Những điều con nhà giàu không có
Ai cũng từng ước được sinh ra trong một gia đình có điều kiện, song, chỉ có những người trong cuộc mới thấm thía những nỗi khổ khó giãi bày…
Nghe đến danh xưng như con nhà giàu, con nhà có điều kiện,... hầu hết ai cũng nghĩ đó là những cậu ấm, cô chiêu được ăn sung mặc sướng mà chẳng phải lo nghĩ gì. Thậm chí, còn có những ánh nhìn mang tính phán xét kiểu như: "Rich kid" thường mải chơi, không coi trọng đồng tiền và chỉ biết dựa dẫm vào bố mẹ.
Không phủ nhận gia đình khá giả cũng là một kiểu "thực lực". Nhưng nếu nói cuộc sống hoàn hảo, dễ dàng có tất cả mọi thứ thì cũng không chính xác. Trên thực tế, cuộc sống của nhiều con nhà giàu không toàn màu hồng như mọi người vẫn thấy.
Đánh đổi thời gian ở cạnh bố mẹ
Bố mẹ của Nam Trung (28 tuổi, Hà Nội) có công việc ổn định trong một cơ quan lớn, ngoài ra còn kinh doanh thêm các dịch vụ như bể bơi, sân tennis, quán cà phê,... So với nhiều bạn bè, Nam Trung thừa nhận gia đình mình có phần khá giả hơn.
Cũng theo Nam Trung, từ nhỏ đã ý thức được sự khá giả của gia đình khi sớm sở hữu nhiều thứ mà các bạn đồng trang lứa chỉ biết ước.
Cậu kể: "Các bạn cùng tuổi, cùng xóm thường ghen tị vì nhà mình có TV to, tủ lạnh xịn rồi ô tô,... Hay khi đi học, chúng bạn chỉ ước có điện thoại riêng, đồ chơi, sách vở đẹp thì mình có tất cả. Điều duy nhất mình cần cố gắng khi đó là được điểm cao".
Nam Trung cũng không phủ nhận, việc gia đình có điều kiện kinh tế tạo cho cậu nền tảng tốt, có thể làm nhiều việc thuận lợi hơn từ học hành đến công việc. Tuy nhiên, nếu nói "bất cứ điều gì", Nam Trung cho rằng không chính xác.
"Mọi người thường chỉ nhìn bề nổi, còn những câu chuyện đằng sau họ không biết nên sẽ khó để đồng cảm. Gia đình có điều kiện kinh tế nhưng đổi lại, những người như mình sẽ rất thiếu sự gần gũi, tình yêu thương của bố mẹ.
Bố mình đi công tác xa ngay từ khi mình 15 tháng tuổi. Hồi đó, mọi người còn hay đùa rằng bố đã bỏ mẹ con mình. Với một đứa trẻ, lời nói đùa đó cũng đủ gây ảnh hưởng tâm lý. Cho đến khi chuẩn bị vào lớp 1, bố mình mới trở về Việt Nam. Nên các bạn khác có những bức ảnh hoặc rõ hơn là nhiều kỷ niệm ngày bé với bố, mình thì không", Nam Trung nói.
Cũng chính bởi những ảnh hưởng tâm lý ngày nhỏ, Nam Trung cho hay mặc dù mẹ đã rất cố gắng hàn gắn nhưng tình cảm bố con ngày càng xa cách. Ngoài danh xưng "bố - con", Nam Trung không cảm nhận được mối liên kết bất kì nào với bố.
Giống với Nam Trung, Trần Thùy Trinh (23 tuổi, Hà Nội) cũng có cảm giác y hệt bởi bố mẹ quá bận bịu, không có thời gian để chia sẻ cùng con.
"Mình không nghĩ mình là con nhà giàu mà con nhà có bố mẹ bận rộn có lẽ đúng hơn. Mình thiếu sự quan tâm của bố mẹ khi mình ở độ tuổi tâm lý còn khá mong manh. Trước đây, chị gái của mình từng có thời gian về sống với bà nội vì bố mẹ mình quá bận để chăm sóc được cho cả 2 chị em.
Sau này, mình cũng phải tự lập với mọi thứ từ khá sớm. Cấp 1, ước mơ của mình là được bố mẹ đưa đón đi học như các bạn nhưng suốt những năm đó, số lần được như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dần dà, mình tự dựa vào mình, tự chuẩn bị đồng phục, sách vở, tự đi học ăn sáng, học xong tự về nhà. Có việc gì mình cũng ít chia sẻ vì sợ bố mẹ không có thời gian. Nhiều lúc cũng muốn hỏi: 'Sao bố mẹ các bạn có thời gian chăm lo cho các bạn mà bố mẹ mình thì bận quá'. Nhưng sợ bố mẹ suy nghĩ nên mình chỉ giữ trong lòng thôi", Thùy Trinh kể.
