Triển vọng trở thành trung tâm thiết kế smartphone của thế giới và chuyện mang Bphone có 70% nội địa hoá sang Dubai

10/08/2017 14:11 PM | Công nghệ

Tiềm năng trở thành trung tâm thiết kế smartphone của Việt Nam được Phó Chủ tịch Qualcomm chia sẻ trong buổi lễ ra mắt Bphone 2. Tuy nhiên, điều này cũng khó khăn như việc mang Bphone 2 phiên bản Gold sang Dubai bán thành công.

Ông Mantosh Malhotra, Phó chủ tịch tập đoàn Qualcomm đánh giá cao năng lực của Bkav trong những mảng cốt lõi của công nghệ điện thoại thông minh. Phó Chủ tịch Qualcomm cho rằng Bkav đã sáng tạo và làm được phần “thách thức lớn nhất của các nhà cung cấp smartphone” là thiết kế ăng ten. Từ đó, Phó Chủ tịch Qualcomm bày tỏ sự tin tưởng rằng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế và sản xuất các sản phẩm công nghệ.

“Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm thiết kế và sản xuất lớn, không chỉ với sản phẩm điện thoại di động mà còn bao gồm cả công nghệ và sản phẩm khác,... giúp hiện thực hóa tầm nhìn về Công nghiệp 4.0 tại khu vực châu Á và trên thế giới” - ông Mantosh Malhotra, Phó Chủ tịch Qualcomm nói.

Tuy nhiên, để trở thành trung tâm thiết kế và sản xuất là một quá trình dài nỗ lực và Việt Nam chỉ mới đi những bước đầu tiên. Bởi lẽ, dù là nơi được các hãng điện thoại danh tiếng chọn đặt “nhà máy lớn nhất”, nhưng Việt Nam vẫn chưa có một trung tâm nghiên cứu và phát triển xứng tầm thế giới.

Samsung cho biết hãng này có thiết lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển điện thoại di động (SVMC) tại Hà Nội. Khoảng 1.500 con người đang làm việc tại đây đang phụ trách phần mềm trên điện thoại. Văn phòng tại Hàn quốc sẽ thiết kế những mẫu smartphone trước khi chúng được lắp ráp và đóng gói tại Việt Nam. Samsung có kế hoạch đầu tư khoảng 300 triệu USD để xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) mới. Nhưng đến nay tòa nhà như công bố vẫn chưa thành hình.

Bkav đã cho thấy một hình ảnh khác của doanh nghiệp điện thoại Việt Nam. Hãng này quyết tâm thực hiện khâu thiết kế khó khăn để nắm được cốt lõi của công nghiệp smartphone. Theo Bkav, toàn bộ công đoạn từ thiết kế kiểu dáng, mạch in,... đến lắp ráp, đóng hộp đều được thực hiện tại Việt Nam. Việc thực hiện được điều Samsung tiến hành ở Hàn Quốc đã giúp cho sản phẩm Bphone 1 có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 70% (công bố của BKAV).

Trong khi đó, các sản phẩm xuất xưởng từ nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung đặt tại Thái Nguyên không có tỷ lệ nội địa hóa cao đến vậy. Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi cuối tháng 7, Samsung đã công bố tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đạt mức 57%. Theo đó, đây được coi là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh yếu kém của công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử.

Bằng chương trình tư vấn hỗ trợ, đã có thêm 26 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Tổng số doanh nghiệp VN tham gia vào chuỗi này hiện đã đạt con số 215.

Liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được cho là một giải pháp để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử phát triển. Theo Bộ Công thương, sự liên kết tất yếu trên là mô hình mới cho công nghiệp hỗ trợ và là “cửa thoát rộng mở” cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phó Chủ tịch Bkav cũng cho rằng liên kết với các doanh nghiệp FDI mang tới thuận lợi cho hãng trong sản xuất smartphone. “Nhà máy khổng lồ của Samsung tại Việt Nam là một lợi thế cho các công ty bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh nội địa. Khi họ đến, các công ty cung cấp linh kiện cũng đến theo. Và điều đó giúp Bkav tiếp cận được nguồn linh kiện tương đương như các công ty hàng đầu trong lĩnh vực” – ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Bkav giải thích thêm về tỷ lệ nội địa hoá cao của Bphone.

Tại hội thảo công bố Báo cáo cuối cùng Chương trình chia sẻ tri thức của Hàn Quốc với Việt Nam, GS. Sung Keuk-je, từ trường Đại học Kyunghee (Hàn Quốc) cho biết Hàn Quốc cũng bắt đầu từ nhập khẩu linh kiện điện tử và lắp ráp thành phẩm vào những năm 1960. Khi ngành công nghiệp hỗ trợ được quan tâm hơn trong những năm 1980, Hàn Quốc mới xuất khẩu lượng lớn linh kiện và vật liệu.

Từ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc, GS. Sung Keuk-je cho rằng nhà nước cần ban hành thêm chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Gói giải pháp được ông đưa ra là phát triển thương hiệu quốc gia, mở rộng hợp tác với doanh nghiệp FDI, mua công nghệ nước ngoài, nới lỏng những điều kiện cho vay và phát triển ngành công nghiệp vật liệu.

Điều kiện tiên quyết để có trở thành một trung tâm nghiên cứu và sản xuất lớn như lời Phó Chủ tịch Qualcomm lại đến đến từ sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử. Trong đó, cái bắt tay giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại, cùng chính sách thúc đẩy từ nhà nước là những điều quan trọng không kém sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp như Samsung hay Bkav.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp nội địa, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực smartphone hơi khác so với ngành ôtô. Nếu như doanh nghiệp ô tô dùng thương hiệu nước ngoài thì những công ty như Bkav lại dùng thương hiệu của mình. Do vậy, việc thuyết phục được người tiêu dùng trong nước với tỷ lệ nội địa hoá cao là câu hỏi không dễ trả lời. Và đi xa hơn nữa, việc mang một phiên bản Gold sang Dubai với thương hiệu Bphone để chào bán cho người dân quốc gia có thu nhập đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới sẽ là câu chuyện... rất vui.

Theo Vương Diệu Quân

Cùng chuyên mục
XEM