Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay

28/07/2023 10:19 AM | Sống

Trần Hải Anh là một trong 5 người trẻ Việt Nam được tạp chí Forbes vinh danh trong danh sách Những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á năm 2023 (Forbes Under 30 Asia 2023). Hải Anh được vinh danh trong hạng mục Truyền thông, Marketing & Quảng cáo của Forbes Under 30 Asia 2023.

Trần Hải Anh lớn lên ở Pháp, tốt nghiệp kinh tế văn hóa Trường đại học La Sorbonne và Trường Điện ảnh ESEC ở Paris với mong muốn trở thành một nhà làm phim trẻ, nhưng tác phẩm đạt được thành tựu lớn, ghi danh Hải Anh vào Forbes Under 30 Asia 2023 là truyện tranh “Sống”. 

Hải Anh là đồng tác giả của “Sống” với người bạn thân là nghệ sĩ Pauline Guitton. “Sống” cuốn truyện tranh bằng tiếng Pháp kể về những câu chuyện thời trẻ của mẹ cô - đạo diễn Việt Linh trong thời kỳ kháng chiến, đồng thời chia sẻ về mối quan hệ giữa mẹ và con gái.  Đạo diễn Việt Linh là đạo diễn gạo cội tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới. Sự nghiệp đạo diễn của bà có một danh sách dài các tác phẩm điện ảnh, phim truyện dành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay - Ảnh 1.

Được biết gần đây chị được Forbes Châu Á vinh danh trong danh sách Under 30, cảm xúc của chị khi biết tin này như thế nào?

Lúc biết tin, tôi rất vui và ngạc nhiên. Trước đó, khi họ liên hệ, tôi cũng đã rất bất ngờ vì vốn tưởng đây là danh sách cho những người làm kinh doanh không ngờ có cả nghệ thuật (cười). Ba mẹ tôi cũng ngạc nhiên lắm và họ còn hỏi bảo tôi kiểm tra lại thông tin xem có chính xác không (cười). 

Nhiều người nghĩ nghệ thuật truyện tranh chỉ dành cho trẻ con nhưng thực chất truyện tranh dành cho tất cả mọi người, cho người trẻ và người lớn. Vậy nên tôi nghĩ việc được lọt vào danh sách cùng cuốn truyện tranh của mình cũng có ý nghĩa cho truyện tranh nói riêng và nghệ thuật nói chung. 

Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, biết ơn vì mình được công nhận trong danh sách Forbes Under 30 Châu Á sau tác phẩm đầu tay. 

Niềm đam mê với nghệ thuật, làm phim, truyện tranh của chị được khởi nguồn từ đâu?

Mọi thứ được khởi nguồn từ gia đình của tôi. Gia đình tôi có có nhiều người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật. Ngay từ bé, tôi đã được ba mẹ đưa đi xem rạp chiếu phim, sân khấu, các sự kiện liên quan đến nghệ thuật ở Paris (Pháp). 

Hồi nhỏ, đi tới những nơi liên quan đến nghệ thuật, tôi đã rất thích. Khi đó, tôi cũng chỉ biết mình thích đủ thứ nhưng không nghĩ là mình muốn và sẽ làm điện ảnh. Đến năm 20 tuổi, tôi mới quyết định theo nghệ thuật, làm điện ảnh sau một khoảng thời gian đi học kinh tế văn hóa. Thời điểm này, tôi cũng bắt đầu đọc truyện tranh rất nhiều. 

Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay - Ảnh 2.

Vậy sự kiện nào đã xảy ra năm 20 tuổi khiến chị sau khi đi học kinh tế văn hóa lại quyết định chuyển sang làm nghệ thuật, điện ảnh?

Nhiều người vẫn nghĩ mẹ tôi đạo diễn nên từ hồi nhỏ, tôi đã được dạy để đi theo con đường sự nghiệp của mẹ. Nhưng sự thật là hồi xưa mẹ đi làm đạo diễn và về nhà trở thành người mẹ thôi (cười). Mẹ cũng không giục, thúc ép tôi phải làm cái này, cái kia, tôi có thể làm những điều mình muốn và mẹ sẽ ủng hộ. Khi ấy, mẹ tôi cũng không kể nhiều về đi quay phim như thế nào, hoàn toàn không thuyết phục tôi làm điện ảnh. 

Tôi từng nghĩ mình không giống mẹ, mình không làm điện ảnh được, mẹ khác mình quá, mình không làm đạo diễn được đâu.Tôi từng không muốn bị so sánh với mẹ nên nghĩ rằng điện ảnh là cho mẹ, mình sẽ tìm đường khác, mình sẽ không đi theo con đường của mẹ. 

Năm tôi 20 tuổi, có một bạn tình cờ mời tôi đi casting cho 1 phim Pháp, lúc đó tôi cũng không hiểu tại sao họ lại mời mình nhưng tôi vẫn đi thử. Sau lần đi casting phim đó, tôi mới phát hiện ra là hình như mình muốn trở thành đạo diễn - người đứng ở phía sau cái camera kia.

Sau đó, khi về nhà, tôi nói với mẹ rằng mình muốn làm đạo diễn. Khi nghe tôi nói vậy, mẹ bảo: “Ô tất nhiên rồi!”. Mẹ không ngạc nhiên chút nào cả. Lúc ấy, tôi mới nhận ra, mẹ đã biết tôi phù hợp với điện ảnh, trở thành đạo diễn nhưng mẹ không nói. Từ hôm đó, mẹ đem vào phòng tôi rất nhiều sách về điện ảnh và bắt đầu chia sẻ những câu chuyện nghề đạo diễn của mẹ. Tôi cũng đã từng đợi mẹ gợi ý nhưng cuối cùng tôi vẫn phải tự “bật đèn xanh” cho mình. 

Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay - Ảnh 3.

Vì sao lúc ấy chị lại nghĩ “mình khác mẹ quá”?

Tôi thấy mẹ rất nổi bật, vui vẻ, quảng giao, nổi tiếng và cực kỳ mạnh mẽ. Ở mẹ luôn có hào quang. Ngày trước, tôi còn hay ngượng ngùng. Bây giờ, tôi cũng thoải mái hơn, nhưng vẫn không giống mẹ. Lúc ấy, nữ đạo diễn nữ mà tôi biết không nhiều, mẹ là người duy nhất mình tôi có thể so sánh. Tôi có suy nghĩ một người đạo diễn phải có tính cách như vậy. Những suy nghĩ của tôi lúc ấy cũng không đúng lắm. Khi tôi nói với mẹ rằng mình muốn làm đạo diễn, mẹ cũng thấy không có gì bất ngờ. 

Kể từ đó, tôi có dự án gì, mẹ đều ủng hộ, mẹ không hướng dẫn hay chỉ từng bước. Tôi cần gì tôi phải hỏi và lúc ấy mẹ sẽ trả lời.

Và sau đó, điều gì khiến chị lại bắt đầu một cuốn truyện tranh?

Tôi vốn đã rất mê truyện tranh. Pháp là một nước đọc nhiều truyện tranh, văn hóa truyện tranh ở Pháp tốt lắm, họ hiểu rằng truyện tranh không chỉ là của trẻ con, cỏ đủ chủ đề, thể loại phù hợp với các đối tượng khác nhau. Truyện tranh là một nghệ thuật rất hay, là một cách để kể một câu chuyện, có cả tranh và chữ. Năm tôi 24, 25 tuổi, tôi đọc truyện tranh rất nhiều. Cuốn truyện tranh đã cho tôi cảm hứng viết Sống là cuốn  MAUS của tác giả Art Spiegelman. 

Lúc tôi đọc cuốn sách đó, tôi đã nghĩ “Ôi mình có thể kể lại câu chuyện của mẹ bằng một cuốn truyện tranh”. Hồi xưa, tôi cũng nghĩ câu chuyện của mẹ nên kể lại nhưng lại không muốn làm phim. Tôi cũng không biết vì sao. Sau đó, tôi quyết định kể câu chuyện ấy bằng truyện tranh thay vì làm phim. Tôi nghĩ với những nét vẽ minh họa trong truyện tranh có thể làm cho câu chuyện của mẹ nhẹ nhàng hơn và thơ hơn.  

Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay - Ảnh 5.

Chị có thể chia sẻ chi tiết một chút về Sống, chị đã dành thời gian bao lâu để hoàn thành Sống?

Sống là 1 truyện tranh viết về chặng đường bảy năm sống trong rừng giữa kháng chiến chống Mỹ của mẹ tôi là đạo diễn - biên kịch Việt Linh. Truyện cũng chia sẻ về mối quan hệ phức tạp của tôi với mẹ và nguồn gốc của mình - một 9X sống giữa hai quốc gia và hai nền văn hóa.

Tôi bắt đầu có ý tưởng về Sống vào năm 2018 nhưng đến năm 2023 mới ra mắt. Tôi phụ trách phần viết còn Pauline Guitton - bạn thân của tôi sẽ phụ trách phần vẽ. Năm 2020, tôi và bạn thân của mình gửi nội dung cho nhà xuất bản, cũng may họ cũng trả lời liền, NXB rất thích. 

Chị có gặp nhiều khó khăn ở tác phẩm truyện tranh đầu tay lại kể về một chủ đề tương đối khó như vậy?

Tôi không thấy có nhiều khó khăn lắm. Tôi cũng ngạc nhiên vì đây là tác phẩm đầu tay. Trước khi viết “Sống”, tôi chưa từng viết cuốn truyện tranh nào. Tôi chỉ biết rằng mình nhất định sẽ kể lại câu chuyện của mẹ và tôi cứ kể theo cách tự nhiên nhất mà không tính toán gì nhiều. Tôi rất vui vì mình có thể viết được một cách tự nhiên như vậy. Có thể trong tương lai tôi viết sách khác sẽ khác hơn nhưng tôi vẫn muốn giữ cái tự nhiên của mình.

Tôi viết “Sống” vào năm tôi 25 tuổi, đây là tác phẩm đầu tay và tôi rất tự hào khi có thể kể lại câu chuyện của mẹ một cách tự nhiên, chân thật như vậy. 

Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay - Ảnh 6.

Những câu chuyện mẹ kể đã truyền cảm hứng như thế nào khiến chị quyết định viết Sống?

Có một vài chi tiết tôi được nghe từ hồi nhỏ, khi đi ăn mẹ sẽ kể lại với bạn bè chứ không kể lại trực tiếp với tôi. Mẹ hay kể, hồi xưa ở trong rừng, Việt Linh như thế này… Phần lớn những câu chuyện khi ấy mẹ kể đều là câu chuyện hài hước để mọi người vui. Tôi rất nhớ những câu chuyện ấy trong đầu. 

Một ngày, tôi nói với mẹ: “Câu chuyện này thú vị, con nghĩ mẹ nên kể lại cho con đầy đủ lại từ đầu”. Trong thời gian phỏng vấn, có những lúc tôikhông biết câu chuyện này đang đi đâu, mình không hề biết kết thúc ra sao.

Sự may mắn của tôi là nhiều người sẽ không thoải mái với việc kể lại câu chuyện, nếu biết câu chuyện ấy sẽ có hàng ngàn người sẽ đọc, có nhiều người rất ngại nhưng mẹ tôi là nhà văn, đạo diễn, viết sách từ lâu và luôn kể câu chuyện của mình cho báo chí nên mẹ thoải mái với việc đó nên chia sẻ rất dễ dàng. Và tôi cũng muốn kể lại câu chuyện của mẹ cho những người khác cùng đọc.

Chị nghĩ điều gì ở Sống khiến NXB lựa chọn?

Sống là câu chuyện bên lề chiến tranh. Ở Pháp, tại trường học ít về chiến tranh Việt Nam. Người Pháp họ tò mò, muốn biết thêm về Việt Nam. Còn đặc biệt hơn nữa, Sống là góc nhìn của một cô bé 16 tuổi đi chiến khu và đã trở thành một đạo diễn lớn. Góc nhìn, câu chuyện đặc biệt nên NXB đã lựa chọn. 

Tôi cũng tự hào vì tôi và bạn thân đã đi đến cuối dự án này. Thật sự tôi rất vui vì đã làm sách này với bạn thân nhất của mình, niềm vui này lớn hơn lúc có thể chia sẻ được. 

Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay - Ảnh 7.

Sống là cuốn truyện tranh bằng tiếng Pháp về những câu chuyện thời chiến của mẹ chị, để có thể diễn tả một cách chân thực hết câu chuyện này trong Sống, chị đã phải làm những gì?

Tôi dành ra 3 năm để phỏng vấn mẹ. Lúc ấy, mẹ tôi sống ở Việt Nam còn tôi sống ở Pháp nên có lúc bay qua bay lại phỏng vấn trực tiếp, lúc phải phỏng vấn qua điện thoại. Khi nghe mẹ kể, tôi cũng không thấy khó hiểu, chỉ thấy ngạc nhiên. 

Sau 3 năm phỏng vấn mẹ, tôi cũng viết xong nội dung của Sống. Khi hoàn thành nội dung, tôi lại gửi lại Pauline để Pauline vẽ. Tôi hoàn toàn để Pauline tự vẽ theo cách mà Pauline muốn, chỉ có những yếu tố liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam thì tôi và mẹ sẽ xem lại. 

Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay - Ảnh 8.

Hải Anh lớn lên tại Pháp, chị dành nhiều thời gian với cha mình hơn là với mẹ, chị có gặp nhiều khó khăn khi tái hiện lại những câu chuyện của mẹ trong Sống?

Ngoài ngôn ngữ thì tôi không có vấn đề gì cả. Dù mẹ cũng không ở nhà nhiều nhưng tôi rất thân với mẹ, tôi không cảm thấy ngại với việc tâm sự với mẹ, gọi hay gặp mẹ. So với các bạn khác, mối quan hệ của tôi với mẹ rất thân và gần gũi. Nhiều lúc mẹ kể mà tôi không hiểu từ thì cũng hiểu được ý của mẹ. Chi tiết nào khó khăn nếu không hiểu từ mẹ dùng thì sẽ đi hỏi ba. Từ hồi nhỏ là ba là người phiên dịch nhà, người ở giữa phiên dịch.

Câu chuyện của mẹ cũng có một vài chi tiết được làm mới trong “Sống”. Qua lời kể của mẹ, cách viết của tôi và bản vẽ của Pauline sẽ có những chi tiết được làm mới mẻ hơn. Cuối cùng, “Sống” không chỉ là câu chuyện của mẹ mà còn là một chút của tôi, một chút của người bạn thân nhất của tôi trong đó. 

Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi viết “Sống” là tôi đã từng làm một cuốn sách về cuộc đời của mẹ qua câu chữ của mình và nét vẽ của bạn thân. Đó là sự kết hợp của những người phụ nữ quan trọng nhất trong đời tôi. 

Chị cảm thấy như thế nào khi tác phẩm đầu tay mình viết ra lại thành công, được đón nhận như vậy?

Ở các liên hoan phim danh tiếng, “Sống” được đánh giá cao. Với một tác phẩm đầu tay, đây là một thành tựu lớn. 

Pháp là một nơi mọi người đọc nhiều truyện tranh, số lượng các tập truyện tranh được phát hành mỗi năm là rất lớn. Để có thể gây chú ý được trong số những tác phẩm đó là cực kỳ khó và chắc chắn với tác giả mà chưa có tác phẩm gì trước đó như tôi thì lại càng khó khăn hơn. 

Cái may mắn của tôi là đã gặp một nhà xuất bản cũng mạnh và ekip của nhà xuất bản cũng hỗ trợ giúp Sống “chạm mắt” càng nhiều người càng tốt. Sống từng xuất hiện tại liên hoan truyện tranh lớn Angoulême International Comics Festival và NXB đã đặt ở những vị trí dễ nhìn nhất. 

Một nhà xuất bản lớn nhưng chọn tác phẩm đầu tay của 2 cô gái trẻ với tựa đề tiếng Việt, câu chuyện Việt Nam để ở những vị trí dễ nhìn nhất, trên những tấm áp phích to như vậy trong liên hoan sách lớn. Điều này tôi cảm thấy rất biết ơn nhà xuất bản. 

Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay - Ảnh 9.

Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay - Ảnh 10.

Sau những gì mẹ kể, viết một cuốn truyện tranh về câu chuyện của mẹ, chị hiểu hơn về mẹ của mình chứ?

Trước kia, đã có nhiều lúc tôi không hiểu mẹ, mẹ cũng không hiểu tôi. Tôi nghĩ là do khoảng cách thế hệ, văn hóa khác nhau như các gia đình Việt kiều khác. Khi nghe mẹ kể về bản thân trong những năm đó, tôi hiểu hơn về mẹ của mình hôm nay. 

Khi nghe mẹ kể, tôi rất hâm mộ và thấy mẹ như “siêu nhân” vậy. Trước đó đã thấy mẹ rất siêu rồi, mẹ đi làm phim rồi trở thành đạo diễn lớn. Sau khi mẹ kể lại tất cả câu chuyện trong chiến khu, tôi lại tiếp tục phải “wow”, không ngờ mẹ của mình có thể trải qua được những chuyện như vậy. Và độc giả nào đọc Sống cũng hâm mộ. 

Hồi còn nhỏ, tôi cũng không hiểu cuộc sống của mẹ. Tôi cứ ở nhà với ba bên Pháp. Còn mẹ lâu lâu đi về từ Châu Phi, Úc, đi các liên hoan phim nào không biết, về được nhiều món quà, được nhiều giải, lúc lại đi chiếu phim, đi quay phim. Tôi không hiểu nhiều về cuộc sống của mẹ, tôi chỉ thấy mẹ nổi tiếng, đi khắp nơi và mọi người rất thích, hâm mộ mẹ tôi. 

Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay - Ảnh 11.

Vậy đạo diễn Việt Linh cầm trên tay tác phẩm của con gái thì bà đã nói gì?

Mẹ tôi đã rất cảm động khi cầm và đọc Sống. Phản hồi đầu tiên của mẹ là không ngờ sách sẽ đẹp như vậy. Cả ba và mẹ đều rất vui, cảm động, tự hào và ngạc nhiên vì không nghĩ tôi có kể lại được câu chuyện của mẹ theo cách của tôi, mẹ thấy được “giọng nói” của tôi trong đó. 

Với chị, là con của một đạo diễn gạo cội thì với chị là áp lực hay động lực nhất là khi chị cũng muốn trở thành một vị đạo diễn giống mẹ của mình?

Với tôi thì là động lực. Giờ tôi đã 30 tuổi và có thể xử lý được một vài chuyện. Tôi biết mình rất may mắn vì khả năng để mình có thể làm phim, trở thành đạo diễn được sẽ cao hơn nhiều người vì mình có bố mẹ là hậu thuẫn. Ngày trước đúng là tôi cũng có sợ bị so sánh nhưng giờ thì tôi biết câu chuyện của mẹ và tôi kể sẽ khác nhau, không giống nhau. 

Vậy thì cuốn sách đầu tiên này của chị có ý nghĩa như thế nào với chị?

Cuốn sách mang ý nghĩa rất lớn với tôi. “Sống” là một dự án mà trong đời tôi nhất định phải làm cho bằng được. Tôi quyết tâm viết “Sống” đến mức xăm chữ “Sống” trên tay mình. Dù 30, 40 hay đến 50 tuổi mình nhất định phải làm nhưng không ngờ vài tháng sau mình đã làm rồi (cười). 

“Sống” cũng là một tác phẩm để tôi cảm ơn mẹ và có thể được làm việc với người bạn thân nhất mà tôi chơi cùng từ 10 tuổi. Không từ nào có thể miêu tả được ý nghĩa của “Sống” với tôi. 

Tôi muốn viết về mẹ của mình, ngay từ nhỏ đã vậy. Tôi thấy ba mẹ có một cuộc sống quá hay, quá đặc biệt nên muốn kể lại cho nhiều người nghe. Tôi muốn để nhiều người biết ba mẹ tôi tuyệt vời như thế đó. 

Trần Hải Anh - Forbes Under 30 Châu Á hồn nhiên kể chuyện của ba mẹ bằng truyện tranh tiếng Pháp, quyết tâm nung nấu tới mức xăm luôn chữ “Sống” trên tay - Ảnh 12.

Vậy theo chị những người theo đuổi đam mê trở thành tác giả truyện tranh thì cần những yếu tố nào?

Tôi nghĩ cần nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là mình có thật sự muốn làm hay không. Nếu muốn thì phải tìm cách. Nhiều người đang làm giữa chừng phải bỏ cuộc vì họ không tìm được cách. 

Mình khó trang trải cuộc sống nhờ một cuốn sách mà phải làm nhiều công việc khác nữa. Sách thay đổi cuộc sống của nhiều người làm và tôi luôn nghĩ liệu có cách nào để mình cân bằng được công sức mà người viết bỏ ra với giá trị về mặt tiền bạc mà họ có thể nhận lại hay không. Nỗ lực và thời gian mà người viết dành cho một tác phẩm lớn hơn nhiều lần số tiền mà họ nhận được. Mình nên làm thế nào để cân bằng được.

Chị có lời khuyên gì cho những bạn trẻ muốn làm truyện tranh?

Lời khuyên là cố lên! Truyện tranh là một nghệ thuật rất đẹp nhưng có vài người sẽ không tin vào những gì mình làm. Bạn nên nhìn vào những tập truyện tranh ở trong nước hay trên thế giới được xuất bản, bạn sẽ thấy có động lực hơn. Hãy tin rằng dự án của mình có giá trị và cố lên thôi!

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

PV Minh Nguyệt- Thiết kế: Hà Mĩ

Cùng chuyên mục
XEM