TP.HCM: Chi 36 tỉ đồng để… đào tạo lại giáo viên mầm non
Trong năm học này, TP.HCM sẽ phải chi khoảng 36 tỉ đồng để bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên mầm non các trường ngoài công lập.
Tuyển người không đủ chuẩn để… đào tạo lại
Sở GDĐT TP.HCM cho biết, năm học 2016-2017, TP.HCM có gần 747.000 trẻ mầm non, tăng 11.600 trẻ so với năm học trước. Để đáp ứng nhu cầu chỗ giữ trẻ, thành phố có thêm gần 750 phòng học mới cho bậc học này, tuy nhiên vấn đề nhân lực và chất lượng giáo viên mầm non vẫn cần phải xem xét lại.
Bà Hoàng Thị Khánh, nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trường mầm non ngoài công lập là một nhu cầu thực tế khi trường công không đáp ứng nổi, nhưng trường mầm non ngoài công lập phải đối diện với hai vấn đề, đó là cơ sở vật chất rất khó đảm bảo và nhiều giáo viên làm việc chưa được đào tạo bài bản nên thiếu kinh nghiệm chăm sóc trẻ, do vậy dễ xảy ra việc giáo viên bạo hành trẻ.
Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM Lê Hoài Nam cho hay, trong năm học 2016-2017, giáo dục thành phố chi 36 tỉ đồng để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non ở các trường ngoài công lập. Sở cũng đã làm việc, hợp tác với các trường có đào tạo sư phạm mầm non để làm sao nâng cao cả về số lượng và chất lượng giáo viên ra trường…
Trước thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Năng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đặt vấn đề: “Chỉ tính riêng năm học này, thành phố sẽ dành 36 tỉ đồng bồi dưỡng giáo viên mầm non, chưa kể kinh phí bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo Đề án Dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020. Những năm tiếp theo, năm sau nữa sẽ là bao nhiêu?".
Theo ông Năng, việc ngành giáo dục cần làm là phải có một kế hoạch dài hơi, điều chỉnh việc đào tạo sao cho đảm bảo chất lượng khi tuyển vào chứ không thể cứ tuyển người không đủ trình độ, không đủ chuẩn rồi lại đổ tiền vào để bồi dưỡng và đào tạo lại.
Có nên cấm dạy thêm học thêm?
Bà Hoàng Thị Khánh thừa nhận chủ trương cấm dạy thêm, học thêm của TP.HCM là đúng đắn nhưng thực tế, có cháu không cần học thêm vẫn học tốt, có cháu cần bổ sung thêm kiến thức bị hổng từ các bậc học dưới. Vì thế, ngành giáo dục cần hướng đến việc xác định rõ đối tượng nào được tham gia dạy thêm, học thêm.
Quy định đặt ra phải đáp ứng nhu cầu người học chứ không phải nhu cầu người dạy. Đồng thời, hiệu trưởng các trường phải quản lý tốt giáo viên, không để xảy ra tình trạng “ăn bớt” giờ dạy chính khóa để buộc học sinh phải đến lớp học thêm.
Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội cựu giáo chức thành phố đề xuất, thay cho chủ trương cấm, thành phố nên xác định rõ đối tượng học sinh nào được học thêm, quy định dạy học thế nào để vừa đảm bảo chất lượng giờ dạy chính khóa, vừa không nảy sinh tiêu cực từ việc tổ chức dạy thêm như thời gian qua.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Năng nêu ý kiến: “Theo tôi, cần quản lý chặt dạy thêm, học thêm chứ không nên cấm. Vì cấm cũng không được, cấm hình thức này sẽ nảy sinh hình thức khác đáp ứng nhu cầu phụ huynh. Hơn nữa, chủ trương cấm chỉ tạo ra sự an toàn về mặt trách nhiệm chứ không quản được nhu cầu học tập có thật của người dân. Thay vào đó, cần phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực của thực trạng này”.