồ mỗi năm. Ảnh: Simon Song / SCMP

Giá tăng cao, khách hàng vẫn chờ đợi cả năm ròng để được mua

Người phát ngôn của công ty Thụy Sĩ này đã xác nhận rằng, giá bán đồng hồ của họ ở Anh tăng lên trung bình 5% kể từ ngày 1 tháng 9.

Theo tạp chí thương mại WatchPro nhận định, việc tăng giá này có liên quan tới tình hình trượt giá của bảng Anh so với đô la Mỹ. Khi đồng bảng Anh suy yếu, giá trị của đồng hồ Rolex ở Anh có thể trở nên rẻ hơn so với các thị trường khác.

Trước đó, Vào tháng Giêng, Rolex cũng đã tăng giá một lượng tương tự ở hầu hết các thị trường lớn bao gồm Anh và Mỹ.

Điều này hoàn toàn không khiến người tiêu dùng “ghét bỏ” Rolex. Theo SCMP, thương hiệu đồng hồ cao cấp phổ biến nhất của Thụy Sĩ có thị phần gần 29% và doanh thu hàng năm khoảng 8,2 tỷ đô la Mỹ (tương đương khoảng 8 tỷ franc Thụy Sĩ).

Từ lâu, nhu cầu đối với đồng hồ Rolex đã vượt quá nguồn cung và hầu hết khách hàng đều không thể mua hàng trực tiếp. Thay vào đó, họ phải đăng ký với các đại lý được ủy quyền để được xếp vào danh sách chờ. Thời gian chờ đợi có thể kéo dài hàng tháng, hoặc thậm chí hàng năm trước khi nhận được cuộc gọi để xác nhận hàng hóa của họ đã sẵn sàng.

Trong khi Rolex ở Anh “có tiền cũng không mua được”, vì sao nhà giàu Trung Quốc "đua nhau" bán lại giá rẻ? - Ảnh 2.

Nhiều khách hàng của Rolex vẫn sẵn lòng đặt hàng trước cả năm ròng và chờ đợi. Ảnh: Shutterstock

Nhà giàu Trung Quốc lại bán hàng xa xỉ lấy tiền

Khác với phần lớn các quốc gia khác, thị trường ở Trung Quốc lại không mấy tích cực đối với các mặt hàng xa xỉ. Điển hình, thị trường đồ cũ ở Trung Quốc đã chứng kiến giá Rolex Submariners giảm 46% trong năm nay. Trong khi, mẫu này năm ngoái đã tăng sốc lên tới 240%.

Một trong những nguyên nhân lý giải cho tình trạng này là do phần lớn dân số thành thị của Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với việc chính sách lock down Covid-19 nghiêm ngặt.

Thị trường đồ cũ đối với hàng cao cấp là một trong những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là ở Bắc Kinh - khi mọi người tuân thủ nghiêm ngặt chế độ zero-Covid. Giá của các mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng đã giảm nhanh chóng.

Có thể thấy, ngay cả những người giàu có cũng đang chi tiêu hết sức thận trọng. Họ bắt đầu cắt giảm những khoản tiêu dùng cho sở thích cá nhân. Rất nhiều người nhanh chóng bán đi đồng hồ Rolex và túi Hermès của họ với giá rẻ để huy động tiền mặt.

Xu hướng này hoàn toàn trái ngược ở thời điểm khi mới bắt đầu đại dịch. Khi đó, người tiêu dùng giàu có của Trung Quốc dường như rất vui thích khi chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ, đặc biệt là trong điều kiện việc đi lại quốc tế bị hạn chế.

Tờ Financial Times gần đây đã báo cáo rằng, trên các cổng thông tin chia sẻ các đồng hồ sang trọng đã qua sử dụng, giá của Rolex Submariners second-hand từng được đông đảo mọi người săn đón nay giảm xuống 46%.

Không chỉ những chiếc đồng hồ đắt tiền, ngay cả những đại lý túi xa xỉ ở Thượng Hải và Hàng Châu cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Những chiếc túi cổ điển như Hermès Birkin đã giảm 1/5 so với cùng kỳ.

Trong khi Rolex ở Anh “có tiền cũng không mua được”, vì sao nhà giàu Trung Quốc "đua nhau" bán lại giá rẻ? - Ảnh 3.

Một cửa hàng Rolex, nằm ở trung tâm mua sắm Parkview Green tại trung tâm Bắc Kinh, yêu cầu khách hàng phải xuất trình kết quả kiểm tra Covid-19 gần nhất để được vào mua sắm. Ảnh: LuxuryLaunches

Tuy giá đang có xu hướng giảm, Trung Quốc vẫn là thị trường đồng hồ xa xỉ lớn nhất thế giới với doanh thu 10,3 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2022.

James Wang, một người bán đồng hồ second-hand cho biết: “Thời kỳ bùng nổ đã qua. Thị trường đang bước vào một giai đoạn điều chỉnh có thể sẽ còn kéo dài trong thời gian tới”.

Trong khi Rolex ở Anh “có tiền cũng không mua được”, vì sao nhà giàu Trung Quốc "đua nhau" bán lại giá rẻ? - Ảnh 4.

Nhiều trung tâm mua sắm sầm uất thường phải đóng cửa để tuân thủ chính sách phòng chống Covid của quốc gia tỷ dân. Ảnh: Reuters

“Trong suốt quãng thời gian 25 năm sống tại Trung Quốc, đây là lần đầu tiên tôi thấy sự sụt giảm đáng kể nhất”, ông nói.

Tờ Financial Times chỉ ra rằng, thực tế cho thấy các công ty đang “chơi trò” tăng giá và giảm giá dựa theo theo quy định chống covid-19.

Chỉ trong 6 tháng trước khi thành phố Thượng Hải thực hiện lệnh phong tỏa theo chỉ thị, giá của những chiếc đồng hồ Rolex Submariners cũ đã tăng tới 240%. Tình trạng giảm giá và thị trường khó khăn như hiện nay là điều mà chẳng ai có thể lường trước được.

*Theo SCMP

Theo Thúy Phương

Cùng chuyên mục
XEM