TPHCM: Cận cảnh dự án khu công viên nghìn tỷ đang bị thanh tra toàn diện
Dự án khu công viên giải trí đa năng Park City, nằm mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 do Công ty cổ phần Park City làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, gần 10 năm trôi qua, công viên chẳng thấy đâu, nơi đây hiện tại chỉ là bãi đất trống đầy cỏ dại, nhiều hộ dân vẫn chưa chịu di dời và tái lấn chiếm để sinh sống.
Mới đây, UBND TP.HCM vừa giao Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra toàn diện dự án các công trình xây dựng không phép tại Khu công viên vui chơi giải trí đa năng Park City.
Vị trí dự án nằm trên trục đường rất sầm uất của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, tuy nhiên hàng chục năm qua vẫn chỉ là bãi đất hoang
Được biết, công ty Park City có tiền thân là Công ty liên doanh Saigon Max; hình thành bởi liên doanh giữa Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Saigon Entertainment Park Holding (S) Pte Ltd (Singapore), được cấp phép bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2008 để triển khai thi công, kinh doanh dự án Khu công viên vui chơi giải trí đa năng trên khu đất rộng 46,15 ha thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Sau đó phía Sadeco chuyển nhượng phần vốn góp lại cho phía đại diện liên doanh nước ngoài. Sau nhiều lần thay đổi giấy phép đầu tư, đến tháng 7/2009, dự án công viên có tên chính thức Dự án khu công viên giải trí đa năng Park City, đồng thời có thêm hai thành viên góp vốn mới là Indochina Park City Holding 2 (Mỹ) và Indochina Park City Holding 3 (Singapore).
Tháng 11 năm 2010, UBND TP.HCM đã ra Văn bản số 733/TB-VP chấp thuận bổ sung chức năng căn hộ ở cao tầng cho dự án Khu công viên giải trí Park City. Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó thị trường bất động sản gặp khó khăn nên dự án chưa có tiến triển gì mới.
Tháng 6 năm ngoái, Gaw Capital Partners đã nhận chuyển nhượng dự án dự án Khu công viên giải trí Park City từ quỹ IndochinaLand Holdings 2 (ILH2) của Indochina Land với tổng giá trị chuyển nhượng 106 triệu USD.
Tiếp xúc với nhiều hộ dân vẫn còn sinh sống bên trong khu đất đầy cỏ dại này, chúng tôi được biết hiện họ vẫn chưa chấp thuận nhận tiền đền bù và bàn giao đất cho chính quyền địa phương. Nguyên nhân, từ gần 10 năm nay, các bên vẫn chưa thống nhất được mức giá đền bù hợp lý và phương án tái định cư đối với những hộ gia đình thuộc diện giải toả trắng.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu, 72 tuổi, đã sinh sống ở đây gần 50 năm, cho biết: "Cả gia đình gồm 6 người sống trơ trọi giữa một khu đất bao la đầy cỏ như thế này cũng khá nguy hiểm, có gì bất trắc xảy ra không biết gọi ai. Nhưng, nếu ra đi với số tiền đền bù được áp giá từ năm 2001 thì giờ cũng không mua nổi một nền tái định cư rộng 50m2 tại quận 7 này".
Những hình ảnh trên cho thấy nếu đầu tư đúng tiến độ, nơi đây sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của TP.HCM.
Chạy dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh, bao quanh cả khu đất của dự án là cây cối như một khu rừng rậm.
Nhiều hộ dân sống quanh đất tỏ ra mệt mỏi vì dự án, bởi họ trông chờ bao lâu nay nhưng vẫn chưa được nhận đền bù thoả đáng.
Bao quanh mặt tiền dự án là những hộ kinh doanh lấn chiếm.
Trong lòng dự án là một vùng bao la cỏ dại, lác đác vài ba ngôi nhà của người dân cố "bám trụ".
Gần 50ha đất của dự án chỉ là cỏ dại.
Một vài hộ gia đình còn sót đang sống lay lắt.
Bờ tường bao quanh dự án cũng đang mục nát, biển hiệu công bố thông tin dự án không còn chữ nào đọc được.
Toạ lạc tại một vị trí đắc địa của quận 7, nhưng dự án đang gây nên sự lãng phí lớn về quỹ đất.
Khu vực mặt tiền dự án nằm trên đường Nguyễn Văn Linh.
Một góc dự án nhìn từ ngoài vào, cả khu vực rộng lớn này chỉ có duy nhất một cửa ra vào nhỏ để những hộ dân còn sinh sống bên trong chui ra chui vào.