TP. HCM sẽ đấu giá hơn 2.400 ha đất để bổ sung vốn cho đường Vành đai 3

26/02/2022 08:32 AM | Kinh doanh

TP. HCM có quỹ đất hơn 2.400 ha vùng phụ cận tuyến đường để đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tính toán nguồn thu ngân sách từ quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường.

Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND thành phố cùng các bên liên quan, nhằm giải trình một số nội dung để sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 3 TP. HCM. Theo kế hoạch, dự án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5/2022.

Trong tổng quỹ đất nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi rà soát có hơn 514 ha do nhà nước quản lý và gần 1.900 ha người dân sử dụng. Quỹ đất sau khi thu hồi dự kiến sẽ đấu giá, nên Sở Tài nguyên và Môi trường hiện chưa xác định cụ thể được nguồn thu.

Ngoài TP. HCM, Vành đai 3 đi qua 3 tỉnh khác gồm Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Phía Đồng Nai hiện cũng dự trù khai thác đấu giá ba khu đất dọc tuyến với tổng diện tích khoảng 214 ha. Địa phương tạm tính có thể mang về cho ngân sách sau khi đấu giá ba khu đất này khoảng 4.332 tỷ đồng. Trong khi tại Bình Dương và Long An đang rà soát.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nhu cầu sử dụng đất cho các dự án thành phần thuộc Vành đai 3 tại TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An dự kiến hơn 642 ha. Ước tính có khoảng 3.860 trường hợp cần giải phóng mặt bằng để làm tuyến đường, trong đó khoảng 1.470 hộ phải bố trí tái định cư. Các tỉnh thành đã chuẩn bị địa điểm, số lượng nền, căn hộ để bố trí cho người dân. Riêng Bình Dương, người dân đồng thuận chính sách hỗ trợ để họ tự lo nơi ở mới.

Khai thác quỹ đất dọc Vành đai 3 là một trong phương án giúp huy động thêm nguồn vốn để các tỉnh thành bố trí đầu tư tuyến đường. Trước đó, TP. HCM và các tỉnh kiến nghị được rà soát lại kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 của địa phương để bố trí cho Vành đai 3. Các tỉnh thành cũng đề xuất được tăng tổng vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn nêu trên từ các nguồn có thể huy động, bao gồm khai thác quỹ đất dọc tuyến.

Tại TP. HCM, chính quyền thành phố tính toán có thể huy động thêm khoảng 119.000 tỷ đồng nên trước đó kiến nghị bổ sung vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương, để đầu tư các dự án mới, trọng điểm, cấp bách. Bởi kế hoạch đầu tư công giai đoạn nêu trên từ nguồn ngân sách thành phố hiện được thông qua với tổng mức hơn 142.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được hơn 20% nhu cầu.

Cuối tháng 1, trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Vành đai 3 TP HCM được UBND thành phố trình Chính phủ, giai đoạn một tuyến đường sẽ đầu tư trên chiều dài hơn 76 km, làm trước 4 làn cao tốc cùng đường song hành hai bên. Việc giải phóng mặt bằng triển khai từ giai đoạn này theo quy mô hoàn chỉnh (8 làn cao tốc cùng đường song hành). Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn một tuyến vành đai được tính toán 75.777 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ đầu tư công, dùng ngân sách địa phương có hỗ trợ từ Trung ương.

Theo Tuấn Minh

Cùng chuyên mục
XEM