Triều Tiên âm thầm "lột xác" dưới thời Kim Jong Un
Sự ra đi đường đột của nhà lãnh đạo Kim Jong Il khiến gánh nặng chèo lái đất nước được đặt cả lên vai ông Kim Jong Un khi đó mới ở tuổi đôi mươi. Thế nhưng, nhiều thay đổi mạnh mẽ ở Triều Tiên đã diễn ra trong những năm gần đây.
Nếu như trước đây người ta biết đến Triều Tiên với hình ảnh một đất nước khép kín và già cỗi, thì trong vòng 8 năm nắm quyền, ông Kim Jong Un đem lại những luồng gió mới cho cả nền kinh tế và văn hóa đất nước. Triều Tiên dưới thời Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang cố gắng thêm bạn bớt thù.
Người trẻ Triều Tiên đã có cơ hội sử dụng điện thoại thông minh, truy cập Internet, nghe nhạc trẻ, ăn mặc thời trang hơn, dùng đồ ngoại và không bị "lệch múi giờ" với Hàn Quốc.
Triều Tiên được cả thế giới biết đến với biệt danh "quốc gia bí ẩn nhất thế giới". Đồng minh thân cận nhất và duy nhất của Triều Tiên đến lúc này cũng chỉ là Trung Quốc. Đây cũng là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Triều Tiên. Theo thống kê của The Observatory of Economic Complexity (OEC Atlas), tính đến cuối năm 2017, 91% kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên là xuất sang Trung Quốc, và hàng hóa Triều Tiên nhập về cũng có tới 94% là hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, ông Kim Jong Un liên tiếp khiến thế giới bất ngờ khi tổ chức nhiều cuộc Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Hình ảnh hai nhà lãnh đạo bắt tay ở khu vực DMZ trước khi bước sang phần lãnh thổ của nhau sẽ là hình ảnh mà nhiều năm sau người ta sẽ còn nhắc lại.
Triều Tiên và Hàn Quốc là một dân tộc. Hiệp định đình chiến năm 1953 chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai phần. Từ đó đến nay, hòa bình chưa bao giờ lập lại trên bán đảo này. Hai nước vẫn duy trì tình trạng chiến tranh, thậm chí có những cuộc xung đột vũ trang. Tuy nhiên, chưa lúc nào bán đảo Triều Tiên lại bình lặng như hiện nay, khi cả hai bên đã đồng ý gỡ bỏ hệ thống loa tuyên truyền dọc biên giới và nhiều động thái hòa hảo khác sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo.
Chưa dừng lại ở đó, ông Kim tiếp tục khiến thế giới ngỡ ngàng khi có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Mỹ ở Singapore hồi tháng 6/2018. Trước cuộc gặp, những người lạc quan nhất cũng khó có thể hình dung đến việc hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ bắt tay, tươi cười, bàn về việc phi hạt nhân hóa và chấm dứt chiến tranh.
Ngoài Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Kim Jong Un cũng gặp gỡ nhiều nhân vật tiếng tăm khác như Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Nhiều chuyên gia về Triều Tiên nhấn mạnh vũ khí hạt nhân được Bình Nhưỡng coi như sự sống còn của đất nước này. Triều Tiên cũng đã đổ không ít tiền của để nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Ở thời điểm hiện tại, người ta cho rằng Triều Tiên đã có khả năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân thành đầu đạn, đặt nó lên các tên lửa có tầm bắn tới Mỹ.
Trong bài phát biểu của mình, ông Kim Jong Un cũng nhấn mạnh Triều Tiên đã hoàn tất phát triển vũ khí hạt nhân và đã chiến thắng. Mục tiêu bây giờ của Triều Tiên là phát triển kinh tế.
Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là điều Mỹ mong muốn và người Triều Tiên cũng tỏ ra sẵn sàng để thảo luận về nó. Chưa thể xác định được kết quả của các cuộc đàm phán nhưng có lẽ ông Trump và ông Kim Jong Un cũng là những nhà lãnh đạo Mỹ - Triều duy nhất có thể ngồi lại với nhau để nói về vấn đề này.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng những người lạc quan nhất cũng không tin Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ dày công nghiên cứu, phát triển. Những lệnh cấm vận kinh tế nghiêm ngặt mà Bình Nhưỡng phải chịu cũng bắt nguồn từ chương trình này. Càng trải qua khó khăn bao nhiêu, người ta lại càng khó để từ bỏ bấy nhiêu.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald trump cũng đối mặt với nhiều áp lực từ chính nước Mỹ trong quá trình đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Không ít những chính trị gia sừng sỏ của Mỹ cho rằng ông Trump có thể mang đến cho người Triều Tiên đúng thứ họ muốn mà chẳng đổi lại được gì, ám chỉ việc Bình Nhưỡng sẽ không giải trừ vũ khí hạt nhân.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận những tiến bộ trong mối quan hệ Mỹ - Triều dưới thời Tổng thống Trump, người bước vào Nhà Trắng từ một doanh nhân với nhiều quyết định trái với chính trị truyền thống. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên có lẽ sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều, đòi hỏi nỗ lực của nhiều nhiệm kỳ tổng thống chứ không chỉ riêng ông Trump.
8 năm lãnh đạo, ông không thể phủ nhận ông Kim Jong Un đã thổi một luồng gió mới vào Triều Tiên, cả ở góc độ kinh tế và văn hóa. Vào cuối năm 2008, cứ gần 10 người Triều Tiên mới có một chiếc điện thoại thì đến năm 2018 con số này đã rút xuống còn 4 người 1 chiếc, tương đương 6 triệu thuê bao. Người Triều Tiên cũng đã có điện thoại thông minh.
Theo các chuyên gia nước ngoài, Triều Tiên nhập khẩu điện thoại từ Trung Quốc hoặc sản xuất nội địa. Có một chiếc điện thoại thông minh được đặt tên là Arirang Touch với hình thức tương tự iPhone, đây là bước tiến lớn của ngành công nghệ Triều Tiên. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thể truy cập mạng Internet.
Trước đây, nhà mạng di động duy nhất Triều Tiên sử dụng là Koryolink, được thành lập với hình thức hợp tác với công ty viễn thông Orascom của Ai Cập. Sau khi ông Kim Jong Un nắm quyền, vào năm 2015, Orascom phát hiện Triều Tiên đang thiết lập một mạng đối thủ là Byol. Các báo cáo cho thấy, về Internet, đến năm 2016 Triều Tiên có 28 tên miền máy tính, hầu hết là các trang web liên quan đến bảo hiểm, giáo dục, chăm sóc người già, tin tức, và nấu ăn.
Mở rộng viễn thông cũng là nền tảng để Triều Tiên hướng tới một xã hội "Không tiền mặt" – phù hợp với xu hướng thế giới. Tờ Daily NK của Hàn Quốc cho hay, Triều Tiên áp dụng những công nghệ tài chính mới để hỗ trợ thanh toán qua điện thoại di động. Triều Tiên có thể áp dụng mô hình thanh toán M-Pesa của Kenya để thay đổi phương thức giao dịch, giải quyết vấn đề trộm cắp, gian lận.
Về văn hóa, Triều Tiên cũng đang có những bước tiến lớn. Hàn Quốc có nhóm nhạc nữ thì Triều Tiên giờ cũng đã có nhóm nhạc nữ. Nhóm nhạc Quân đội Moranbong đã được cử sang Hàn Quốc trình diễn tại Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang. Họ cũng mặc những bộ váy đẹp cùng kiểu tóc khá thời trang. Nhóm nhạc này đã phát hành hàng chục ca khúc, tổ chức nhiều tour diễn và phát sóng trên truyền hình.
Bộ phim dài tập và phim hoạt hình "The Boy General" đã thể hiện rõ ràng Triều Tiên đang quan tâm đầu tư cho đời sống tinh thần của người dân hơn bao giờ hết. Cốt truyện, trang phục và cả diễn xuất trong phim cũng được đầu tư hơn rất nhiều. Điều đột phá nhất là bộ phim này đã có lời thoại bằng tiếng Nhật và được phát âm tương đối chính xác, đó là bước tiến lớn sau một thời gian dài "bài ngoại" về văn hóa của Triều Tiên. Sắp tới, trò chơi cùng tên cũng sẽ được phát triển để người dân có thể chơi trên điện thoại.
Về thời trang, người ta có thể đã quen với hình ảnh người Triều Tiên "già nua" với ngoại hình "đồng phục" và vô cùng tối giản. Nhưng ngay cả trang phục cũng được "trẻ hóa" dưới thời Kim Jong Un. Nhà máy giày Ryuwon đã sản xuất một mẫu giày thể thao mới với hình thức rất hiện đại, tương tự với Air Jordan của Nike. Các cô gái Triều Tiên vẫn có thể mặc váy bó, miễn là không quá ngắn.
Trong khi đó, giới thượng lưu Triều Tiên không xa lạ với các sản phẩm nhập khẩu nổi tiếng như Dior hay Sony. Và với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Trung – Triều, hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tại Triều Tiên cũng không hiếm. Người Triều Tiền không được xem phim Hàn Quốc, nhưng phim "Ba chàng ngốc" của Ấn Độ thì được. Tại thư viện Triều Tiên cũng có bộ truyện nổi tiếng Harry Potter của J.K Rolling và được thanh niên yêu thích.
Đặc biệt, Triều Tiên vốn là một quốc gia tự tách biệt với thế giới, họ sử dụng bộ lịch riêng và còn tự điều chỉnh múi giờ. Giờ Bình Nhưỡng từng là một múi giờ riêng biệt, tuy nhiên đến năm 2018 đã thống nhất với giờ chuẩn Hàn Quốc thể hiện sự hòa giải sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018 giữa lãnh đạo hai quốc gia.