Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op: "Ai ở đâu ăn Tết ở đó sẽ là xu hướng mới của 2022"!
Xu hướng này cũng đồng thời ảnh hưởng đến sức mua, các hoạt động vui chơi, mua sắm của người dân.
Tại tọa đàm "Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm nguồn hàng, giá cả ổn định dịp cuối năm" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 28/12, Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Sài Gòn co.op cho rằng Tết năm nay, có ba điểm tác động rất lớn đối với thị trường của Sài Gòn co.op và các doanh nghiệp liên quan.
Cụ thể, "một là Tết năm nay chắc chắc du lịch từ TPHCM, từ Việt Nam ra các nước rất khó khăn. Việc di chuyển đó bà con không thực hiện được, nên tiêu dùng Tết cũng như các hoạt động vui chơi giải trí chỉ ở trong nước.
Thứ hai là việc di chuyển không tạo được làn sóng như là công nhân về quê ăn Tết. Tỉ lệ ai ở đâu ở đó ăn Tết là một xu hướng mới của 2022.
Thứ ba, chúng tôi nghĩ rằng tình hình Tết sẽ linh hoạt theo từng địa phương vì tình hình dịch bệnh xảy ra ở các địa phương cũng sẽ khác nhau".
Do đó, Tổng Giám đốc Sài Gòn co.op cho biết đã chuẩn bị tâm thế phục vụ cho giai đoạn mới, đảm bảo một cái Tết sung túc cho bà con, thừa hơn hiếu.
Đại diện doanh nghiệp cho biết đang chuẩn bị trước, trong và sau Tết là khoảng 6.000 tỷ đồng. Về tổng dung lượng hàng hóa, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm, những sản phẩm thiết yếu cho bà con có một cái Tết thực sự đủ đầy, không thiếu thốn trong dịp Tết. Đồng thời, trong cơ cấu hàng hóa, nguồn cung những hàng hóa độc lạ từ những nguồn bên ngoài phạm vi lãnh thổ sẽ gặp nhiều khó khăn, thay vào đó đẩy mạnh các mặt hàng của Việt Nam có cùng công năng, cùng chất lượng để có thể thay thế.
Ông Nguyễn Anh Đức cho hay: "Trong đợt Tết này, chúng tôi không tập trung nhiều quá về mặt hình thức mà thực chất hơn. Bà con không lo hàng hóa bị tăng giá vào dịp Tết, mặc dù trong bối cảnh cuối năm vừa qua, thị trường cũng có tăng giá nhưng với sự điều chỉnh, chuẩn bị trước về mặt nguồn hàng của Sài Gòn co.op thì những hàng hóa trong Sài Gòn co.op không lo tăng giá".
Để đảm bảo an toàn trong việc phòng chống Covid, đại diện Sài Gòn Co.op cho biết đang chú trọng giải pháp mở cửa sớm hơn, đóng cửa muộn hơn:
"Năm nay có sự khác biệt hơn là thông thường 2 tuần cuối cùng của năm, chúng tôi mới tăng giờ mở cửa, nhưng năm nay ngay từ đầu năm vào thời điểm trước Tết 3 tuần chúng ta đã có những giãn cách phù hợp. Việc giãn cách này song song với việc đăng ký cho bà con có kế hoạch mua sắm vào thời điểm không nên tập trung đông người; mà trong từng cụm dân cư sẽ có những ưu tiên hàng hóa để đi mua sắm theo đúng khung giờ đó để tránh tiếp xúc.
Thực ra việc phải áp dụng các giải pháp này khiến bà con khá chùn chân, chắc chắn nếu có giải pháp trực tiếp đi mua sắm tại siêu thị thì bà con sẽ chọn giải pháp này. Do đó, chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho những giải pháp mua sắm trực tiếp tại cửa hàng và bảo đảm tất cả việc mua sắm đó ưu tiên hàng đầu là an toàn sức khỏe cho bà con, tránh lây nhiễm bệnh".
Trong khi đó, đại diện Công ty Vissan cũng khẳng định đã chuẩn bị một nguồn hàng lương thực thực phẩm tương đối đầy đủ, cam kết bình ổn giá trước, trong và sau Tết.
"Năm nay Công ty Vissan chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm tươi sống là 2.800 tấn, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ; mặt hàng thực phẩm chế biến là 4.200 tấn, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Với sản lượng này, chúng tôi cam kết đủ cung ứng hàng cho người dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Ngoài ra, Công ty Vissan cũng chuẩn bị thịt heo đông lạnh khoảng 1.000 tấn, đóng gói 2 quy cách là 2 kg và 1 kg, dùng cho trường hợp nếu có biến động về nguồn thịt, chúng tôi sẽ đưa lượng hàng này ra thị trường để đáp ứng lượng hàng thiếu hụt đó", ông Phạm Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan chia sẻ trong tọa đàm.