Áp lực vượt qua "cái bóng" của gia đình
"Con nhà giàu chắc nhiều bạn bè lắm, suốt ngày tụ tập chơi bời mà".
"Mấy bạn nhà có điều kiện đi học chắc là sẽ hay hống hách, bắt nạt bạn bè".
Những định kiến về con nhà giàu dường như lại ngược hoàn toàn với trường hợp của Thùy Trinh. Vì là con nhà giàu, Thùy Trinh từng một thời gian dài bị bạn bè cô lập, không muốn chơi cùng.
"Mình may mắn hơn nhiều bạn khi sớm có những món đồ xa xỉ. Hồi cấp 2, mình bị tẩy chay vì có máy nghe nhạc, có đồng hồ, quần áo đồng phục cũng đặt may riêng nên các bạn không thích. Thực sự ở độ tuổi khi đó, việc đi học không có bạn bè chơi cùng, còn bị xì xào, bàn tán hay 'bạo lực lạnh' là một điều cực kỳ tổn thương.
Dù vậy, mình vẫn tự chịu mà không kể cho bố mẹ. Đến năm lớp 8 mình đòi chuyển trường, mẹ mới biết chuyện và nhờ cô giáo giúp đỡ. Năm học cuối cấp thì cũng đỡ hơn, mình có thêm bạn bè nhưng đến hiện tại, đó vẫn là một kí ức tuổi thơ không vui của mình", Thùy Trinh tâm sự.
Bên cạnh đó, Thùy Trinh cho hay việc tìm một tình bạn đích thực với những ai được gắn mác "rich kid" khá khó. Bởi nếu không bị đố kị, ghen ghét thì cũng có nhiều trường hợp bị lợi dụng bởi nhà có điều kiện kinh tế.
"Mình cũng từng biết có bạn liên tục phải chi trả hoặc 'bao' bạn bè vì là con nhà giàu. Nếu không làm vậy, họ lại nói chúng mình là ki bo, nhà có tiền mà không hào phóng. Nói chung, với mình, danh xưng nhà giàu, nhà có điều kiện đôi khi đã cản trở mình rất nhiều trong việc kết nối các mối quan hệ", Thùy Trinh nói thêm.
Như Nam Trung chia sẻ, vì bố mẹ đã tạo điều kiện cho nhiều thứ nên việc duy nhất cần cố gắng đó là kết quả học tập tốt. Đôi khi, đó cũng chính là những áp lực vô hình mà những bạn trẻ có danh xưng "rich kid" đang phải gánh.
"Gia đình mình luôn mong muốn một kết quả tốt: học tập, công việc, thành tựu cá nhân,... Mọi người luôn nhắc về việc kinh tế đã không phải lo gì, điều mình cần lo là tập trung vào việc đang làm. Trong khi nó không phù hợp với tính cách của mình. Mình muốn sự bình yên, làm một việc đơn giản, lấy một người vợ đơn giản, sống một cuộc đời đơn giản… Đấy là thứ mà gia đình mình không ủng hộ.
Hay khi mình đạt được một thành công lớn (đối với mình) thì thường mình không nhận được sự đánh giá tương xứng từ người xung quanh. Bạn bè nghĩ đó là điều bình thường với một đứa có gia cảnh thuận lợi. Người không thích mình thì nghĩ điều đó do gia đình giúp đỡ chứ không phải thực lực. Còn bố mẹ, họ luôn cho rằng những nỗ lực ấy không đủ với sự đầu tư của gia đình", Nam Trung cho hay.
Còn đối với Julie Phạm (19 tuổi) - ái nữ khu du lịch nghìn tỷ ở Nghệ An chia sẻ cô nàng khá may mắn khi bố mẹ không tạo nhiều áp lực. Tuy nhiên, bản thân Julie Phạm cũng đặt ra nhiều mục tiêu cho chính mình để cố gắng, nỗ lực xứng đáng với những gì gia đình dành cho.
Julie Phạm cho biết: "Mình luôn nghĩ không ai sinh ra đã ở vạch đích, ai cũng sẽ có dự định, khó khăn riêng. Bố mẹ không tạo quá nhiều áp lực nhưng mình tự đặt ra nhiều mục tiêu để bản thân nỗ lực. Mình tự lập, kiếm tiền từ sớm để học hỏi và cố gắng.
Đôi lúc mình cũng phải lo lắng đến việc duy trì nền tảng kinh tế tốt của gia đình. Bởi bố mẹ mình thực sự cũng rất vất vả để có cơ ngơi này nên áp lực của mình là thành công nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ".