Trên thế giới có biết bao sa mạc hoang vu, tại sao cát lại khan hiếm đến vậy?

28/04/2017 07:58 AM | Sống

Cát có thể nhiều, nhưng nhu cầu về cát còn nhiều hơn.

Cát đang rất khan hiếm. Ở một số nơi trên thế giới, người ta đang tìm mọi cách để có thể tiếp cận được với thứ tài nguyên quý giá này. Một băng nhóm “mafia về cát” ở Ấn Độ đã đe dọa dân địa phương để khai thác và vận chuyển cát.

Ở Ma-rốc và Địa Trung Hải, những tên “cát tặc” đang đào bới các bãi biển để lấy cát. Có vẻ cát là thứ nguyên liệu được khai thác nhiều nhất trên thế giới. Theo Chương trình về Môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP), cát và sỏi chiếm đến 85% mọi thứ bị khai thác trên toàn cầu mỗi năm.

Các thành phố hiện đại nhìn chung đều được xây dựng bằng cát hoặc trên cát. Loại vật liệu này được sử dụng chủ yếu trong ngành xây dựng để làm bê tông và nhựa đường. Không có gì ngạc nhiên khi Châu Á là nơi tiêu thụ cát nhiều nhất. Một mình Trung Quốc chiếm đến một nửa nhu cầu về cát của cả thế giới. Điều này thể hiện ở tốc độ xây dựng cực nóng trên đất nước này: Chính phủ Trung Quốc ước tính đã xây 32,3 triệu ngôi nhà và 4,5 triệu km đường trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2014.

Cát cũng được dùng trong các ngành công nghiệp khác, như làm kính, linh kiện điện tử, và giúp tách dầu trong công nghiệp khai thác dầu đá phiến. Và cát cũng được dùng với số lượng lớn để đổ xuống biển nhằm tăng diện tích lãnh thổ. Chẳng hạn, Singapore đã mở rộng lãnh thổ của mình thêm 20% kể từ những năm 1960 theo cách này. Maldives và Kiribati cũng dùng cát để nâng cao bờ biển nhằm chống chọi với mực nước biển dâng cao.

Theo dự đoán của Liên hiệp quốc, đến năm 2030 sẽ có hơn 40 siêu thành phố với dân số hơn 10 triệu người (so với 31 thành phố năm 2016), nghĩa là sẽ phải xây thêm nhiều nhà cửa và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra mực nước biển còn tiếp tục dâng cao, vì thế cát sẽ càng bị lùng sục nhiều hơn nữa.

Nhưng tại sao lại thiếu cát, vì có vẻ có rất nhiều cát trên trái đất cơ mà (ngoài ra còn rất nhiều vùng đất bị hoang mạc hóa nữa chứ)?

Cát sa mạc quá mịn, vì thế không thể dùng cho các mục đích thương mại. Ngoài ra địa điểm nguồn cát so với địa điểm xây dựng cũng hết sức quan trọng: vì cát khá rẻ, nên sẽ không có lợi gì về kinh tế nếu phải vận chuyển cát từ nơi xa về, trừ khi những người mua cát là “nhà giàu”: Singapore và Qatar đều là những nước có tỷ lệ cát nhập khẩu/số dân rất lớn. Cát ở Australia cũng được vận chuyển đến một sa mạc xa xôi để xây tháp Burj Khalifa ở Dubai.

Hầu hết các nước đều có quy định địa điểm và số lượng cát được phép khai thác. Nhưng cơn khát nguồn tài nguyên này đã tạo ra một nhánh kinh doanh phi pháp nhưng béo bở ở nhiều nước đang phát triển nhanh. Kết quả là lớp trầm tích ở lòng sông bị khai thác nhanh hơn tốc độ bồi đắp tự nhiên, làm tổn hại môi trường và hệ sinh thái sông hồ. Sự nạo vét lòng sông gây ra ô nhiễm và có hại cho sự đa dạng sinh học. Bờ biển bị gọt mỏng cũng ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sức tàn phá của bão biển.

May mắn là vẫn còn có nhiều vật liệu thay thế cho cát: nhựa đường và bê tông có thể được tái chế, nhà cửa có thể được xây bằng rơm rạ và gỗ, và có thể dùng bùn để lấn biển. Ở các nước giàu đều có chính sách khuyến khích sử dụng các vật liệu thay thế nêu trên. Chẳng hạn, theo Hiệp hội Khoáng sản của Anh Quốc, gần 1/3 vật liệu xây nhà ở Anh vào năm 2014 được tái chế. Singapore dự định sẽ học hỏi kinh nghiệm của Hà Lan cho dự án lấn biển sắp tới của mình, tức xây dựng một hệ thống đê và vì thế ít phụ thuộc hơn vào cát.

Ở các nước nghèo hơn, nhà thầu cũng chuyển hướng sang sử dụng vật liệu thay thế cho cát khi giá cát tăng lên. Nhưng nếu không có cải thiện gì về mặt pháp chế, thì quá trình này còn lâu nữa mới diễn ra.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM