Người đứng sau mẫu áo mô phỏng gây sốc của mĩ nhân 'Black Panther': Từng lọt top 30 Under 30 của Forbes
Là một trong những nữ thiết kế nhận được sự ủng hộ từ chính các ngôi sao hàng đầu Hollywood, Misha Japanwala luôn nỗ lực khẳng định bản thân trong lĩnh vực nghệ thuật và thời trang.
Mới đây, vào sáng ngày 12/6 (giờ Việt Nam), trên thảm đỏ Tony Awards 2023, ngôi sao của phim Black Panther Lupita Nyong'o đã trở thành tâm điểm của sự chú ý khi mặc một trang phục có thiết kế vô cùng độc đáo.
Theo đó, nữ diễn viên gốc Kenya diện tuxedo kết hợp áo giáp mô phỏng vòng một của phụ nữ và chính chiếc áo này khiến cô phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích từ phía dư luận. Ngoài ra, một số trang báo Hollywood cũng phải chú thích những bức hình của Lupita Nyong'o là "ảnh có chứa nội dung nhạy cảm".
Tuy nhiên, theo Daily Mail, nữ minh tinh của loạt phim siêu anh hùng không phải là nghệ sĩ duy nhất hưởng ứng phong trào mặc những thiết kế táo bạo này mà chính Cardi B và tạp chí Vogue đã giúp áo hình vòng một thêm nổi tiếng. Được biết, chiếc áo này được làm bởi nhà thiết kế người Pakistan - Misha Japanwala.
Trang phục gây chú ý của Lupita Nyong'o tại Tony Awards 2023.
"Điều quan trọng là cơ thể của chúng ta phải được coi như một tác phẩm nghệ thuật. Bởi vì chúng là như vậy"
Misha Japanwal là một nghệ sĩ và nhà thiết kế thời trang người Pakistan nổi tiếng với những mẫu áo mô phỏng từ việc đúc và điêu khắc từ cơ thể.
Cô có bằng BFA về Thiết kế Thời trang của Trường Thiết kế Parsons và hiện đang làm việc giữa Karachi và New Jersey.
Chia sẻ trong một bài phỏng vấn với tạp chí Elle, Misha cho biết bộ sưu tập đầu tiên của cô ra đời kể từ sau khi tốt nghiệp. Trong khoảng thời gian đó cô đã sống sót sau đại dịch toàn cầu, vượt qua những công việc đầy thử thách, chịu mức lương thấp trong ngành thời trang, kết hôn với bạn đời và đối mặt với nhiều đợt phản ứng dữ dội vì một luận án làm trong thời gian cô học tại trường Parsons chuyên ngành thiết kế thời trang
Đặc biệt, Misha còn phải hứng chịu làn sóng chỉ trích là từ cộng đồng người Pakistan. Nhưng thay vì bỏ cuộc, cô mong muốn bản thân mình sẽ là người phụ nữ đầu tiên vạch trần các mặt tối của xã hội thông qua nghệ thuật.
nhà thiết kế thời trang người Pakistan - Misha Japanwal .
"Có rất nhiều cảm giác khó chịu xuất hiện khi bạn không sẵn sàng chấp nhận và chịu đựng được điều đó, thì sự phản kháng của bạn với nó chính là thứ tạo ra sự tức giận và ghê tởm đối với công việc của tôi."
Vào năm 2018, Misha Japanwala đã thực hiện các tác phẩm được điêu khắc từ chính cơ thể của mình.
Theo nhà thiết kế thời trang người Pakistan, điều đúng đắn nhất trong các tác phẩm của cô là tấm gương ẩn dụ mà nó hình thành: Các cơ thể đã ở đây, luôn ở đây và sẽ luôn ở đây, bất kể xã hội có làm gì để cố gắng che đậy chúng.
Misha cho rằng sự xấu hổ chính là thứ cảm xúc dễ dàng thay đổi của con người khi bắt gặp bất kỳ tình huống nào trong cuộc sống. Nhưng thay vì gạt bỏ những chi tiết nhỏ bé đó, cô lại mong muốn trong quá trình chạm tay với nghệ thuật, cô sẽ tạo ra một bản ghi lại thực tế, chân thực về cơ thể con người như một hành động tôn vinh và tán dương. Đồng thời, nhấn mạnh vào việc tự do cơ thể của mỗi người.
"Tôi cảm thấy đó là một khoảnh khắc đẹp và cần xuất hiện trong xã hội hiện nay. Nó đóng vai trò như một tuyên bố táo bạo về quyền bình đẳng giới, lời lên án về những hành động bạo lực, ngược đãi, thậm chí cưỡng hiếp đang gia tăng mà phụ nữ Pakistan phải đối mặt hàng ngày mà tôi chỉ có thể thực hiện được thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình
Thông qua việc dựa trên hình dạng những cơ thể để tạo ra các thiết kế điêu khắc, tôi nhận ra tác phẩm của mình sẽ làm mờ đi ranh giới giữa thời trang và thực tế. Đó không phải là xu hướng, đối với tôi, việc bị thu gọn vào một xu hướng luôn khiến tôi khó tiêu hóa vì nó còn nhiều tầng ý nghĩa hơn thế nữa.", Misha Japanwala nói.
