Trợ cấp thất nghiệp do Covid-19 tại Mỹ: Thiên đường cho tội phạm hoành hành

13/06/2020 08:29 AM | Xã hội

Người sáng lập ra công ty bảo mật dữ liệu CyberScout nói: “Tình hình hiện tại thực sự là thiên đường cho bọn tội phạm và nỗi thống khổ cho các nạn nhân”.

Tội phạm đang lợi dụng tình trạng thất nghiệp tràn lan tại Mỹ để đánh cắp tiền trợ cấp thất nghiệp. Vấn nạn này càng khiến cho cuộc sống của hàng triệu người Mỹ vốn chật vật vì thất nghiệp lại càng khó khăn hơn và khiến cho các cơ quan giải quyết hỗ trợ thất nghiệp bị quá tải.

Mặc dù, không có con số chính xác về các vụ lừa đảo tiền trợ cấp thất nghiệp tính đến hiện tại, nhưng chính quyền các bang đều cho biết họ nhận thấy tình trạng này đang có chiều hướng tăng nhanh. Nhiều cơ quan liên bang đang nỗ lực đối phó với hiện tượng này.

Khoảng 10% khoản tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp đã không được phân phối đúng người. Chúng tôi đang ở trong thời điểm tồi tệ”, ông Scott Scott Dahl, Tổng thanh tra của Bộ Lao động Mỹ phát biểu trước Tiểu ban Hạ viện về các hoạt động của Chính phủ. Ông Dahl ước tính rằng ít nhất 26 tỷ USD đã bị thất thoát trong đó các vụ lừa đảo chiếm phần lớn trong số này.

Điều này buộc những người lao động thất nghiệp phải đấu tranh cho những lợi ích đáng lẽ họ phải được hưởng.

Bà Eva Velasquez, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Identity Resource Center cho biết: “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về cuộc sống của những lao động thất nghiệp vì không biết bao giờ tình trạng lừa đảo này mới được giải quyết và họ có thể nhận lại được tiền trợ cấp”. Tổ chức của bà Velaquez đã ghi nhận số lượng cuộc gọi nhờ tư vấn về lừa đảo tiền hỗ trợ thất nghiệp tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Kể từ giữa tháng 3, 42,7 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, mặc dù một số người đã đi làm lại khi các bang cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại. Mới đây, chính phủ liên bang cho biết 21,5 triệu người hiện đang nhận trợ cấp thất nghiệp, "một mảnh đất béo bở" cho bọn tội phạm. Hơn nữa, khoản tiền trợ cấp bổ sung 600 USD/ tuần càng tiếp thêm động cơ cho hoạt động lừa đảo.

Các cơ quan chính phủ giải quyết chính sách hỗ trợ thất nghiệp đang bị quá tải do quá nhiều đơn xin trợ cấp và sức ép giải quyết các khoản thanh toán cho những người có nhu cầu càng nhanh càng tốt. Trong một số trường hợp, các chuyên gia bảo mật cho biết các quy trình mới, khối lượng công việc nhiều và các hệ thống lỗi thời có thể giúp tội phạm dễ dàng hành động hơn. Ông Adam Levin, người sáng lập ra công ty bảo mật dữ liệu CyberScout nói: “Tình hình hiện tại thực sự là thiên đường cho bọn tội phạm và nỗi thống khổ cho các nạn nhân”.

Theo The New York Times, cơ quan Mật vụ Mỹ tháng trước đã công bố một bản ghi nhớ cho thấy một tổ chức lừa đảo có tổ chức của Nigeria đang nhắm vào các cơ quan giải quyết hỗ trợ thất nghiệp chính phủ. Các đặc vụ vẫn đang tìm hiểu để xác định ai là người liên quan và manh mối đến từ đâu. Bản ghi nhớ nói rằng Washington là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng có bằng chứng về các vụ tấn công ở Bắc Carolina, Massachusetts, Rhode Island, Oklahoma, Wyoming và Florida.

Công ty an ninh mạng có trụ sở tại bang California Agari ước tính tuần trước rằng ít nhất 11 bang của Mỹ đang rơi vào tầm ngắm của bọn tội phạm. Cách đây hai tuần, giới chức Washington cho biết họ đã thu hồi được 333 triệu USD trong tổng số ước tính khoảng 550- 650 triệu USD đã chi sai đối tượng.

Những người có việc làm cũng là mục tiêu của những kẻ lừa đảo. Anh Blake Victor Kent nói rằng anh ta đã nhận được một lá thư từ Văn phòng Hỗ trợ Thất nghiệp bang Massachusetts thông báo rằng họ đã bắt đầu xử lý cho đơn xin hỗ trợ thất nghiệp của anh.

Điều này thật nực cười. Tôi vẫn đang có việc làm cơ mà”, anh Kent nói. Anh nghĩ rằng danh tính có thể đã bị lộ khi anh là nạn nhân của một vụ rò rỉ dữ liệu cá nhân vài năm trước. Nhưng đơn vị chủ quản, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts nơi anh làm việc, vài ngày sau đã gửi một email cho biết bệnh viện ghi nhận về các sự việc tương tự xảy ra với một số nhân viên khác.

Theo ông John Breyault, quản lý Trung tâm phòng chống các hành vi lừa đảo thuộc Liên minh người tiêu dùng Mỹ khẳng định: “Cho đến khi vấn nạn thất nghiệp này giảm bớt, chúng ta [Mỹ] sẽ phải sống chung với tình trạng lừa đảo trong một thời gian”.

Thu Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM