Tranh cãi về thẩm quyền xét xử luận tội cựu Tổng thống Trump tại Thượng viện

22/01/2021 15:13 PM | Xã hội

Hiến pháp Mỹ không quy định cụ thể về việc Thượng viện có thể kết tội một “cựu tổng thống” mà chỉ nói tới “tổng thống”. Điều này làm dấy lên nhiều tranh cãi về trường hợp của ông Trump.

Có nhiều câu hỏi đặt ra về tính hợp hiến của phiên xét xử luận tội ông Trump tại Thượng viện. Ông Trump là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội 2 lần và cũng sẽ là cựu tổng thống đầu tiên bị xét xử tại Thượng viện khi đã rời nhiệm sở.

Các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện dự kiến sẽ sớm gửi điều khoản luận tội lên Thượng viện, dù vẫn chưa rõ thời điểm chính xác. Các nguồn tin tiết lộ với CNN rằng điều khoản luận tội ông Trump có thể được gửi đi vào ngày 22/1 (theo giờ Mỹ).

Sau khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua nghị quyết luận tội ông Trump hôm 13/1, cựu Thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang J. Michael Luttig đã đưa ra quan điểm có sức ảnh hưởng về pháp lý. Trong một bài viết trên Washington Post hôm 12/1, ông cho rằng “Quốc hội đã mất thẩm quyền theo hiến pháp để có thể tiếp tục các thủ tục luận tội ông Trump sau khi ông rời nhiệm sở, vì quyền lực duy nhất của Thượng viện theo Hiến pháp là kết tội hay không kết tội một tổng thống đương nhiệm”.

Một số thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, trong đó có Tom Cotton, Joni Ernst và Roger Marshall cũng vì thế mà cho rằng sẽ không hợp hiến khi kết tội ông Trump tại Thượng viện sau khi ông đã rời nhiệm sở.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Richard Blumenthal cho rằng những nghi ngờ về tính hợp hiến của phiên xét xử là “điều tồi tệ”, vì  “chẳng có điều gì trong Hiến pháp ngăn cản các quan chức liên bang khỏi bị luận tội sau khi đã rời nhiệm sở”.

Với những chỉ dẫn ít ỏi trong Hiến pháp về vấn đề luận tội, các chuyên gia pháp lý bất đồng về việc Thượng viện có thể kết tội một cựu tổng thống hay không. Tuy nhiên, do đảng Dân chủ nắm thế đa số hẹp tại Thượng viện, không có lý do gì để nghĩ rằng phiên xét xử sẽ không diễn ra.

Theo Hiến pháp, sau khi Hạ viện luận tội tổng thống, Thượng viện sẽ tiến hành phiên xét xử, và cần phải có 2/3 số thành viên bỏ phiếu đồng ý mới có thể kết tội tổng thống. Cuộc bỏ phiếu sau đó về việc có bãi nhiệm tổng thống hay không chỉ cần đa số quá bán. Cuộc bỏ phiếu này là cần thiết để ngăn cản tổng thống bị luận tội nắm giữ chức vụ này thêm lần nữa trong tương lai.

Hiến pháp không quy định cụ thể về việc kết tội một “cựu tổng thống” mà chỉ nói tới “tổng thống”, phó tổng thống và tất cả các quan chức dân sự “có thể bị bãi nhiệm” sau khi bị luận tội và kết tội.

Quan điểm của các chuyên gia pháp lý và các tiền lệ

Theo báo cáo ngày 15/1 của Cơ quan nghiên cứu quốc hội, dù Hiến pháp “không trực tiếp quy định”, nhưng hầu hết các học giả đều kết luận rằng Quốc hội có thẩm quyền luận tội và kết tội một cựu tổng thống.

Trong các bài viết trên Washington Post và New York Times, chuyên gia trường luật Havard Laurence Tribe và chuyên gia pháp lý của CNN Steve Vladeck, đều cho rằng một phiên xét xử như vậy chỉ hợp hiến một phần vì vai trò của Thượng viện trong việc luận tội được xác định bởi 2 phán quyết riêng biệt: một là bãi nhiệm và sau đó là hủy tư cách giữ chức vụ tương tự trong tương lai.

Theo ông Vladeck, quyền lực của Thượng viện trong việc hủy bỏ tư cách một cá nhân khỏi nắm chức vụ trong tương lai là “bằng chứng đầu tiên” cho thấy nỗ lực luận tội một cựu quan chức là hợp hiến.

“Một quan chức đang bị luận tội, hoặc đã bị luận tội và sắp bị bãi nhiệm, cũng có thể tránh việc bị hủy tư cách bằng cách từ chức”, ông Vladeck cho biết.

Chuyên gia luật Đại học Yale Akhil Reed Amar cũng đồng tình với quan điểm này, nhưng nhấn mạnh rằng “thật lố bịch nếu tìm cách “chạy trốn” bằng cách từ chức ngay trước khi có phán quyết”.

Giáo sư trường luật Tulane Ross Garber cho rằng, Thượng viện chỉ có thể xét xử một tổng thống đương nhiệm. Tuy nhiên, ông cũng nêu ra tiền lệ năm 1993, trong đó thẩm phán liên bang Mississippi Walter Nixon đã không thành công khi thách thức các thủ tục xét xử của Thượng viện trong trường hợp luận tội của ông. Điều này sẽ khiến ông Trump gặp nhiều khó khăn trong việc khởi kiện, vì sẽ khó có tòa án nào chấp nhận đơn kháng cáo của ông.

Ngoài vụ Nixon, báo cáo của Cơ quan nghiên cứu quốc hội từ tháng 11/2019 cũng trích dẫn tiền lệ về phiên xét xử luận tội Bộ trưởng chiến tranh William W. Belknap năm 1876, người đã bị xét xử và được tuyên trắng án ngay cả sau khi ông đã từ chức. Thượng viện vẫn tiến hành xét xử Belknap sau khi ông này bất ngờ từ chức, mặc dù một số Thượng nghị sỹ cho biết họ bỏ phiếu cho ông Belknap trắng án vì nhận thấy Thượng viện không đủ thẩm quyền xét xử khi ông này không còn đương chức./.

Hoàng Phạm

Cùng chuyên mục
XEM