Trải nghiệm “chợ Âm – Dương” có 1 không 2 ở Bắc Ninh: Họp duy nhất 1 phiên vào đêm mùng 4 Tết, người mua không mặc cả, người bán không đếm tiền
Họp một lần duy nhất vào đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết, chợ Âm - Dương ở làng Ó (nay là làng Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) thu hút đông đảo người dân xa gần. Trong phiên chợ này, người mua kẻ bán không nói gì với nhau cũng như không được mặc cả về giá.
Chợ Âm Dương chỉ họp phiên duy nhất vào đêm mùng 4 Tết (tức ngày 4-2) và kết thúc vào sáng ngày mùng 5 Tết (tức ngày 5-2) tại làng Ó, nay là khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh. Với người dân làng Ó, ngày mùng 5 Tết vừa là ngày hội làng, vừa là ngày mừng chiến công vua Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược bờ cõi.
Tối 4/2 (mùng 4 Tết) rất đông người dân, nam thanh nữ tú trong và ngoài tỉnh đã tới phiên chợ Âm Dương huyền thoại xứ Kinh Bắc này.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng (trưởng khu Xuân Ổ), chợ Âm Dương được bắt đầu từ chiều tối mùng 4 Tết, phiên chợ được diễn ra tại Bãi Hồ để người đã mất gặp lại người thân, người quen trên trần gian.
“Chợ Âm Dương là cơ hội để người sống cúng cho người đã khuất để thế giới yên ổn. Chợ Âm Dương còn mang mục đích “mua may bán rủi”. Trong chợ, người mua không ai mặc cả, người bán không đếm lại tiền người mua trả”, ông Hùng cho biết.
Những người tới chợ sẽ mua những sản vật nông nghiệp như củ cà rốt, quả cà chua, quả gấc, quả đu đủ, quả táo… để cầu may mắn nhưng tuyệt đối không nói với nhau nửa lời. Thay vì đưa tiền cho người bán, người mưa sẽ thả tiền vào chậu nước, nếu tiền nổi lên thì đó là tiền của người âm, nếu tiền chìm xuống thì đó là tiền của người dương.
Theo lời các cụ lão ở làng Ó kể, trời sáng, người dân ra kiểm đếm tiền bán đêm hôm qua thì thấy cả vỏ hến, hòn đá cuội… Dù vậy, nhiều người vẫn vui vẻ và coi đó là điềm lành, hứa hẹn một năm buôn bán, làm nông thuận lợi.
Trong khung cảnh tối om như mực, ánh nến le lói trong từng gian hàng là thứ duy nhất dẫn lối người đi chợ. Theo ánh nến hiu hắt, người đi chợ sẽ được đưa tới các gian hàng bán rượu, cau, trầu, hàng mã, hương…
Trong chợ người mua không ai mặc cả, người bán không đếm lại tiền người mua trả.
Một chi tiết đặc biệt khác ở chợ Âm Dương là mâm cháo cúng được bày ở giữa ngã ba chợ để cho những người không nơi nương tựa có một bữa ăn ấm lòng ngày Tết.
Như quan niệm cũ, người sống sẽ thắp hương, đốt vàng mã, đốt nến hoặc ngọn đèn dầu để kết nối với thế giới bên kia.
Phiên chợ dựa trên quan niệm dân gian cho rằng người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi, những người đi chợ không dám nói cười ồn ào, vì sợ linh hồn hoảng sợ, họ cũng không dám thắp đèn vì sợ gà sẽ cất tiếng gáy, làm linh hồn tan tác…
Trong bóng đêm chỉ thấy bóng người đi lại và tiếng thì thào to nhỏ. Người ta hầu như không quan tâm nhiều đến việc "mua may bán rủi" như ở một số chợ khác. Chợ họp là dịp để người cõi trần gặp người cõi âm.
Những cụ già mặc trang phục và đi dép tái hiện những đôi bàn chân của "người xưa".
Những vị khách tỏ ra thích thú và xem như là được hưởng lộc khi thưởng thức rượu tại phiên chợ có 1 không 2.
Những ai đi chợ đều vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết. Cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn.
Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian rất đặc trưng của vùng Kinh Bắc. Người ta quan niệm rằng, có như vậy thì việc làm ăn hay mùa vụ năm đó mới được thuận lợi.
Chợ họp là cơ hội hiếm có cho người chết và người sống được gặp nhau, do đó rất nhiều người tò mò đã ghé thăm phiên chợ này để trải nghiệm.
"Tôi chạy xe máy từ Hà Nội xuống đây vì rất tò mò về phiên chợ đặc biệt này, cũng xem có duyên gặp được người âm hay không nhưng tiếc là tôi xuống muộn nên chợ đã tan mất", chị Nguyễn Thị Ngọc Trang (phải, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.