Tổng thống Indonesia nghĩ cách cứu đồng nội tệ khỏi rớt giá
Tỷ giá đồng Rupiah của Indonesia đã giảm về mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998...
Tổng thống Joko Widodo của Indonesia ngày 5/9 nói rằng nhiều yếu tố bên ngoài là nguyên nhân khiến đồng Rupiah của nước này sụt giá xuống mức thấp nhất 20 năm. Ông Widodo cũng nói sẽ ưu tiên tăng đầu tư và xuất khẩu nhằm kiềm chế thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia, theo đó hạn chế sự lao dốc của đồng nội tệ.
Hãng tin Reuters cho biết đồng Rupiah, cổ phiếu và trái phiếu của Indonesia đang bị bán tháo mạnh trong bối cảnh giới đầu tư toàn cầu rút khỏi các thị trường mới nổi. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng mạnh bởi sự thoái vốn đang diễn ra, do những lo ngại của nhà đầu tư về thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và nhu cầu nhập khẩu của nước này.
Theo ông Widodo, những yếu tố bên ngoài như lãi suất của Mỹ tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đang gây áp lực lên thị trường Indonesia.
"Có hai việc quan trọng là đầu tư phải tiếp tục tăng và xuất khẩu phải tiếp tục tăng, để chúng tôi có thể giải quyết thâm hụt tài khoản vãng lai", ông Widodo nói với các nhà báo trong một chuyến thăm cảng Jakarta.
Thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia trong năm 2017 tương đương 1,7% GDP. Con số này được dự báo tăng lên 2,5% trong năm nay - theo Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI).
Phát biểu trên của Tổng thống Widodo được đưa ra trong lúc tỷ giá đồng Rupiah so với USD giảm về mức 14.926 Rupiah đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998. Từ đầu năm đến nay, đồng Rupiah đã mất giá 9%.
BI cho biết đã có động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối và trái phiếu vào buổi sáng ngày thứ Tư để hạn chế sự biến động của tỷ giá.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Indonesia kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 8,423%, so với 8,340% đóng cửa ngày thứ Ba. Chỉ số chính của thị trường chứng khoán Jakarta giảm 3,1%, đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp.
Hôm thứ Ba, Chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay đối với giới đầu cơ tiền tệ, và sẽ tạm hoãn các dự án năng lượng đòi hỏi phải nhập khẩu nhiều vật tư, trang thiết bị.
Nhằm lường trước nhu cầu USD, ông Widodo đã yêu cầu các bộ xác định sẽ cần bao nhiêu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa cho các dự án hạ tầng lớn. Chính phủ Indonesia dự định sẽ hoãn khoảng 24-25 tỷ USD các dự án trạm phát điện đòi hỏi nhập khẩu nhiều vật tư, trang thiết bị. Ngoài ra, nước này cũng đưa ra các quy định nhằm buộc các công ty xuất khẩu phải giữ ngoại tệ trong nước.
Để giảm nhập khẩu dầu, Indonesia đã tìm cách tăng sử dụng diesel sinh học. Ngày thứ Tư, Chính phủ nước này dự định sẽ công bố thuế nhập khẩu hàng trăm mặt hàng tiêu dùng nhằm hạn chế nhập khẩu.