Trái đất đang quay với tốc độ nhanh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, một ngày đang trở nên ngắn hơn và khiến các nhà khoa học đau đầu
Các nhà khoa học trên thế giới đang phải đau đầu vì vấn đề này.
Đồng hồ nguyên tử được sử dụng để ghi lại chính xác thời gian của một ngày ở mức độ mili giây. Kể từ khi được phát minh vào năm 1970, một ngày đã trở nên dài hơn 24 giờ một chút. Nhưng theo dữ liệu mới nhất được công bố, thời gian đang trôi qua với tốc độ nhanh nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.
Vòng quay của Trái đất đang có tốc độ nhanh hơn bình thường, mà vì thế độ dài của một ngày hiện tại đang ngắn hơn so với 24 giờ. Các nhà khoa học trên khắp thế giới đang phải tranh luận, để xem có nên xóa đi một giây để đưa thời gian trở về khớp với chuyển động quay của Trái đất hay không.
Trong khi cái gọi là “giây nhuận âm” chưa từng được thực hiện trước đây. Đã có tổng cộng 27 “giây nhuận” được cộng thêm vào kể từ năm 1970 đến nay, để giữ cho thời gian của đồng hồ nguyên tử khớp với chuyển động quay của Trái đất.
Nguyên nhân là do trong nhiều thập kỷ, Trái đất quay chậm hơn tốc độ bình thường và mất nhiều hơn 24 giờ để hoàn tất một vòng quay. Như chúng ta đều biết thì thời gian của một ngày cũng tương đương với thời gian Trái đất thực hiện hết một vòng quay của mình.
Kể từ những năm 1970, đồng hồ nguyên tử đã lưu giữ những bản ghi siêu chính xác về độ dài một ngày. Và nhận thấy rằng trong 50 năm qua, Trái đất đã mất nhiều hơn 24 giờ để hoàn thành một vòng quay, dù chỉ nhiều hơn rất ít.
Tuy nhiên vào giữa năm 2020, xu hướng này đã bị đảo ngược và Trái đất mất ít hơn 24 giờ để hoàn thành một vòng quay. Vào ngày 19 tháng 7 năm 2020, một ngày ngắn hơn 1,4602 mili giây so với 24 giờ thông thường, đây là ngày ngắn nhất kể từ khi đồng hồ nguyên tử hoạt động.
Trung bình, hiện tại một ngày ngắn hơn 0,5 mili giây so với 24 giờ. Sự mất thời gian rất nhỏ này chỉ có thể phát hiện được bằng đồng hồ nguyên tử, và dường như không có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta.
Thế nhưng những thay đổi dù rất nhỏ này lại có thể gây ra tác động lớn. Vệ tinh và các thiết bị liên lạc dựa vào thời gian thực của thời gian Mặt Trời, xác định bởi vị trí của các ngôi sao, Mặt trăng và Mặt Trời. Hay nói cách khác là dựa trên tốc độ quay thực tế của Trái đất.
Nếu cứ để sự chênh lệch này xảy ra mà không có giải pháp như việc thêm giây nhuận, thì các hệ thống vệ tinh và thiết bị liên lạc sẽ xảy ra sự cố. Chính vì vậy mà chủ đề gây tranh cãi hiện nay là có nên thêm vào giây nhuận âm hay không và nếu có là khi nào.
Nhà khoa học tự nhiên Peter Whibberley, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc nhóm Thời gian và Tần số của Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia Hoa Kỳ cho biết: “Chắc chắn rằng Trái đất đang quay nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong 50 năm qua. Rất có thể cần một giây nhuận âm nếu tốc độ quay Trái đất tiếp tục tăng, nhưng có thể còn quá sớm để quyết định nó có thể xảy ra hay không”.