Nhờ thông điệp cao cả được truyền đạt, những tác phẩm đúc từ cơ thể người của Misha Japanwala dần trở nên nổi tiếng nhờ Vogue Tây Ban Nha và các nghệ sĩ trên thế giới chú ý. Tuy nhiên, điều này vẫn khiến nữ thiết kế phải hứng chịu sự chỉ trích từ phía dư luận.
Bên dưới các bài đăng trên trang cá nhân của cô thường xuyên xuất hiện các bình luận tiêu cực, thậm chí cho rằng cô đang đầu độc chính giới trẻ.
Lọt top 30 Under 30 của Forbes, là gương mặt được giới nghệ sĩ "chọn mặt gửi vàng"
Misha Japanwala luôn nỗ lực khẳng định bản thân trong lĩnh vực nghệ thuật và thời trang. Năm 2021, Misha Japanwala góp mặt trong danh sách 30 Under 30 của Forbes. Các thiết kế của cô được giới truyền thông săn đón chụp hình và viết trên nhiều ấn phẩm quốc tế khác nhau bao gồm Vogue, Harper's Bazaar, Vice và Document Journal.
Nữ thiết kế đã tạo ra các tác phẩm cho Cardi B, Gigi Hadid, Lil Nas X và Joy Crookes, và gần đây, cô còn được vinh danh trong danh sách Forbes Under 30.
Ngoài ra, một trong những dấu ấn khó quên là khi cô được nữ diễn viên Lupita Nyong'o tin tưởng, nhờ làm tấm giáp đúng theo cấu trúc, chỉ số cơ thể của mình.
Lupita Nyong'o diện một trong những mẫu thiết kế của Japanwala.
Gần đây nhất, nữ nghệ sĩ người Pakistan còn chính thức ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên "Beghairati Ki Nishaani: Dấu vết của sự xấu hổ" hiện đang được xuất hiện tại Phòng trưng bày Hannah Traore ở Thành phố New York.
Bộ sưu tập mới này bao gồm hồ sơ lịch sử về các nghệ sĩ, nhà hoạt động và những người ăn xin ở Karachi, Pakistan, quê hương của Japanwala.
Beghariat - có nghĩa là 'không biết xấu hổ' trong tiếng Urdu, là một thuật ngữ phán xét mà nghệ sĩ cố gắng xác định lại như một công cụ để giải phóng. Ghi lại cộng đồng của mình thông qua các đường nét trên cơ thể, Japanwala mong muốn lưu giữ những câu chuyện về cuộc sống của phụ nữ, người đồng tính và người chuyển giới ở Pakistan nhằm biên soạn một kho lưu trữ trực quan về cuộc sống và khả năng phục hồi của họ sau những tổn thương của xã hội do vấn nạn phân biệt chủng tộc gây ra.
Đối với buổi biểu diễn đặc biệt này, Japanwala luôn tự hỏi bản thân rằng nên làm cách nào tốt nhất để ghi lại chân thật những hình ảnh cuộc sống của người phụ nữ Pakistan thông qua cơ thể của họ và cô đã lồng ghép những câu chuyện có thật này vào bối cảnh tự nhiên trên bờ biển Karachi, một thị trấn ven biển ở Pakistan.
Một trong những tác phẩm sắp đặt nổi bật của cô tại phòng trưng bày chắc chắn là một bức tượng bằng vàng, được đúc trên những phụ nữ Pakistan ẩn danh.
Lấy ý tưởng từ nền văn minh Mohenjo-daro và Harappa của Thung lũng Indus, nữ thiết kế cho rằng ảnh khoả thân không phải là luận điểm trung tâm, mà là những gì xã hội tạo ra từ cơ thể, cụ thể là cơ thể phụ nữ bị gạt ra ngoài lề cuộc sống, cơ thể không phù hợp với giới tính và cơ thể linh hoạt về giới.
Theo Japanwala, điều khiến một số người khó chịu là cách những người này tạo ra không gian cho bản thân họ bất chấp mọi khó khăn.
"Thực tế là những người này vẫn tồn tại bất chấp những lời hoa mỹ nguy hiểm, bất chấp những gì cuộc sống nói với chúng ta rằng cần phải làm gì để tồn tại và được chấp nhận. Tất cả những người phụ nữ được góp mặt trong buổi trưng bày này đều đang tích cực tồn tại và tiếp tục làm công việc, sống cuộc sống của họ bất chấp tất cả những điều đó", Japanwala kết luận.