TP HCM dự kiến thu 2.215 tỉ đồng từ 3 lô đất ở Thủ Thiêm
Ba lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được đấu giá trong năm 2024 gồm 2 lô đất ký hiệu I-2, I-3 tại Khu chức năng số 1 và lô đất ký hiệu 3-5 tại Khu chức năng số 3.
Sáng 7-1, Thường trực HĐND TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, Đài Truyền hình TP HCM phối hợp tổ chức chương trình Dân hỏi – Chính quyền trả lời tháng 1-2024 với chủ đề "Nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội TP HCM năm 2024".
Dự chương trình có Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ.
Đặt câu hỏi tại chương trình, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM, nhìn nhận đất đai là một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, từ thực tế của TP HCM cho thấy công tác quản lý đô thị, sử dụng đất đai thời gian qua còn hạn chế. "Thành phố có giải pháp gì để tăng thu ngân sách từ đất đai trong thời gian tới"- GS.TS Nguyễn Trọng Hoài hỏi.
Giải đáp vấn đề cử tri đặt ra, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Huỳnh Văn Thanh nhấn mạnh đất đai là một loại hàng hóa, tài sản đặc biệt của quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước nói chung và thành phố nói riêng.
Đất đai tham gia trực tiếp và cả gián tiếp trong quá trình phát triển kinh tế của thành phố từ việc trực tiếp sử dụng đất để thực hiện các dự án đến việc đóng góp vào ngân sách thông qua các khoản thu từ đất.
Trong những năm qua, nguồn thu từ đất luôn chiếm tỉ lệ lớn trong nguồn thu ngân sách của thành phố.
Nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, đặc biệt là khai thác nguồn thu từ đất đai, ông Huỳnh Văn Thanh cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ 4 giải pháp chính.
Đó là tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất sạch sẵn có; thực hiện cơ chế tạo quỹ đất theo chính sách đặc thù tại Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác xác định giá đất cụ thể; tăng cường việc quản lý và sử dụng nguồn lực đất đai có hiệu quả.
Theo ông Thanh, trong năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức đấu giá đối với 3 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, gồm 2 lô đất ký hiệu I-2, I-3 tại Khu chức năng số 1 và lô đất ký hiệu 3-5 tại Khu chức năng số 3. Dự kiến việc này mang về nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên 2.215 tỉ đồng.
Đối với giải pháp thực hiện cơ chế tạo quỹ đất theo chính sách đặc thù, Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và tham mưu UBND thành phố ban hành "Quy chế và cơ chế phối hợp trong thực hiện tạo quỹ đất trên địa bàn TP HCM".
Đây là giải pháp "căn cơ" và là "lá chắn" hữu hiệu, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố để giải quyết tình trạng "đầu cơ đất đai" tại các vùng phụ cận các dự án hạ tầng kỹ thuật lớn của TP HCM.
Ông Thanh cũng cho biết trong năm 2023, Sở đã xây dựng Đề án "Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn" làm cơ sở để giải quyết các vướng mắc về đất đai.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM Lê Trương Hải Hiếu nhấn mạnh phát huy hiệu quả sử dụng nguồn lực đất là vấn đề cấp thiết.
Thành phố cần tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai tiết kiệm, bền vững, hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.
Trong đó cần tập trung xây dựng hệ thống quản lý đất đai tiên tiến, ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hạ tầng thông tin đất đai hiện đại.
Đồng thời, tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định giá đất, tiền thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của người dân và doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp luật hóa tài sản, đầu tư phát triển, ổn định sản xuất, kinh doanh.