TP.HCM muốn thí điểm thu thuế đối với bất động sản thứ hai: Tăng nguồn thu ngân sách, hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà ở

05/12/2022 11:35 AM | Kinh doanh

Đây là kiến nghị nằm trong tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM).

Mới đây, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM (thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM).

Đây là dự thảo Nghị quyết được xây dựng từ những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định không phù hợp thì cho làm thí điểm theo tinh thần các Nghị quyết và kết luận của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố phải không làm ảnh hưởng đến sự điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của các địa phương khác, mà chủ yếu nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP.HCM.

Dự thảo Nghị quyết gồm 11 điều, trong đó 7 điều đề xuất cơ chế cụ thể, bao gồm: Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; Quản lý văn hóa - xã hội và trật tự xã hội; Tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Cơ chế xây dựng phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM; cơ chế phân cấp phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP Thủ Đức.

TP.HCM muốn thí điểm thu thuế đối với bất động sản thứ hai: Tăng nguồn thu ngân sách, hạn chế đầu cơ bỏ hoang nhà ở - Ảnh 2.

Đáng chú ý, trong đề xuất về Tài chính ngân sách, TP.HCM muốn bổ sung quyết định thu thuế bổ sung đối với bất động sản thứ hai trở lên (trừ bất động sản duy nhất). Theo TP.HCM, mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau, đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Ngoài ra, TP.HCM không đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết của ngân sách chung về thành phố (21%) đến năm 2025, mà đề xuất xây dựng cơ chế tạo ra nguồn thu để tăng chi, nhất là chi cho đầu tư.

Thành phố được thí điểm cơ chế bồi thường bằng đất theo tỉ lệ khi giải phóng mặt bằng. Cho phép Thành phố được thí điểm tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B…

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, Thành phố kiến nghị được phân cấp quyết định các nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại; nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà ở trên, ven kênh rạch... hiện đang gặp vướng về quy định. Bên cạnh đó, phân cấp hoàn toàn cho Thành phố xây dựng và ban hành hạ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất.

Về cơ chế xây dựng phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM, địa phương này cũng kiến nghị bổ sung các quy định chưa có để xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại Thành phố.

Về Thành phố Thủ Đức, UBND TP.HCM  kiến nghị được quyết định bộ máy hành chính và các đơn vị sự nghiệp của TP Thủ Đức, ưu tiên phân bổ ngân sách cho TP Thủ Đức để chi đầu tư phát triển.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM