"Triết lý” táo bạo của Gen Z chốn công sở: Không quá tin ai, công ty phải "sẵn lòng đặt nhân viên trên lợi nhuận"
Gen Z giờ đã trưởng thành, họ có cho mình những bộ tiêu chuẩn riêng khi tham gia thị trường lao động.
Trong năm 2024, lực lượng người lao động là Gen Z ở Hoa Kỳ được dự đoán sẽ vượt mốc 17 triệu người, cho thấy thế hệ này đang trở thành "chủ lực" của thị trường lao động.
Nhiều Gen Z đã bước sang công việc thứ 2, sau khi tốt nghiệp Đại học và trau dồi kinh nghiệm ở công ty thực tập. Sự xuất hiện của Gen Z trên thị trường lao động được ví như một làn sóng mới, vì thế hệ này có những quan điểm và triết lý làm việc táo bạo hơn hẳn các thế hệ trước, đến mức chính những người ở cấp quản lý hoặc chủ doanh nghiệp cũng phải băn khoăn tìm cách giữ chân lao động Gen Z.
1 - Không hài lòng với một nguồn thu nhập
Theo nghiên cứu về phong cách sống và làm việc của Gen Z, được thực hiện và công bố bởi EY (Ernst & Young - 1 trong 4 tập đoàn Big4) vào đầu năm 2024: 52% Gen Z có từ hai nguồn thu nhập trở lên.
So với các thế hệ trước, công việc tay trái của Gen Z có tính sáng tạo và đột phá hơn hẳn. Họ biết khai thác, tận dụng sự phát triển của các nền tảng MXH để kiếm tiền, thay vì "bó mình" với công việc làm thu ngân bán thời gian trong siêu thị, hoặc chạy bàn ở các tiệm ăn.
Bối cảnh thơ ấu cùng những tác động của đại dịch lên nền kinh tế toàn cầu được coi là hai yếu tố cơ bản định hình tư duy của Gen Z về sự nghiệp cá nhân cũng như cách họ kiếm tiền. Phần lớn Gen Z đã phải chứng kiến cha mẹ mình vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, sau đó là khủng hoảng nhà đất và khủng hoảng việc làm.
Tất cả những yếu tố đó khiến Gen Z nỗ lực hơn trong việc xây dựng sự nghiệp cho riêng mình. Họ chủ động tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề tài chính và không ngại làm nhiều việc để rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu tự do tài chính.
2 - Thế hệ "hoài nghi"
Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, rào cản về mặt tiếp nhận những thông tin mới nhất gần như đã không còn tồn tại. Gen Z được coi là thế hệ đầu tiên trong kỷ nguyên này. Tuy nhiên, họ không phải những người "dễ bị truyền thông dắt mũi".
Theo một nghiên cứu của Gallup, chỉ có 20% Gen Z xứ cờ hoa đặt trọn niềm tin vào những thông tin họ thu thập được trên internet; 58% chỉ tin một phần và sẽ tìm cách để xác minh lại.
Thái độ hoài nghi của Gen Z được coi là một tín hiệu tích cực, vì đó là một trong những phẩm chất của các doanh nhân thành công - Những người luôn phải đặt câu hỏi về chuẩn mực kinh doanh khi tìm kiếm thị trường mới.
3 - Tiêu chuẩn cao
Gen Z đặt ra tiêu chuẩn cao cho chính bản thân mình và mọi mối quan hệ xung quanh họ. Mối quan hệ với doanh nghiệp - nơi họ làm việc cũng không phải ngoại lệ.
Họ rất tập trung vào việc trung thực với bản thân và mong đợi nhà tuyển dụng cũng làm như vậy với mình.
90% Gen Z xứ cờ hoa xếp "trung thực"/"chân thành với bản thân mình" là một trong những giá trị nội tại mà họ đánh giá là quan trọng nhất. Trong mối liên hệ với nhà tuyển dụng/công ty, 73% thừa nhận việc đôi bên có cùng hệ giá trị với họ là yếu tố quan trọng nhất để tạo dựng sự cam kết.
Hệ giá trị ở đây được Gen Z liệt kê như sau:
- Mức lương tương xứng với kỹ năng làm việc và số giờ lao động.
- Sự sẵn lòng đặt nhu cầu của nhân viên lên trên lợi nhuận
- Thái độ coi trọng lẫn tôn trọng sức khỏe tinh thần và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của nhân viên.
Theo The Fortune