Tổng thống Biden tuyên bố sẽ xử lý những người gây ra vụ sụp đổ ngân hàng SVB
Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa sẽ bắt những kẻ gây ra vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank có qui mô lớn thứ nhì từ trước tới nay ở Mỹ, theo thông cáo từ Nhà Trắng.
Ông Biden cũng hứa sẽ nâng cao năng lực giám sát các ngân hàng và nâng cấp khuôn khổ pháp luật để tránh những sự cố tương tự trong tương lai.
"Mục tiêu chính hiện giờ là bảo vệ người gửi tiền, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính và tiền của người dân không bị nguy hiểm", ông Biden nhấn mạnh trong tuyên bố của mình.
Vụ việc phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) có một phần là hệ quả của việc Ngân hàng Trung ương Mỹ bơm hơn 4.000 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng kể từ tháng 3/2020, trong thời kỳ diễn ra dịch Covid-19.
Việc được bơm quá nhiều tiền mà chưa có kế hoạch sử dụng đã phần nào đó dẫn tới hậu quả. Khi lượng tiền gửi tăng vọt từ 102 tỷ USD lên 189 tỷ USD năm 2021, SVB đã chuyển hướng mua trái phiếu chỉnh phủ và chứng khoán được đảm bảo bởi bất động sản, những thứ được coi là các tài sản an toàn nhất thế giới.
Nhưng khi Fed buộc phải tăng lãi suất để xử lý lạm phát cao, kèm với tỷ lệ nghịch giữa lãi suất và giá trái phiếu, đã dẫn tới việc mất giá tài sản của Silicon Valley Bank.
Theo ước tính của chuyên gia kinh tế Adam Tooze, mỗi lần lãi suất tăng 25 điểm cơ bản, thì Silicon Valley Bank chịu lỗ gần 1 tỷ USD. Khi Fed tăng lãi suất tới 450 điểm cơ bản, ngân hàng này buộc phải bán tháo tài sản và chịu khoản lỗ lớn.
Hàng trăm công ty khởi nghiệp (startups) đang đứng trước nguy cơ phá sản khi phần lớn nguồn tài chính phụ thuộc vào Silicon Valley Bank, ngân hàng vừa chính thức ngừng hoạt động ngày 11/3 (theo giờ Việt Nam), đánh dấu vụ sụp đổ nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Garry Tan, Chủ tịch kiêm CEO công ty hỗ trợ khởi nghiệp Y Combinator (YC) tuyên bố: “Nếu chính phủ không can thiệp, cả một thế hệ startup (ở Mỹ) sẽ bị xóa sổ”.
Thực tế, cú sập SVB có thể khiến các startups và công ty công nghệ chịu tổn thất lên tới hàng tỷ USD.
Ngày 10/3, Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết “chưa xác định được” số tiền gửi chưa được bảo hiểm tại SVB. Trong khi đó, FDIC chỉ bảo hiểm tối đa 250.000 USD cho mỗi khoản tiền gửi có bảo hiểm. Điều này có nghĩa là, phần lớn tiền gửi của các startups tại SVB có nguy cơ bị "bốc hơi hoàn toàn".
Gary Tan đánh giá, cú sốc xảy ra ở giai đoạn được đánh giá là "không thể tệ hơn với hệ sinh thái khởi nghiệp" khi nguồn tiền bị siết chặt bởi lãi suất cao và sự bất ổn của thị trường.
"Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vốn đã bị thu hẹp trong thời gian qua. Vậy nên, đây thực sự là thời điểm rất thách thức", ông nói.
Vị CEO nhấn mạnh, trong môi trường quỹ đầy thách thức như hiện nay, các startups nhỏ đang là những đối tượng “dễ bị tổn thương” nhất.
Ông cho biết, sau cú sập SVB, nhiều lãnh đạo startups đã liên lạc với ông, bày tỏ nỗi lo sợ phải sa thải nhân viên và thậm chí đóng cửa công ty.
"Nhiều nhà sáng lập đã nhắn tin nói họ không biết làm thế nào để trả lương nhân viên vào tuần tới, cân nhắc đến việc vay cá nhân để duy trì hoạt động kinh doanh hoặc cho nhân viên tạm nghỉ”, Tan nói. "Đây là một rủi ro hiện hữu đối với nền kinh tế Mỹ trong thập kỷ tới".
"Tất cả tiền mặt của chúng tôi đều ở SVB và chúng tôi đang cố gắng tạo số dư tại Chase", Ben Kaufman, CEO kiêm đồng sáng lập startup đồ chơi Camp, chia sẻ. Từ cuối tuần qua, Camp đã quyết định giảm giá 40% các mặt hàng để huy động tiền.
Roku, nhà cung cấp dịch vụ phát trực tuyến TV, cũng trong tình trạng tương tự. “Tại thời điểm này, chúng tôi không biết có thể thu hồi tiền mặt gửi tại SVB ở mức độ nào”, người phát ngôn công ty bày tỏ lo ngại, đồng thời cho biết số tiền 487 triệu USD tại SVB chiếm khoảng 26% tiền mặt của công ty.
Stefan Kalb, CEO Shelf Engine, cho biết ông đang cố gắp tiếp cận các khoản vay và xem xét hạn mức tín dụng để duy trì “sự sống còn” cho công ty quản lý thực phẩm của mình. Theo vị CEO, khoản bảo hiểm 250.000 USD từ FDIC chỉ giúp startup duy trì thêm vài ngày, trong khi thời hạn trả lương đang đến gần.
“Nếu đến lúc đó không tiếp cận được vốn, chúng tôi sẽ phải đưa ra một số quyết định rất khó khăn”, Kalb nói.
Theo tạp chí NPR, từ khi thành lập vào năm 1983 đến nay, SVB được coi là trụ cột tài chính của giới khởi nghiệp, cung cấp dịch vụ cho gần một nửa startup công nghệ Mỹ. Tiền gửi tại ngân hàng đã tăng vọt trong những năm gần đây với vị thế ngày càng nâng cao trong hệ sinh thái VC.
"Startup tăng trưởng cao không thể đăng ký thẻ tín dụng từ những nhà cung cấp bình thường và cũng khó vay từ các ngân hàng lớn, họ chỉ có thể tìm đến SVB. Ngân hàng này cung cấp những dịch vụ mà startup không thể tìm được ở nơi khác", Stefan Kalb, CEO công ty quản lý thực phẩm Shelf Engine, nói.
SVB cũng giao dịch với nhiều công ty công nghệ nổi tiếng như Shopify, Pinterest, Fitbit, các quỹ đầu tư mạo hiểm tên tuổi như Andreessen Horowitz.