TPHCM sẽ tiêm vắc xin Sinopharm sau khi hết vắc xin được cấp
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, tại TPHCM đã tiêm hơn 3,5 triệu liều, tương ứng 88,2% số vắc-xin được cấp. Trong nay mai sẽ tiêm hết số vắc xin được cấp và chuyển sang tiêm vắc xin Sinopharm.
Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 11/8, thông tin về tiến độ tiêm vắc xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đã tiêm được khoảng 11,3 triệu, tương đương 65% tính trên hơn 18 triệu liều đã cấp. Nhưng theo ông Thuấn, nhiều khi số liệu công bố vẫn thấp hơn so với số tiêm thực tế do việc nhập số liệu chậm hơn.
Tại TPHCM, đại diện Bộ Y tế cho biết, đã tiêm hơn 3,5 triệu liều trên tổng số hơn 4 triệu liều được cấp, tương ứng 88,2%. "Trong hôm nay và ngày mai sẽ tiêm hết số vắc xin được cấp và chuyển sang tiêm vắc xin Sinopharm", ông Thuấn cho hay.
Còn tại thành phố Hà Nội, đã cấp hơn 2,9 triệu liều và đã tiêm được 1,5 triệu liều, tương ứng hơn 50%. Hà Nội sẽ đẩy mạnh tiêm chủng trong những ngày tới.
Ông Thuấn cho biết, Bộ Y tế sẽ yêu cầu các tỉnh, thành lập số liệu cụ thể để đưa ra tiến độ tiêm chủng, giúp các địa phương chủ động hơn. Ngoài ra, Bộ đã đôn đốc để các địa phương không để tồn vắc xin, nếu không dùng hết sẽ chuyển cho tỉnh khác. "Việc này giúp tốc độ tiêm vắc-xin nhanh hơn", ông Thuấn cho hay.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định "quan điểm của Bộ Y tế là tiêm nhanh nhưng phải bảo đảm an toàn, tiêm mũi nào an toàn mũi đó". Ngoài ra, phải chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất để tiến hành cấp cứu nếu cần. Sau này khi vắc xin về nhiều hơn, Bộ sẽ phối hợp với đơn vị quốc phòng, công an để đẩy tốc độ tiêm lên, có thể đạt 2 triệu mũi trong 1 ngày.
Về việc điều trị cho bệnh nhân F0, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, để đáp ứng điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã chủ động thảo luận với địa phương và chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị, con người.
Cũng theo đại diện Bộ Y tế, hiện có sự quá tải y tế ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam do lượng bệnh nhân lớn ở khu vực hồi sức tích cực (tầng 3). Có một số trường hợp do quá lo, chưa tới mức phải lên tầng 3 nhưng vẫn đưa lên tầng 3, trong khi họ có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến huyện hoặc trạm y tế xã.
"Chúng ta phải phân tầng đúng và kịp thời, tránh gia tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, đồng thời giảm tải cho hệ thống y tế", ông Thuấn cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện đã thiết lập 141 bệnh viện dã chiến tại các tỉnh phía Nam và các trung tâm hồi sức cấp cứu, riêng TPHCM có 5 trung tâm. Đồng thời, Bộ đã cử các chuyên gia về phòng bệnh, truy vết, điều trị để hỗ trợ họ nhanh nhất.
"Ngoài ra, chúng ta cũng chuyển 10.000 liều thuốc đặc trị nhập khẩu từ Ấn Độ về để phục vụ công tác điều trị; 10.000 sinh viên cũng được huy động cho công tác chống dịch ở các tỉnh phía Nam", ông Thuấn cho hay.