Tổng thống Putin ra lệnh cho quân đội "gìn giữ hòa bình" vào Ukraine, Mỹ và NATO phẫn nộ: "Đúng như những gì chúng tôi đã dự đoán"

22/02/2022 14:07 PM | Xã hội

Biên giới Nga-Ukraine đang ngày càng căng thẳng sau khi ông Putin công nhận các khu vực ly khai.

Căng thẳng gia tăng

Vào ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận hai khu vực ở Ukraine là độc lập. Sau khi đưa ra nhiều lý do, ông ra lệnh cho quân đội Nga tiến hành các hoạt động "gìn giữ hòa bình" ở đó, làm dấy lên lo ngại rằng Nga đang mở đường cho gia tăng căng thẳng. Chính quyền Biden thông báo rằng Mỹ sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt về mặt kinh tế, và sẽ gia tăng thêm nhiều biện pháp khác.

Trong tuyên bố, Putin đặt tên hai khu vực là Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Cả hai đều là những vùng lãnh thổ được kiểm soát bởi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbas, miền đông Ukraine sau khi các cuộc giao tranh nổ ra nhằm chống lại lực lượng chính phủ Ukraine vào năm 2014.

Ukraine, Mỹ và sáu quốc gia khác đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tối 21/2 để đáp lại. Tuy nhiên, Nga là một trong những nước có quyền phủ quyết trong hội đồng và chưa công nhận tuyên bố hay hành động nào, theo hãng tin AP.

Phát biểu trước công dân nước mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho rằng hành động của ông Putin là "vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraine. Ông Putin cũng đã gặp các thành viên trong hội đồng bảo an, những người đã thúc giục tổng thống thực hiện hành động này với lý do Ukraine không duy trì hiệp định Minsk được ký kết vào năm 2015.

Các nhà lãnh đạo nổi dậy của những nước cộng hòa tự xưng đã thúc giục ông Putin công nhận nền độc lập của họ và đưa ra các đảm bảo an ninh. Tuyên bố này có khả năng vô hiệu hóa các hiệp định Minsk, một lối ra ngoại giao giúp thoát khỏi bế tắc hiện tại. Động thái này cũng có thể cho phép lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đang điều hành các khu vực mở cửa cho quân đội Nga.

Mỹ cho biết Nga đã điều động tới 190.000 quân ở biên giới Ukraine. Tổng thống Biden sẽ ban hành một lệnh hành pháp để "cấm người Mỹ đầu tư, giao dịch thương mại và tài chính đến, từ hoặc trong các khu vực Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk của Ukraine", theo một tuyên bố từ Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki.

Psaki cho biết chính quyền sẽ sớm có thêm thông báo "liên quan đến sự vi phạm trắng trợn các cam kết quốc tế của Nga hiện nay", cùng những hậu quả kinh tế sẽ phải gánh chịu nếu quân đội Nga đổ bộ Ukraine.

Sự trừng phạt từ NATO

Tổng thống Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã có cuộc điện đàm trong khoảng 35 phút vào chiều ngày 21/2. Nhà Trắng cho biết ông Biden cũng đã liên lạc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Trước đó, Putin đã gọi điện cho Scholz và Macron để thông báo rằng ông sẽ công nhận quyền độc lập của Donetsk và Luhansk. Ông Scholz cho biết ông đã cảnh báo Tổng thống Putin rằng những động thái tương tự sẽ dẫn đến vi phạm các thỏa thuận Minsk. Thủ tướng Đức cũng hối thúc nhà lãnh đạo Nga rút quân đội khỏi biên giới Ukraine-Nga để giảm căng thẳng.

Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, gọi việc công nhận các vùng lãnh thổ là "sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và các thỏa thuận Minsk". Von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết Liên minh châu Âu sẽ đáp trả bằng "các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến hành động bất hợp pháp này".

Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi thông báo của ông Putin là "một dấu hiệu khác cho thấy mọi thứ ở Ukraine đang đi sai hướng". Ông cho biết nước Anh sẽ "tiếp tục làm mọi thứ có thể để đứng về phía người dân Ukraine", bao gồm cả việc chuẩn bị các biện pháp trừng phạt và củng cố sườn phía đông của NATO.

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết động thái của ông Putin báo hiệu "quyết định của Nga là chọn con đường đối đầu hơn đối thoại". "Chúng tôi sẽ phối hợp với các nước đồng minh. Chúng tôi sẽ không để Nga vi phạm các cam kết quốc tế mà không bị trừng phạt", Truss cho biết trong một tuyên bố.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres coi quyết định của Nga là "vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine", theo một tuyên bố của Liên hợp quốc. "Liên hợp quốc, theo các nghị quyết của Đại hội đồng liên quan, vẫn hoàn toàn ủng hộ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong các biên giới được quốc tế công nhận".

Ông Guterres kêu gọi tất cả các bên tập trung vào việc chấm dứt các hành động thù địch, bảo vệ người dân và "ngăn chặn bất kỳ hành động và tuyên bố nào có thể làm tình hình nguy hiểm leo thang trong và xung quanh Ukraine, đồng thời ưu tiên ngoại giao để giải quyết mọi vấn đề một cách hòa bình".

Một phái đoàn quốc hội Mỹ vừa trở về từ Hội nghị An ninh Munich đã cam kết hỗ trợ Ukraine. "Chúng tôi với tư cách là một phái đoàn lưỡng đảng sẽ mang lại sự thống nhất và quyết tâm giữa các đồng minh Đại Tây Dương chống lại sự xâm lược của Nga. Chúng tôi cam kết bất kỳ luật bổ sung khẩn cấp nào đều là sự hỗ trợ tốt nhất cho các đồng minh NATO và người dân Ukraine, đồng thời ủng hộ tự do và an toàn trên toàn thế giới", phái đoàn cho biết trong một tuyên bố.

Nga tuyên bố rằng tình hình dọc theo Donbas đang xấu đi trong những ngày gần đây. Ông Putin đã tuyên bố rằng Ukraine đang thực hiện một "cuộc diệt chủng" ở đó và rằng ông có thể gửi quân đội để cứu người dân. Mỹ đã mô tả những tuyên bố này là một hoạt động cờ giả nhằm tạo cớ cho một cuộc tổng xung đột.

Không phải một bước tiến mới

Nhà Trắng tin rằng việc các lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tiến vào khu vực Donbas, miền đông Ukraine sẽ không phải là một cuộc xung đột với Ukraine. Được biết, quân đội Nga đã ở trong khu vực này từ năm 2014, dù Moscow vẫn phủ nhận.

Một quan chức chính quyền cấp cao nói với các phóng viên trong cuộc họp báo vào tối ngày 21/2 rằng: "Quân đội Nga tiến vào Donbas không phải là một bước tiến mới. Nga đã sắp xếp lực lượng ở khu vực Donbas trong suốt tám năm qua".

Quan chức này nói rằng Mỹ đã đoán trước được hành động gây hấn của Nga và cam kết "theo đuổi ngoại giao cho đến khi xe tăng lăn bánh". "Thật không may, chuỗi sự kiện mà Ngoại trưởng Antony Blinken đưa ra tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dường như đang diễn ra chính xác như chúng tôi dự đoán", quan chức này đề cập đến các sự kiện cờ giả, cuộc họp hội đồng bảo an của Putin và tuyên bố của các nước cộng hòa độc lập ở miền đông Ukraine.

Quan chức này cho biết: "Chúng tôi đã nhận thấy ​​một số hành động rõ ràng là do Nga hậu thuẫn cho cuộc đổ bộ tiếp theo. Điển hình như vụ nổ lớn ở miền đông Ukraine vừa xảy ra, hoặc các cuộc gọi sơ tán khẩn cấp, và những hành vi phá hoại có siêu dữ liệu hiển thị rằng chúng đã được sắp đặt từ vài ngày trước. Những nỗ lực làm giả thông tin này không đánh lừa được bất kỳ ai".

Theo Linh Chi

Cùng chuyên mục
XEM