Trò chuyện với nam sinh Việt trẻ nhất trong lịch sử được Forbes vinh danh ‘30 Under 30 Asia’: Mơ người trẻ Việt có thể thay đổi thế giới như Mark Zuckerberg, Bill Gates
Sau khi hoàn thành năm nhất tại Đại học Carleton College ở Mỹ, Trần Tuấn Minh (Brian Minh Tran) quyết định trở về Việt Nam, cùng cộng sự cùng thành lập và phát triển UpYouth hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh những đóng góp tại UpYouth, Trần Tuấn Minh còn từng giữ vị trí trợ lý cho PTGĐ Thường Trực Toàn Cầu của VinFast. Tuấn Minh luôn nung nấu một khát vọng sẽ đưa sản phẩm Việt ra thế giới bằng khởi nghiệp.
Mới đây, tạp chí Forbes đã công bố danh sách những gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi tại châu Á Forbes 30 Under 30 Asia 2024. Đáng chú ý, Trần Tuấn Minh (Brian Minh Tran), 22 tuổi, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Đại học VinUni là đại diện của Việt Nam góp mặt ở hạng mục Tác động xã hội. Trong danh sách của Forbes Asia, Tuấn Minh là người Việt trẻ nhất trong lịch sử được vinh danh.
Tuấn Minh là đồng sáng lập của UpYouth, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại Việt Nam được thành lập vào năm 2020. Tổ chức này điều hành một vườn ươm khởi nghiệp, giúp 30 startup sinh viên huy động được 3,5 triệu USD, và các chương trình khác tác động lên 30,000 sinh viên. Bên cạnh đó, Tuấn Minh còn từng giữ vị trí trợ lý cho PTGĐ Thường Trực Toàn Cầu của VinFast.
Có tên trong danh sách gương mặt trẻ nổi bật châu Á “30 Under 30 Asia” của tạp chí Forbes, cảm xúc của Minh như thế nào? Việc được lọt vào danh sách này có ý nghĩa như thế nào với sự nghiệp của bạn?
Ban đầu, mình rất bất ngờ vì biết rằng nhiều anh chị giỏi khác cũng ở trong danh sách được chọn. Mình còn nhiều thứ phải học hỏi nên cũng chưa từng nghĩ sẽ lọt được vào danh sách này. Mình xem đây là sự ghi nhận cho tập thể đã cố gắng nỗ lực cùng mình trong suốt hơn 3 năm qua, mình là người đại diện nhận. Việc được vinh danh trong danh sách “30 Under 30 Asia” của Forbes là bước khởi đầu và là sự ghi nhận cho thành tựu của quá khứ. Trong tương lai, vẫn còn rất nhiều thử thách đang chờ mình và đội ngũ thực hiện.
Từng du học Mỹ ở bậc THPT và học Đại học 1 năm ở Mỹ, đâu là lý do thôi thúc Minh quyết định quay trở về Việt Nam?
Mình quyết định trở về Việt Nam vào thời điểm đó như một cái duyên. Mình luôn mong muốn sẽ về Việt Nam để cống hiến cho đất nước sau khi học xong. Năm 2020, mình gap year sau năm nhất ĐH để đi làm trong lúc đợi dịch qua. Lúc đó, mình thành lập UpYouth và đến Đại học VinUni để xin hợp tác và tài trợ cho dự án. Lúc này, mình nghĩ về VinUni thì mình sẽ tạo giá trị nhiều hơn khi ở Mỹ, không những được học hỏi như môi trường bên Mỹ mà cũng được cống hiến những gì mình đã được trải nghiệm, giáo dục. UpYouth lúc đó cũng đã bắt đầu thành hình, mình muốn quyết tâm làm cho tử tế. Sau khi đăng ký học đại học VinUni và nhận được học bổng, mình quyết định trở về Việt Nam.
Việc đưa ra quyết định này cũng đồng nghĩa với việc Tuấn Minh sẽ “bỏ ngỏ” 4 năm học ở Mỹ. Lúc đó, Minh có suy nghĩ như thế nào và gia đình có phản ứng ra sao?
Đây là một quyết định không phải chỉ ảnh hưởng riêng mình, gia đình đã hi sinh nhiều để cho mình cơ hội đi du học. Bố mẹ hỏi “có phí công không?” khi chỉ còn vài năm là mình xong bằng đại học. Để có cơ hội này, mình đã rất quyết tâm, mài sức tìm học bổng để được sang Mỹ từ cấp 3.
Sau này, mình lại nghĩ khá đơn giản. Đích đến cuối cùng của mình là trở về Việt Nam để cống hiến, mình cũng đã tìm được môi trường có chất lượng học tập như ở Mỹ, và UpYouth cũng đang phát triển. Còn về trải nghiệm ở Mỹ thực sự không phí vì điều này giúp mình quan sát thế giới đa chiều hơn và luôn phản biện với những điều tưởng chừng như hiển nhiên.
Tuấn Minh cùng những người bạn sáng lập ra UpYouth, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc hỗ trợ các sinh viên khởi nghiệp tại Việt Nam ở độ tuổi từ rất sớm. Điều gì đã truyền cảm hứng cho bạn?
Nếu nói bắt đầu sớm thì không hẳn. UpYouth dành cho sinh viên, mình là sinh viên thì nên làm vì sinh viên, như vậy mới tốt nhất. Thời gian học ở nước ngoài giúp mình có cơ hội tiếp xúc sớm với các hoạt động khởi nghiệp. Tại đây, mình phải bắt đầu một dự án startup sau chương trình.
Những hoạt động này có vẻ giống với các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp khác nhưng điều đặc biệt với mình là tính “thực tế”: Mọi người đều kỳ vọng học sinh trung học phải tạo ra các dự án startup thực sự có thể đi bán được và thay đổi thế giới. Những trải nghiệm tại trại khởi nghiệp và các sự kiện liên quan đến khởi nghiệp ở Mỹ đã truyền động lực để mình học hỏi về tinh thần khởi nghiệp. Khi về nước, mình nhận thấy các bạn trẻ Việt không có nhiều cơ hội để học về khởi nghiệp như vậy. Hầu hết các hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên là các cuộc thi, nơi sẽ tập trung nhiều việc thuyết trình “giành giải”, không phải tạo ra các sản phẩm có tác động lâu dài. Nguyên nhân chính là ít có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, việc xây dựng và thành lập startup sẽ khá rủi ro cho các bạn. Vấn đề này ngăn cản các bạn va vấp trải nghiệm thực tế sớm mà các cuộc thi thuyết trình không thể mang lại.
UpYouth muốn mang lại nguồn lực tốt nhất, nhằm giảm thiểu rủi ro, cho các bạn trẻ ra được sản phẩm thật, bền vững và có tác động cho xã hội. Sứ mệnh của UpYouth muốn hướng tới là chứng minh cho thế giới thấy người trẻ Việt cũng có thể thay đổi thế giới qua khởi nghiệp, như Mark Zuckerberg/ Bill Gates đã từng vào tuổi 19-20.
Như Tuấn Minh chia sẻ, UpYouth muốn mang lại nguồn lực tốt nhất. Vậy “nguồn lực” ở đây cụ thể là gì?
Nguồn lực tốt nhất trước hết phải có 1 network tốt từ những người thực chiến. Có nhiều người nói là các bạn thiếu kiến thức, nhưng mình nghĩ kiến thức thực chiến sinh ra từ mạng lưới mối quan hệ. Từ network sẽ dẫn tới kiến thức thực chiến đúng đắn, các bạn có thể đóng gói những kiến đó chia sẻ cho nhiều người khác. Kiến thức khởi nghiệp không thiếu, và rất nhiều tài nguyên hay ở nước ngoài, Việt Nam đã biên soạn và chia sẻ, các bạn có thể tự học. Cái thiếu ở đây là tính thực chiến. Lấy ví dụ: Làm thế nào để người trẻ gen Z bắt đầu quản lý đội ngũ trong văn hoá Việt Nam, đây là kiến thức thực chiến mà các tài nguyên nước ngoài, kiến thức lý thuyết khó truyền tải.
Quan trọng nhất với khởi nghiệp là tinh thần bền bỉ, vượt qua thất bại. Network với những người thực chiến sẽ giúp các bạn hiểu rõ tinh thần đó, và noi gương để phấn đấu hơn. Network thực chiến cũng sinh ra những nguồn lực cần thiết mà các bạn cần từ các mối quan hệ, tạo ra sự tin tưởng để hình thành nên các mối quan hệ hợp tác, các khoản đầu tư. Như vậy có thể nói, nếu có 1 network tốt, các nguồn lực như khoản đầu tư, kiến thức,... sẽ được sản sinh theo đó.
Những ngày đầu lập ra UpYouth ở tuổi còn trẻ như vậy, Tuấn Minh gặp phải những khó khăn gì?
Về Việt Nam sau 4 năm du học tưởng chừng có nhiều lợi thế nhưng lại là bất lợi. Lúc ấy, mình chưa có kinh nghiệm trong “khởi nghiệp" hay “đầu tư", cũng không quen biết ai tại Việt Nam để học hỏi vì đã đi du học một thời gian.
Hồi đó, quen ai là sinh viên thì hẹn người này, giới thiệu gọi điện cho người kia để gặp và lần mò dần dần. Cơ duyên là tháng 9/2020, mình gặp co-founder UpYouth, hiện đang Quản Lý mảng Vườn ươm tăng tốc ở Quỹ đầu tư ThinkZone. Mình có chia sẻ về ước mong người trẻ Việt mình cũng có thể tạo tác động từ khi còn trẻ qua khởi nghiệp, và 2 anh em có cùng chung lý tưởng nên bắt tay vào làm. Tính cách của mình là nếu làm gì thì sẽ làm luôn, nên sau 1 tháng, mình cố gắng mời và huy động đủ nhân sự để thành lập UpYouth.
Mới đầu, nhiều bạn trẻ tưởng chúng mình “lừa đảo" vì chẳng ai rảnh tự nhiên nhắn tin các startups và kêu mình muốn giúp họ thành công. Mình và đội ngũ cũng mất hơn 1 năm rưỡi để thử nghiệm sản phẩm và tìm hướng đi: 6 tháng xây dựng 1 online platform rồi phải bỏ, và các dự án thử nghiệm lẻ tẻ như xây dựng cộng đồng, xây dựng dự án mentoring,... Nói chuyện với các đối tác thì họ vẫn không hiểu UpYouth là gì. Mãi tới giữa năm 2022, khi chúng mình thành lập Vườn ươm do sinh viên vận hành và dành cho người trẻ đầu tiên tại Việt Nam, lúc đó mọi người mới biết đến rộng rãi hơn và bắt đầu tin tưởng hợp tác.
Được biết, UpYouth, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc hỗ trợ các sinh viên khởi nghiệp tại Việt Nam. Tuấn Minh có thể chia sẻ chi tiết thêm về các hoạt động của UpYouth, những con số, thành tựu ấn tượng của UpYouth?
Với sứ mệnh giúp các bạn ra được các sản phẩm thật và có tính lâu dài, ngoài tập trung vào network thực chiến, mình và đội ngũ giúp các bạn “bền chí" qua nhiều thử thách bằng cách xây một cộng đồng có các bạn đang làm startups và động viên, giúp đỡ lẫn nhau.
Các sản phẩm của UpYouth gồm Vườn ươm khởi nghiệp TechYouth Incubator, Hackathon HackYouth... TechYouth Incubator là vườn ươm giúp các bạn trẻ với đầu vào là có ý tưởng và mong muốn làm sản phẩm thật, và đầu ra là các công ty có các sản phẩm thật và có thể gọi vốn. Để giúp các bạn, mình và đội ngũ tập trung chính vào những hoạt động tập trung vào việc làm thật, và học từ những người giỏi nhất.
Các startup cũng sẽ kết nối trực tiếp với mạng lưới Quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) như: Venturra, Ascend Vietnam Ventures, ThinkZone… Hay tham gia những workshops và cố vấn hàng tuần được dẫn dắt bởi những chuyên gia hàng đầu trong giới khởi nghiệp, kinh doanh & công nghệ như anh Nguyễn Anh Quân (CEO & Co-founder GIMO - Y Combinator), anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), anh Michael Ngô (Giám Đốc ELSA Speak tại ĐNA và Đài Loan).
Ở độ tuổi còn rất trẻ nhưng điều hành UpYouth, Minh có gặp phải nhiều áp lực?
Áp lực so với các anh chị đi trước thì mình nghĩ chỉ là 1 phần nhỏ thôi. Còn áp lực nhất, và cũng là bài học đắt giá nhất khi mình làm UpYouth là: Làm thế nào để genZ như mình quản trị và vận hành 1 bộ máy với nhiều GenZ khác? Hiện nay, UpYouth đang có khoảng 50 thành viên từ 9 Quốc gia, với các thành viên công tác tại ĐSQ Mỹ, McKinsey, BCG, Big 4, MoMo, Masan... đến từ các trường đại học như Cornell University, VinUni, Đại Học Sydney, Ngoại Thương.
Bài toán của UpYouth là 1 tổ chức sinh viên thì không có tiền để trả lương cho thành viên, nhưng cần ra những sản phẩm chất lượng. Bài toán thứ 2 là mọi thành viên trong UpYouth đều làm việc online ở các múi giờ khác nhau, ngoài UpYouth thì cũng đi học và thực tập, nhưng UpYouth vẫn muốn các bạn đầu tư công sức vào dự án.
Điểm mấu chốt, mình nhận ra rằng tiền là 1 công cụ trao đổi giá trị lợi ích giữa 2 bên. Nếu mình tìm được giá trị lợi ích khác mà họ thực sự cần, thì đẩy mạnh để 2 bên cùng ra được chất lượng công việc tốt nhất. Người trẻ chúng mình thực sự rất quan tâm tới các cơ hội để tìm hiểu, phát triển bản thân, và nghề nghiệp. Vì vậy thay vì dùng công cụ là tiền như thông thường, vì chúng mình không có (cười), chúng mình đẩy mạnh việc giúp từng cá nhân phát triển được con đường bản thân một cách tốt nhất. Đây là giá trị mấu chốt các bạn trẻ genZ như chúng mình cần, và đó là lí do khiến các bạn gắn bó với UpYouth lâu tới vậy dù làm việc online và còn các công việc khác.
Được biết, Tuấn Minh còn từng có thời gian đảm nhiệm vị trí trợ lý Phó Tổng giám đốc điều hành toàn cầu của VinFast. Tuấn Minh có thể chia sẻ chi tiết thêm về cơ duyên dẫn Minh đến vị trí đặc biệt này?
Mình rất thích câu nói “Điều dẫn tới thành công không phải từ một cú hích nào đó, mà là những bước đi nhỏ trong quá trình đó”. Khi về Việt Nam, mình cũng có áp lực là phải nỗ lực hết mình để thành công, vì để không phí hoài lựa chọn mình đã bỏ ngỏ con đường du học Mỹ để trở về Việt Nam theo đuổi lý tưởng. Mới năm nhất, mình rải đơn xin việc khắp nơi dù chưa có kinh nghiệm, từ vị trí làm sales, chăm sóc khách hàng, tới Quỹ đầu tư và đương nhiên không có hồi âm.
Lúc ấy, có một chị HR thấy mình tích cực “rải đơn" nên đã móc nối cho mình có cơ duyên thực tập tại Tập đoàn Seedcom khi gap year, và sau khi thực tập một thời gian và chứng minh năng lực, mình cũng được làm trợ lý cho các giám đốc. Vị trí trợ lý là việc rất thú vị để mình học nhanh nhất dù còn nhỏ tuổi: Học được chuyên môn của sếp, cách quản trị và lãnh đạo, và khi chứng minh được năng lực thì cũng được đề xuất và thực thi chuyên môn với sếp. Đây cũng là vị trí rèn cho mình nhiều trí tuệ cảm xúc nhất (EQ), hiểu ngầm sếp mình thực sự muốn gì để hoàn thành vai trò đó.
Sau 3 năm khi được nhìn sơ bộ qua các mảng chiến lược, vận hành, marketing,... mình nhận ra mảng đầu tư và tài chính là mảng mình hay bị “bật ra" mỗi khi tới giai đoạn đó và không hiểu rõ. Vì thế, mình quyết tâm vào Ngân Hàng Đầu Tư (Investment Banking) thực tập để hiểu cụ thể gọi vốn và tài chính là gì, và mình qua BDA Partners.
Với mục tiêu mang sản phẩm Việt ra thế giới, mình đã có cơ hội nhìn qua 1 công ty vận hành khi ở Seedcom, cũng như mảng tài chính và gọi vốn tại BDA Partners, nhưng vẫn thắc mắc một công ty Việt ra thế giới thì sẽ ra sao. Mình có thấy VinFast là nơi phù hợp, và dù biết khá khó để có vị trí thực tập ở đây, nên đã đánh liều tự tạo cơ hội cho mình bằng cách email nguyện vọng kèm CV trực tiếp lên Tập đoàn, kèm 54 trang tự nghiên cứu và tổng hợp trong 2 tuần về công ty, thị trường, đối thủ. Rất may là mình được phỏng vấn và được lựa chọn làm Trợ lý cho PTGĐ Thường Trực Toàn Cầu tại đây.
Sở hữu một thành tích sự nghiệp ở tuổi còn trẻ cũng như học tập rất ấn tượng, chắc hẳn Tuấn Minh cũng được gia đình giáo dục theo một cách rất đặc biệt? Minh có thể chia sẻ về cách giáo dục của gia đình với Minh?
Gia đình mình không dạy mình khác các bạn đồng trang lứa khác đâu (cười). Mình cũng cố gắng vừa làm, vừa học và vận hành UpYouth, nên cũng không có nhiều thời gian cho gia đình. Thật ra mỗi bữa cơm, bố mẹ mình cũng vẫn ca “bài ca con nhà người ta" và phải cân bằng được học tập, công việc và cuộc sống. Mình cũng đồng ý đó là thiếu sót mình cần cải thiện, và hiện tại cũng cố gắng học hỏi cách tối ưu thời gian để dành nhiều thời gian cho gia đình.
Bài học quý giá nhất mà Minh được dạy bởi chính gia đình mình là những bài học như thế nào?
Bài học quý nhất mình được dạy bởi gia đình là sự tự lập và phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Ba mẹ mình thường không hỏi và kèm cặp quá sâu vào chuyện học hành và thi cử của mình, và dặn mình phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình. Ví dụ đợt ôn luyện học bổng đi du học cấp 3, hay lựa chọn trường đại học, ngành nghề gì đi làm ở đâu, ba mẹ sẽ chỉ đóng góp ý kiến cố vấn nếu cần, và nếu mình sai hay ngã, mình phải tự đứng dậy và sửa sai.
Điều mà Tuấn Minh cảm thấy hài lòng, tự hào nhất về UpYouth là gì?
Mình tự hào nhất là UpYouth cũng góp một phần bé nói lên tiếng nói của người trẻ Việt, chứng minh cho các bạn nước khác là người trẻ Việt dù còn trẻ nhưng “có võ”…Người trẻ cũng có thể thay đổi thế giới, không cần đợi tới khi đi làm. Đương nhiên là sẽ không thể bằng các cô chú anh chị đi trước được vì mình còn trẻ, còn thiếu nhiều kinh nghiệm nhưng nếu người trẻ cũng có bước khởi đầu và niềm tin, thì đây sẽ hình thành thói quen tạo tác động cho chúng mình trong tương lai.
Là một người trẻ có sức ảnh hưởng, để chia sẻ một vài điều truyền cảm hứng đến các bạn trẻ, Tuấn Minh sẽ nói gì?
Mình nghĩ mình còn là “hạt cát” trong xã hội, còn nhiều thứ để học và còn rất nhiều bạn trẻ giỏi hơn, nên nếu gọi là có “sức ảnh hưởng” thì chưa đâu (cười).
Nhưng dạo gần đây, mình được một người bạn là Vừng, chia sẻ một cuốn sách là “Kẻ Khôn Đi Lối Khác - The Third Door”, được viết bởi một sinh viên Mỹ tên Alex Banayan còn ngồi trên ghế nhà trường, có tham vọng tưởng chừng như “điên rồ" là muốn gặp được những người nổi tiếng như Bill Gates, Warren Buffett, hay Lady Gaga, để phỏng vấn lý do họ thành công.
Mình thấy được 2 bài học. Một là sau khi phỏng vấn những người thành công như vậy, thì tác giả đúc kết ai cũng có thể thực hiện giấc mơ của mình, chỉ cần mình tìm được “cánh cửa thứ 3” cho dù xuất phát điểm mình ở đâu chăng nữa. Tác giả ví cuộc sống giống như một câu lạc bộ đêm với 3 lối vào. Cánh cửa 1 là cửa chính, nơi 99% mọi người tuân thủ theo định luật hiển nhiên để xếp hàng chờ vào. Cánh cửa thứ 2 dành cho thiểu số là cửa VIP, dành cho các tỷ phú và những người nổi tiếng. Nhưng không ai nói về cánh cửa thứ 3 là lối vào mà mình phải tách khỏi đám đông và tự tìm con đường riêng của mình, tự trèo rào, chuồn vào trong qua cửa phụ, tự gõ cửa trăm lần để xin vào,... và đây là lối vào của những người thành công.
Hai là Alex cũng giống như mình, dù là sinh viên 18 tuổi không có mối quan hệ nào, bạn vẫn quyết tâm thực hiện hóa giấc mơ phỏng vấn những người nổi tiếng. Bạn chuyển từ trường Y sang trường kinh doanh dù ba mẹ phản đối, nhận được thư từ chối trăm lần, hoặc bị từ chối thẳng thừng ngay trước mặt. Tuy nhiên sau vài năm bạn đã phỏng vấn được những người thành công, và cuốn sách của bạn đã là #1 INTERNATIONAL BESTSELLER.
Mình muốn truyền tải thông điệp là: Dù còn trẻ và thiếu nhiều kinh nghiệm, nhưng nếu mình bền bỉ, đi tìm cánh cửa thứ 3 như Alex, thì mình nghĩ sẽ làm được thôi.
Cảm ơn những chia sẻ của Tuấn Minh!