Tổng thống Obama: Xã hội Mỹ đang bị chia rẽ vì những tin tức sai sự thật

02/12/2016 09:17 AM | Xã hội

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chó Rolling Stone, Tổng thống đương nhiệm nước Mỹ là ông Obama đã chia sẻ mối quan ngại của mình vì việc xã hội Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc, nhất là sau cuộc bầu cử Tổng thống mới

Mới đây, Tổng thống Mỹ đương nhiệm – ông Barack Obama – đã bày tỏ quan ngại của mình về việc nước Mỹ đang bị chia rẽ ngày càng sâu sắc chính do việc người Mỹ đã tiếp nhận thông tin từ quá nhiều nguồn đa chiều trên mạng.

Cụ thể, ngay tuần này, trong buổi phỏng vấn với tạp chí Rolling Stone, vị Tổng thống đã nói:"Tôi nghĩ thách thức lớn nhất liên quan đến các vấn đề về chia rẽ dân tộc lúc này là việc dân chúng đang đón nhận thông tin từ quá nhiều nguồn khác nhau”.

Điều này đặc biệt trở nên nghiêm trọng khi các luồng thông tin được đón nhận là về chính trị. Theo ông Obama, trong việc tiếp thu quan điểm chính trị, mỗi người Mỹ hầu như chỉ đọc những nguồn tin mà quan điểm đó là đúng với thứ họ đang tin tưởng, chứ không hề có sự tiếp thu, xem xét các quan điểm chính trị khác.

Ông Obama còn nhấn mạnh: “Người ta còn không buồn thảo luận với nhau về các quan điểm, thay vào đó, họ muốn áp đặt quan điểm của mình lên người khác”

Những cảnh báo này của Tổng thống Mỹ đương nhiệm không phải là không có cơ sở khi chỉ cách đây gần một tháng, một loạt các cuộc biểu tình, các làn sóng phản đối lớn chưa từng thấy đã nổ ra sau chiến thắng bất ngờ của tỷ phú Donald Trump. Đáng chú ý, những người tham gia các cuộc biểu tình này đa phần là người theo phe Dân chủ.

Lúc này, người ta đủ hiểu rằng dù đã cố xây dựng với thế giới hình ảnh một quốc gia đa chủng tộc, đa sắc thái, đa quan điểm thì sau mấy chục năm, nước Mỹ vẫn còn nguyên đó những sự chia rẽ sâu sắc,

Trong cuộc phỏng vấn, ông Obama cũng nhắc tới sự nhiều lên chóng mặt của các tin tức giả lan truyền khắp các mạng xã hội tại Mỹ.

."Trong một thời kỳ của internet như thế này, thông tin được tự do lan truyền mà không qua kiểm duyệt. Đây quả là một mối nguy hại khó giải quyết," ông Obama nói.

Làn sóng chỉ trích những tin tức giả mạo được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội được dấy lên sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có kết quả gây sốc là tỷ phú Donlad Trump đã giành chiến thắng. Theo những lời chỉ trích này, chính những tin tức giả mạo này đã truyền tải thông tin sai đến công chúng và gây ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu của họ.

Những thông tin sai có thể kể đến như “báo cáo” từ Denver Guardian (một nhà xuất bản không tồn tại) rằng một đặc vụ FBI bị tình nghi đã làm rò rỉ email từ máy chủ cá nhân của bà Hillary Clinton được phát hiện là đã tự tử hoặc bị sát hại. Với tốc độ đặc trưng của dòng chảy tin tức trên Facebook, thông tin này đã nhận được tới 100 lượt chia sẻ chỉ trong một phút trên mạng. Chưa nói cũng đủ biết việc này phương hại đến bà Clinton như thế nào.

Lúc đầu, người sáng lập Facebook là Mark Zuckerberg đã bác bỏ cáo buộc cho rằng các thông tin sai được lan truyền qua hoặc xuất xử từ mạng xã hội này đã ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Thế nhưng sau đó, công ty này bất ngờ tuyên bố rằng mình sẽ mạnh tay cấm những trang web chuyên cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật trên các công cụ quảng cáo của chính Facebook

Và rồi Facebook đã gần như không thể chối cãi khi ngay hồi đầu tháng này, một nghiên cứu từ BuzzFeed đã xác thực rằng trong suốt kỳ bầu cử, chính các tin tức giả mạo trên Facebook mới là những thứ đang người dùng internet quan tâm chứ không phải là các nguồn tin chính thống và chính xác.

Cuối cùng, trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Obama cũng thể hiện mong muốn nước Mỹ có một xã hội thông tin mà người đọc là những người thật sự hiểu biết. Chính họ sẽ tạo ra những cuộc đối thoại toàn diện về các vấn đề, chứ không phải nhiều khi là những bài báo với những tít gây sốc và truyền tải tin tức sai sự thật.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM