TopDev: Việt Nam có startup kỳ lân mới, gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự liên quan Fintech
Theo đại diện TopDev, việc Việt Nam chính thức có kỳ lân startup mới - VNPay được dự đoán sẽ đưa đến sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong các lĩnh vực liên quan đến Fintech như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, an ninh mạng.
“ Báo cáo thị trường IT và tình hình nhân lực IT Việt Nam ” là ấn phẩm được TopDev, nền tảng tuyển dụng IT thuộc Công ty cổ phần Applancer thực hiện định kỳ hàng quý nhằm phản ánh phần nào bức tranh thị trường nhân lực ngành CNTT nước nhà. Báo cáo được thực hiện với 2 góc nhìn, cả từ nhà tuyển dụng cũng như từ những người đang trực tiếp làm việc trong ngành công nghệ. Hiện “Báo cáo thị trường IT và tình hình nhân lực IT Việt Nam quý 2/2019” đang được TopDev xây dựng và dự kiến sẽ được công bố trong tháng 8 này.
Trao đổi với ICTnews về nghiên cứu sắp công bố, CEO TopDev Nguyễn Hữu Bình cho biết, điểm đáng chú ý nhất của “Báo cáo thị trường IT và tình hình nhân lực IT Việt Nam quý 2/2019” chính là việc Việt Nam đã chính thức có kỳ lân startup mới – VNPay, sau khi đơn vị này nhận được 300 triệu USD đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực Fintech. Startup kỳ lân được hiểu là những công ty khởi nghiệp tư nhân lớn mạnh với mức định giá từ 1 tỷ USD trở lên.
“Việc này rất có ý nghĩa. Bởi lẽ, sau đợt các startup về trí tuệ nhân tạo - AI được đầu tư lớn như Cinnamon (9 triệu USD), Logivan (5,5 triệu USD), ELSA(7 triệu USD) lập tức đã gây áp lực lên lực lượng nhân sự AI do nhận thức về việc phải ứng dụng AI của các startup và doanh nghiệp trở nên nở rộ”, ông Nguyễn Hữu Bình đánh giá.
Phân tích cụ thể hơn về những ảnh hưởng, tác động có thể xảy ra từ việc Việt Nam có kỳ lân startup đầu tiên, CEO TopDev Nguyễn Hữu Bình cho rằng, việc VNPay trở thành kỳ lân startup được dự đoán sẽ kéo theo 2 làn sóng mới: làn sóng thứ nhất là làn sóng các quỹ đầu tư nước ngoài chú ý và tìm đến Việt Nam nhiều hơn nữa, sẽ có thêm nhiều startup Fintech mới (do cá nhân hoặc tổ chức lập nên) ra đời và được đầu tư. Và làn sóng thứ hai là gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong các lĩnh vực liên quan đến Fintech như AI, Data Science (Khoa học dữ liệu), Big Data (Dữ liệu lớn), Cyber Security (An ninh mạng).
Người đứng đầu TopDev cũng chia sẻ thêm: “Việt Nam hiện đang có khoảng 64 startup fintech, trong khi đó, Singapore có khoảng hơn 490 công ty Fintech, Malaysia 196 công ty, Indonesia là 262 công ty, thuộc lĩnh vực này, cho thấy sẽ có một lượng lớn nữa ra đời trong tương lai và chắc chắn sẽ lại tạo thêm nhiều áp lực cho nhân sự IT”.
Trước đó, VNPay cũng đã xuất hiện trong báo cáo “ Toàn cảnh các doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam ” (Vietnam IT Landscape 2019) được TopDev công bố hồi trung tuần tháng 4/2019, khi đề cập đến những công ty, startup Fintech tiêu biểu tại Việt Nam.
Cũng tại báo cáo này, TopDev cho hay, các chuyên gia đến từ Solidiance đã dự đoán, đến năm 2020, thị trường Fintech Việt Nam sẽ đạt mức 7,8 tỷ USD. Từ năm 2015, các startup về Fintech phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, từ đó nó dần trở thành một tín hiệu tốt gây chú ý với cộng đồng cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biết là tại Hà Nội và TP.HCM.
Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia khác trong khu vực con số này còn rất khiêm tốn. Ví dụ, theo một thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2017-2018, Singapore có khoảng hơn 490 công ty Fintech, Malaysia 196 công ty, Indonesia là 262 công ty, thuộc lĩnh vực này. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường Fintech Đông Nam Á cũng như tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn cho các startup và các doanh nghiệp lớn trong thời gian tới.
Cũng trong trao đổi với ICTnews mới đây, đưa ra dự báo về thị trường nhân lực CNTT trong khoảng 3-5 năm tới, ông Nguyễn Hữu Bình nhấn mạnh, sức nóng của thị trường này sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của một đơn vị làm tuyển dụng IT, đại diện TopDev chỉ ra rằng nhân lực ngành CNTT Việt Nam đang có tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”. Theo phân tích của đại diện TopDev, để làm một cái mobile app đơn giản như một ứng dụng đặt món, hoặc một website thương mại điện tử thì không cần đến một người tốt nghiệp đại học, mà chỉ cần một người được đào tạo trong trường nghề từ 1 đến 3 năm là đã có thể làm được và chắc chắn có việc làm ngay sau khi học xong, tuy nhiên đa số các bạn trẻ vẫn thích vào học tại các trường đại học với 5 năm học Mặt khác, để có những công nghệ cao cấp trong trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi lực lượng nghiên cứu cần có chuyên môn cao thì lại đang rất ít, đa số tốt nghiệp đại học xong là đi kiếm việc làm và lún sâu vào công việc
“Nếu xét về các công việc cấp trung và cấp thấp chúng ta thiếu thợ, nếu xét về công việc nghiên cứu cấp cao, chúng ta đang thiếu thầy. Để giải quyết căn bệnh thiếu nhân lực, phải áp dụng nhiều phương thuốc cùng một lúc và đủ liều đủ lượng bao gồm giáo dục đào tạo, hướng nghiệp và việc làm”, đại diện TopDev đề xuất.
Ở góc nhìn của một cơ sở đào tạo CNTT lớn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng: “Kỹ sư CNTT nói chung đã rất hot, nhưng kỹ sư được đào tạo chuyên sâu trong những chuyên ngành hẹp, đang có nhu cầu phát triển lớn như: khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, an toàn thông tin… được dự đoán sẽ có triển vọng nghề nghiệp rất tốt trong thời gian tới đây”.