Trào lưu 'nằm yên, mặc kệ đời' của giới trẻ đe doạ nền kinh tế Trung Quốc
Giới trẻ Trung Quốc cảm thấy vô nghĩa khi theo đuổi những định kiến về thành công truyền thống khi giá nhà và chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao.
Cách đây 5 năm, anh Luo Huazhong nhận ra rằng mình chẳng còn hứng thú làm điều gì hết. Bản thân anh đã bỏ công việc tại một nhà máy để đạp xe về quê sinh sống. Cuộc sống của anh hiện vẫn ổn với các công việc lặt vặt cùng khoản tiết kiệm nhỏ.
Lối sống của anh Luo là một điển hình cho phong trào "nằm thẳng" (Tangping- Lying Flat) đang nở rộ hiện nay tại Trung Quốc. Theo đó, một bộ phận giới trẻ từ bỏ công việc cạnh tranh, không chịu phấn đấu sự nghiệp, chấp nhận chi tiêu tiết kiệm để sống một cuộc đời thoải mái, ít phải lao động nhất. Thay vì cố gắng hướng tới học hành chăm chỉ, mua nhà hoặc lập gia đình, lối sống này cổ súy cho việc từ bỏ hết các mục tiêu và đơn giản là nằm yên một chỗ.
Nguồn: SCMP
Một số người thậm chí đã nhầm lẫn cuộc sống này với khái niệm "nghỉ hưu sớm", nhưng trên thực tế đây lại chỉ là cuộc sống tạm bợ qua ngày của giới trẻ khi không muốn vất vả cố gắng để sống đời thảnh thơi. Điều này khác hoàn toàn với việc sống tự do tài chính khi "nghỉ hưu sớm" với lượng tài sản đã được hoạch định và tích lũy sau nhiều năm lao động.
Khái niệm "nằm thẳng" này ở Trung Quốc bắt nguồn từ một bài đăng trên mạng xã hội khi tác giả cho biết mình chẳng làm gì trong 2 năm qua nhưng vẫn ổn. Theo đó bài đăng cổ xúy việc không lao động quá sức, bằng lòng với những thứ mình có để tận hưởng cuộc sống.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, lối sống này đi ngược lại các giá trị xã hội và chỉ khiến nền kinh tế đi xuống khi tiêu dùng suy giảm.
Trên thực tế, một khái niệm khác giải thích cho phong trào "nằm thẳng" đang lan tràn hiện nay, đó là "phi tiến hóa" (Neijuan- Involution).
Ban đầu khái niệm phi tiến hóa nhằm để mô tả tình trạng tăng trưởng dân số nhưng không có sự tăng trưởng sản lượng trong nhân chủng học. Thế nhưng ngày nay nó càng được dùng nhiều để mô tả tình trạng quá tải trong cuộc sống ở Trung Quốc khi tất cả mọi người phải hối hả cố gắng để rồi chẳng đi đến đâu.
"Giới trẻ ngày nay nhận thấy rằng nếu không nỗ lực cạnh tranh, họ sẽ bị xã hội gạt bỏ. Thế nhưng dù cho cố gắng thế nào thì nhiều người cũng không tìm thấy thành công cho bản thân mình", Giáo sư Biao Xiang của đại học Oxford-Anh nhận định.
Trong khi những thế hệ đi trước luôn có cơ hội nếu dám chấp nhận thử thách và nỗ lực thì ngày nay, những ảnh hưởng từ lão hóa dân số, tăng trưởng kinh tế giảm tốc và mới đây nhất là dịch Covid-19 đã khiến giới trẻ Trung Quốc ngày càng chán nản và bỏ cuộc.
Chỉ sống cho hôm nay
Một số người cho rằng "nằm thẳng" chỉ đơn giản là sự lười biếng, trong khi những người khác cho rằng kiểu thái độ chống đối này là kết quả không thể tránh khỏi khi mọi người đã làm việc quá vất vả và mệt mỏi tới mức họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Business Insider
Hãng tin Reuters cho biết việc phải cạnh tranh trong một nền kinh tế không còn tăng trưởng mạnh như trước đã khiến giới trẻ Trung Quốc chán nản. Họ cảm thấy vô nghĩa khi theo đuổi những định kiến về thành công truyền thống khi giá nhà và chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao.
Bởi vậy nhiều bạn trẻ đã từ bỏ tham vọng, hạ thấp mục tiêu sống để giảm gánh nặng và không phải chịu cảm giác thất bại. Rất nhiều bạn trẻ Trung Quốc hiện nay ngủ trong công viên, ăn mì ăn liền và ngồi lỳ trong các quán cung cấp dịch vụ internet cho tới khi nhẵn túi. Họ thường chọn những công việc làm ngắn hạn, thậm chí là nhận lương ngay trong ngày chỉ để sống cho ngày mai.
Trớ trêu thay, chính quyền Bắc Kinh lại không hài lòng với điều này bởi về dài hạn, chúng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế cũng như sự phát triển ổn định của cả xã hội.
Chuyên gia kinh tế Yue Su của The Economist Intelligence Unit (EIC) nhấn mạnh Trung Quốc sẽ gặp khó để thúc đẩy nhu cầu nội địa và đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong nửa cuối năm nay, nhất là trong giới trẻ.
Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc hiện đã tăng từ 12,3% vào tháng 12.2020 lên 15,4% tháng 6/2021. Điều trớ trêu là tỷ lệ thất nghiệp của lao động độ tuổi 25-59 lại giảm từ 5% tháng 2/2020 xuống còn 4,2% tháng 6/2021, mức thấp nhất kể từ năm 2017.
"Tại thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 vẫn còn hệ lụy và tạo nên nhiều bất ổn cho nền kinh tế", Tổng cục thống kê Trung Quốc nhận định sau khi công bố số liệu GDP quý II/2021 của nước này.
*Nguồn: SCMP, Sixthtone