Tranh luận về cái giá phải trả của tăng trưởng GDP 6,7%: Chấp nhận tăng trưởng thấp, đất nước mãi tụt hậu
Đồng thuận với nhiều ý kiến, đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa hoan nghênh việc Chính phủ chọn tăng trưởng GDP thấp nhưng gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chương trình Fullbright chấp nhận mức tăng trưởng thấp sẽ khiến đất nước tiếp tục tụt hậu.
Chỉ số GDP đã lạc hậu
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm, khả năng không đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017. Nhưng Chính phủ vẫn rất quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế xã hội mà Quốc hội đề ra.
Từ quan điểm của một đại biểu Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng tăng trưởng GDP hiện đã không còn quan trọng. Vấn đề được ônng Nghĩa nêu ra là Chính phủ sẽ điều hành ra sao để tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
“Chỉ số GDP đã lạc hậu rồi, tại sao mình vẫn cắm đầu, cắm cổ vào chỉ số này? Chính phủ cần giải trình thêm về sự lựa chọn tăng trưởng của mình. Nếu tăng trưởng thấp hơn ở mức 6,3% nhưng hiệu quả cao, chăm sóc về mặt xã hội tốt hơn, bảo vệ tài nguyên, môi trường thì người dân cũng hoan nghênh” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá đã khiến nhiều nước phải trả giá đắt về sau. Vì vậy, Chính phủ vừa phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay, vừa phải tính tới tương lai dài hạn là điều đại biểu Trương Trọng Nghĩa mong muốn.
“Tăng trưởng GDP muốn bao nhiêu phần trăm cũng được, nhưng cái giá phải trả là gì? Ví dụ như vấn đề môi trường, con người, trong dài hạn, các nước trả giá rất nhiều. Trung Quốc cũng đã nói họ phải trả giá đắt cho suốt 30 năm tăng trưởng cao” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu dẫn chứng.
Tiếp tục tụt hậu nếu chấp nhận mức tăng trưởng thấp
Trong khi đó, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, ông Nguyễn Xuân Thành không phủ nhận thước đo GDP có nhiều khiếm khuyết. Nhưng "trong khi các nhà nghiên cứu chưa thống nhất được một thước đo tăng trưởng kinh tế tốt hơn, thì vẫn phải dùng GDP. Do đó, nếu cứ chấp nhận mức tăng trưởng GDP thấp thì đất nước sẽ tiếp tục tụt hậu". Ngưỡng “thấp” đối với Việt Nam được ông Thành chỉ ra là dưới 6%/năm.
“Từ khoảng 1960 đến nay, không có nước nào thoát nghèo, đi lên thu nhập trung bình rồi thu nhập cao mà không tăng trưởng GDP từ 6%/năm trở lên liên tục trong thời gian dài. Tăng trưởng nhanh trong dài hạn là câu trả lời cho sự khác biệt giữa các nước/vùng lãnh thổ đã giàu lên (Hàn Quốc, Đài Loan) và những nước vẫn lẹt đẹt ở mức nghèo hay trung bình thấp (Philippines, Việt Nam)” – ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, vấn đề cần quan tâm hiện nay là cách làm để đạt mục tiêu, hoàn toàn không phải câu chuyện có hay không “cần tập trung vào tăng tăng trưởng GDP” như nhiều người đề cập.
“Vấn đề không phải là không cần tập trung vào tăng trưởng GDP nhanh, mà là cách làm để đạt tăng trưởng GDP nhanh. Tăng trưởng thấp là kết quả của sự kém hiệu quả trong sử dụng nguồn lực trực tiếp và gián tiếp. Nếu hiệu quả cao thì tăng trưởng đã cao” – ông Thành nêu rõ.
Không đánh giá cao ý kiến tăng khai thác dầu thô và “bơm” thêm tiền ra nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng, ông Thành đề xuất giải pháp tái cơ cấu và cải thiện thể chế. Trong ngắn và trung hạn, tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện khi giải quyết các yếu kém cơ cấu để nền kinh tế không phải “nuôi” nợ xấu, sự phi hiệu quả của đầu tư công và đầu tư DNNN. Trong dài hạn, điều ông Thành đề xuất là phải cải thiện chất lượng thể chế để tăng năng suất.