Tổng thống Trump thông qua dự luật “đuổi” doanh nghiệp Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ

20/12/2020 13:09 PM | Xã hội

Các biện pháp mới có thể coi như một trong những "mũi dùi" cuối cùng nhắm đến Bắc Kinh trước khi Tổng thống Trump rời khỏi nhiệm sở vào tháng 1/2021.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Bloomberg
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày thứ Sáu đã thông qua dự luật đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi sàn chứng khoán Mỹ trừ khi các nhà quản lý nước này có thể xem xét hồ sơ tài chính của doanh nghiệp, động thái này nhiều khả năng sẽ khiến cho căng thẳng giữa hai nước leo thang, theo tin từ Bloomberg.

Các biện pháp được công bố trong dự luật mới nhất này có thể ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp lớn như Alibaba và Baidu. Các biện pháp vừa được thông qua có thể coi như một trong những "mũi dùi" cuối cùng nhắm đến Bắc Kinh trước khi Tổng thống Trump rời khỏi nhiệm sở vào tháng 1/2021.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không ngừng chỉ trích Trung Quốc về cái mà ông gọi là các hành vi thương mại thiếu công bằng đồng thời áp thuế cao hơn với hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên trong năm vừa rồi, quan điểm của ông đã ngày một cứng rắn hơn khi mà ông chỉ trích Bắc Kinh vì đại dịch Covid-19. Chính đại dịch đã khiến cho ông thất bại trước ông Joe Biden, ông Trump bị chỉ trích nặng nề vì cách xử lý đại dịch.

Việc yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc hủy niêm yết nếu không công khai thông tin tài chính đã nhận được sự ủng hộ của chính trị gia cả hai đảng. Dù rằng luật này áp dụng cho bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào, nhiều chính trị gia nói rằng mục tiêu của họ là nhắm đến Trung Quốc.

Đã nhiều năm nay, doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng thị trường vốn và nguồn tài chính bằng đồng USD từ Mỹ như nguồn vốn quan trọng để phát triển doanh nghiệp. Dù rằng luật mới có đưa ra một giai đoạn chờ và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị hủy niêm yết cổ phiếu nếu không tuân thủ quy định liên tiếp 3 năm, thế nhưng nó có thể gây hại thực sự lên các doanh nghiệp Trung Quốc không thể đáp ứng được yêu cầu kiểm toán.

Thượng nghị sỹ John Kennedy của bang Louisana nhận xét: "Chính sách của Mỹ trước đây đã giúp cho Trung Quốc né tránh không phải tuân thủ những quy định mà doanh nghiệp Mỹ phải tuân thủ. Điều đó thực sự nguy hiểm".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, bà Hoa Xuân Oánh, đã nói với phóng viên tại Bắc Kinh sau khi dự luật được phía Mỹ thông qua rằng phía Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa quy định, đồng thời hối thúc việc hợp tác để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

"Nó sẽ làm tổn hại đến niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu vào thị trường vốn của Mỹ và đồng thời tác động đến vị thế thị trường vốn của Mỹ, ảnh hưởng đến quyền lợi của Mỹ", bà Hoa nói.

Việc Tổng thống Trump ký thông qua dự luật mới nhất này đã tiếp nối cho nhiều hành động chống Trung Quốc khác mà ông đưa ra gần đây trong đó có việc hạn chế cấp visa cho một số đối tượng quan chức Trung Quốc.

Bộ Nội an Mỹ mới đây đã thông báo giới chức thuế tại các cảng của Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu bông từ một số khu vực của Trung Quốc.

Mỹ chuẩn bị đưa công ty sản xuất các sản phẩm bán dẫn SMIC và nhiều công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen, theo Reuters đưa tin dẫn nguồn những người trong giới thạo tin.

Ngay sau thông tin trên, trong phiên giao dịch chiều nay trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, cổ phiếu của công ty sản xuất chip này giảm đến 4,3%.

Reuters nhấn mạnh trong bản tin gần đây của mình rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị đưa thêm khoảng 80 công ty và nhiều doanh nghiệp liên minh của họ vào danh sách theo dõi của Bộ Thương mại Mỹ. Trước đó, Huawei Technologies cũng đã bị đưa vào nhóm này.

Như vậy nhóm các công ty nói trên sẽ bị từ chối không được tiếp cận với công nghệ Mỹ, từ phần mềm cho đến hệ thống mạch.

Nhiều doanh nghiệp như Huawei và SMIC đã bị "mắc kẹt" trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày một tồi tệ hơn.

Trung Quốc và Mỹ đối đầu nhau về nhiều vấn đề, từ thương mại cho đến đại dịch. Tổng thống Trump dự kiến sẽ áp thêm các biện pháp trừng phạt chống lại Trung Quốc trước khi ông Joe Biden chính thức lên nhậm chức.

Công ty SMIC là nhà cung cấp cho cả Qualcomm và Broadcom. Công ty có vị trí quan trọng trong chương trình xây dựng ngành bán dẫn Trung Quốc có đẳng cấp thế giới cũng như giảm đi sự phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc.

Về phía Washington, việc Trung Quốc phát triển ngành công nghệ có thể bị coi như "mối họa". Việc đưa Trung Quốc vào danh sách đen tiềm ẩn rủi ro tác động xấu đến tham vọng dài hạn của Trung Quốc bởi lấy đi của Trung Quốc nguồn hỗ trợ quan trọng.

Để ứng phó với việc Mỹ siết chặt các biện pháp kiểm soát với Trung Quốc, Trung Quốc đang lên kế hoạch hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành sản xuất chất bán dẫn thế hệ thứ 3 trong kế hoạch 5 năm của mình nhằm tăng cường sự chủ động của nội địa trong ngành sản xuất chip. Công ty SMIC được sự hỗ trợ của quỹ đầu tư ngành mạch tích hợp Trung Quốc cũng như quỹ thịnh vượng GIC của Singapore và quỹ đầu tư của Abu Dhabi dự kiến sẽ có vai trò trung tâm trong chương trình "tự lực" phát triển ngành sản xuất chip.

Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM