Trong khi Momo, ZaloPay, ShopeePay... liên tục 'đốt tiền' và báo lỗ, ví điện tử trong hệ sinh thái của Shark Bình lại báo kết quả bất ngờ
Hai ví điện tử Vimo và NextPay của tập đoàn NextTech - doanh nghiệp gắn liền với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hòa Bình (hay còn gọi là Shark Bình) dù không có thị phần lớn nhưng lại bất ngờ báo lãi tăng trưởng trong những năm qua.
Theo số liệu từ Vietdata, thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của hơn 40 ví điện tử và được đánh giá đang trong giai đoạn bùng nổ.
Trong giai đoạn 2018-2022, số lượng người dùng ví điện tử tại Việt Nam đã tăng 330%, từ 12,3 triệu người lên 41,3 triệu người. Dự báo, năm 2024 số lượng người dùng đã đạt con số 50 triệu, sau đó có thể đạt 100 triệu người dùng vào năm 2026.
Các doanh nghiệp ví điện tử đã không ngần ngại "đốt tiền" bằng cách tung ra nhiều mã giảm giá, khuyến mại, chương trình ưu đãi... để mở rộng thị phần và thu hút người dùng. Tuy nhiên, cũng vì lý do đó mà những ví điện tử lớn nhất Việt Nam hiện nay như kỳ lân công nghệ Momo, ZaloPay, ShopeePay đều báo lỗ trong những năm qua.
Tuy nhiên, hai ví điện tử Vimo và NextPay của tập đoàn NextTech - doanh nghiệp gắn liền với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hòa Bình (hay còn gọi là "shark Bình") dù không có thị phần lớn nhưng lại bất ngờ báo lãi và tăng trưởng trong những năm qua.
Ví điện tử Vimo ra đời vào năm 2017 được phát triển và vận hành bởi CTCP Công nghệ Vi Mô - một đơn vị thành viên của NextPay thuộc hệ sinh thái của NextTech. Công ty này là đơn vị đầu tiên và duy nhất hiện nay ký kết hợp tác với cả Alipay và Wechat Pay triển khai chấp nhận thanh toán điện tử xuyên biên giới bằng ví điện tử cho khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc khi đến du lịch và thanh toán tại các đơn vị bán hàng tại Việt Nam. Việc này cũng đã được báo cáo và gửi hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, khi khách du lịch dùng ứng dụng ví điện tử nước ngoài để thanh toán, Vimo sẽ thông báo cho công ty ví điện tử nước ngoài trừ tiền của khách hàng, rồi ghi có vào ví điện tử Vimo của người bán tại Việt Nam bằng tiền VND theo đúng các quy định pháp luật.
“Bằng việc triển khai ứng dụng công nghệ này, Vimo đang góp phần tăng 30-50% doanh thu bán hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam nhờ hình thức thanh toán điện tử tiện lợi, giúp kích thích mạnh nhu cầu tiêu dùng từ khách du lịch vì không phải mang theo nhiều tiền mặt. Đến kỳ đối soát, công ty Ví điện tử ở nước ngoài sẽ chuyển tiền thanh toán về ngân hàng thanh toán của Vimo tại Việt Nam, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho nước ta”, Vi Mô khẳng định.
Trong hai năm 2018-2019, doanh nghiệp này cũng giống với nhiều ví điện tử tại Việt Nam đều báo lỗ. Tuy nhiên, kể từ năm 2020 công ty này đã bắt đầu có lãi.
Số liệu của Vietdata cho biết, năm 2022, doanh thu của Vimo đạt gần 1.600 tỷ đồng. Con số này tăng 102,5% so với năm 2021 và tăng 163,5% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này cũng tăng mạnh theo doanh thu khi đạt con số 150 tỷ đồng trong năm 2022, gấp 4,8 lần năm 2021 và gấp 4,6 lần năm 2020.
Chịu trách nhiệm vận hành và quản lý toàn bộ các ví điện tử các ví điện tử, bao gồm cả Vimo, mPOS, PAYON và cả các các phần mềm kế toán, tài chính, nhân sự trong hệ sinh thái của NextTech là NextPay.
Doanh thu của NextPay đạt hơn 440 tỷ đồng năm 2022, tăng 9,7% so với năm 2021 và tăng 25% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng. Cụ thể lợi nhuận năm 2020, thương hiệu ghi nhận lợi nhuận gần 66 tỷ đồng. Con số này đã tăng lên hơn 90 tỷ đồng vào năm 2021, và tăng mạnh 150% vào năm 2022, đạt hơn 165 tỷ đồng.