Trong các cuộc Hoa Sơn luận kiếm, cao thủ nào là người mạnh nhất trong Ngũ tuyệt thiên hạ?
Ngũ tuyệt thiên hạ đều là các cao thủ hàng đầu võ lâm, nhưng ai trong số họ mới là người mạnh nhất?
Trong tiểu thuyết võ thuật của Kim Dung, những người nằm trong Ngũ tuyệt thiên hạ đều là các cao thủ trong giới võ lâm. Cuộc tranh tài của họ trên đỉnh núi Hoa Sơn đã trở thành những câu chuyện để đời trong lịch sử võ thuật. Vậy trong những lần diễn ra các cuộc tranh tài này, nhân vật nào mới là cao thủ mạnh nhất?
Hoa Sơn luận kiếm là sự kiện được nhắc đến trong các tác phẩm Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ. Hoa Sơn luận kiếm xảy ra theo định kỳ khoảng hơn 20 năm một lần. Tổng cộng trong các tác phẩm của Kim Dung có nhắc đến 3 kỳ luận kiếm. Mục đích của kỳ Hoa Sơn luận kiếm là để xác định người có võ công cao nhất thiên hạ.
Thế hệ Ngũ tuyệt trong Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 1
Trong các kỳ Hoa Sơn luận kiếm thì lần luận kiếm thứ nhất là quan trọng và nổi tiếng nhất. Trong kỳ luận kiếm thứ nhất, ngoài mục đích chọn ra người vô địch thiên hạ, sự kiện này còn nhằm chọn ra chủ nhân cho cuốn Cửu âm chân kinh, một bảo vật của võ lâm.
Cuộc Hoa Sơn luận kiếm lần đầu tiên diễn ra trong bối cảnh trước khi truyện Anh hùng xạ điêu bắt đầu. Tại thời điểm này, các cao thủ, bang phái trong võ lâm tranh nhau bí kíp võ học Cửu âm chân kinh. Vì sự tranh giành này, giới võ lâm gặp rất nhiều tổn thất. Do đó, 5 cao thủ võ công hàng đầu đã quyết định tụ họp trên đỉnh Hoa Sơn để định ra ai là người mạnh nhất. Người chiến thắng sẽ được giữ Cửu Âm chân kinh vì chẳng kẻ nào dám đến cướp bí kíp võ học trong tay người đứng đầu võ lâm.
Theo lời của Châu Bá Thông, bọn họ miệng đàm luận kiếm thuật, võ công, tay ra chiêu sử thức khắc địch chế thắng. Đánh nhau liên tục trong vòng 7 ngày 7 đêm. 5 người đều sử dụng những võ công thượng thặng, tuyệt kĩ bình sinh, giao đấu với nhau: Vương Trùng Dương có Tiên Thiên Công, Hoàng Dược Sư có Lạc Anh Thần Kiếm Chưởng, Đàn Chỉ Thần Công, Âu Dương Phong có Cáp Mô Công, Đoàn Trí Hưng có Nhất Dương Chỉ, Hồng ThấtCông có Hàng Long Thập Bát Chưởng (còn có Đả Cẩu Bổng Pháp nhưng không đem ra sử dụng).
Sau 7 ngày 7 đêm long tranh hổ đấu, Vương Trùng Dương võ công nhỉnh hơn 4 người kia, được bọn họ tôn là võ công đệ nhất thiên hạ đồng thời đoạt được Cửu Âm Chân Kinh. Bốn người còn lại võ công tương đương bất phân cao thấp. Từ đó, Ngũ tuyệt thiên hạ được định ra gồm: Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Bắc Cái Hồng Thất Công, Trung Thần Thông Vương Trùng Dương. Vương Trùng Dương ở lần luận kiếm này được coi là võ công mạnh nhất.
Thế hệ Ngũ tuyệt trong Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 2
Cuộc luận kiếm thứ hai diễn ra sau lần thứ nhất 25 năm vào cuối tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu. Lần này chỉ có Hồng Thất Công, Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong và Quách Tĩnh tham gia. Trong lần tỉ thí này, Âu Dương Phong vốn bị Quách Tĩnh đưa bản Cửu Âm chân kinh giả và Hoàng Dung chỉ dẫn tu luyện sai đường nên tẩu hỏa nhập ma, kinh mạch hỗn loạn, trở nên điên cuồng nhưng vô tình lại khiến võ công tăng tiến vượt bậc.
Hoa Sơn luận kiếm lần thứ hai kết thúc mà không chính thức bầu ra Thiên hạ ngũ tuyệt. Nhưng Âu Dương Phong được các đối thủ công nhận là võ công cao nhất.
Thế hệ Ngũ tuyệt trong Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 3
Cuộc luận kiếm lần thứ ba diễn ra vào cuối tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ. Hồng Thất Công và Âu Dương Phong đều đã chết nên một lứa cao thủ mới xuất hiện. Lần luận kiếm này có Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng đại sư, Quách Tĩnh, Hoàng Dung, Dương Quá, Tiểu Long Nữ, Chu Bá Thông. Tuy vậy lần này mọi người không trực tiếp giao đấu mà chỉ tự phân chia thứ bậc thông qua hiểu biết về võ thuật của nhau. Cuối cùng Thiên hạ ngũ tuyệt được bầu ra, thật trùng hợp rằng thế chỗ Trung-Bắc-Tây vẫn là người chân truyền võ nghệ của họ.
Ngũ tuyệt thiên hạ mới của võ lâm gồm: Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Cuồng Dương Quá, Nam Tăng Nhất Đăng đại sư, Bắc Hiệp Quách Tĩnh, Trung Ngoan Đồng Chu Bá Thông. Tại Hoa Sơn luận kiếm lần thứ ba, Châu Bá Thông được bầu là người giỏi nhất. Trong số 5 người này, mỗi người đều có đặc điểm riêng, như nội lực mạnh nhất là Nhất Đăng đại sư, thực chiến thì Quách Tĩnh mạnh nhất còn Dương Quá thì quá mạnh với Ám nhiên tiêu hồn chưởng, vì thế xét về thực lực rất khó phân cao thấp.
Từ thế hệ thứ nhất tới thứ 3, ta có thể thấy 2 trong số cao thủ mạnh nhất đều xuất phát từ Toàn Chân Giáo. Nhiều fan nguyên tác trên diễn đàn Sina, Sohu cho rằng, với thông tin này, ta có thể coi Vương Trùng Dương là người mạnh nhất trong số các Ngũ tuyệt thiên hạ.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung từ trang tin Sina, Sohu.