Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới

07/11/2017 16:16 PM | Xã hội

Là một diễn giả tại Vietnam Business Summit 2017 sáng nay (7/11), Tổng giám đốc PricewaterhouseCoopers (PwC) Đinh Thị Quỳnh Vân đem tới tin tốt lành cho các nhà đầu tư. Các nghiên cứu, đánh giá gần đây của PwC đều cho thấy Việt Nam là thị trường mới nổi hàng đầu.

Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Tham dự Vietnam Business Summit 2017, bà Đinh Thị Quỳnh Vân mang đến báo cáo Spotlight on Vietnam (Tiêu điểm Việt Nam) với nhiều thông tin tích cực. Trong phần trình bày của mình, bà Vân nhấn mạnh những nhân tố tiềm năng của đất nước hình chữ S.

Trao đổi với báo Trí Thức Trẻ, TGĐ PwC cho biết trong tương lai sẽ có sự dịch chuyển quyền lực kinh tế từ các nước đã phát triển sang các nền kinh tế mới nổi và các khu vực khác. Nhóm E7 gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng trưởng trung bình 3,5% trong 34 năm tới, cao hơn mức 1,6% của nhóm G7 (gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Anh và Mỹ).

Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 2.

Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 3.

Tuy không nằm trong nhóm E7 nhưng theo bà Vân, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm có tăng trưởng lớn mà theo đánh giá của PwC Việt Nam sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2050.

Cụ thể, vào năm 2050, PwC dự báo Việt Nam có thể lọt vào danh sách 20 nền kinh tế đứng đầu trên thế giới và 10 nền kinh tế đứng đầu châu Á (Thứ hạng dựa trên GDP tính theo sức mua tương đương – PPP).

Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 4.

Lãnh đạo của PwC cũng cho biết có ba động cơ tăng trưởng chính thúc đẩy chính cho sự tăng trưởng này của Việt Nam.

Thứ nhất là lực lượng lao động. Tại Việt Nam, lực lượng lao động có trình độ đang gia tăng và hiện ở cấu trúc dân số tốt nhất với 45% dưới 30 tuổi.

Thứ hai, Việt Nam là nền kinh tế cạnh tranh, không chỉ vì chi phí thấp. Lực lượng lao động tại Việt Nam không những có chi phí cạnh tranh mà còn có trình độ chuyên môn và kỹ năng ngày càng tăng cao. Điều này khiến Việt Nam trở thành một cơ sở sản xuất lý tưởng cho các công ty đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi các nền kinh tế lớn hơn như Trung Quốc.

Thứ ba, Việt Nam có môi trường chính trị-xã hội ổn đinh, và các chính sách về kinh doanh và thương mại là có thể dự đoán được. Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm của chính phủ đã mang đến những cải thiện trong môi trường cạnh tranh của Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 60 trong 138 nền kinh tế trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu 2016- 2017, một sự cải thiện ấn tượng, tăng 15 hạng so với giai đoạn 2012-2013.

"Tăng trưởng tại Việt Nam chủ yếu dựa trên nền tảng tăng trưởng GDP thực tế bình quân đầu người. Điều này cho thấy rằng đầu tư vốn và sự tiến bộ về công nghệ sẽ mang đến hiệu suất lao động hữu hình, làm tăng lợi ích", bà Vân cho biết.

Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 5.

"Nhìn từ góc độ các nhà đầu tư thì Việt Nam thực sự hấp dẫn", bà Quỳnh Vân chia sẻ. Bởi lẽ các thị trường phát triển đã rơi vào điểm bão hoà; trong khi đó, Việt Nam mới chỉ manh nha, tiềm năng, dư địa còn rất lớn.

"Mọi người hay nói rằng Việt Nam khó khăn, nhưng phải hiểu khó khăn mới chính là cơ hội với nhà đầu tư. Đứng ở khía cạnh người làm kinh doanh sẽ có con mắt khác hẳn", bà Vân nhấn mạnh. Nhà đầu tư nhìn nhận nơi nào nhu cầu vượt cung thì đó là cơ hội, còn trong trường hợp cung vượt cầu thì dư địa sẽ không còn bao nhiêu.

Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 6.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân cho rằng Việt Nam đang sở hữu năm lĩnh vực có cơ hội tăng trưởng lớn nhất hiện nay.

Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 7.

Một là lĩnh vực thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO), với tốc độ tăng trưởng từ 20% đến 35% hàng năm trong thập niên qua. Ngành BPO có sự thuận lợi về nhân lực khi có 40.000 cử nhân công nghệ thông tin gia nhập thị trường lao động hàng năm. Về dài hạn, triển vọng ngành này còn rất lớn do vẫn khá non trẻ và quy mô thị trường mới hơn 2 tỷ USD. Trong khi đó, ở Ấn Độ đây là thị trường 143 tỷ USD.

Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 8.

Hai là là ngành năng lượng mặt trời và năng lượng gió hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu điện gia tăng. Hiện nay, nguồn thủy điện trong nước đã gần như khai thác tối đa trong khi các nhà máy điện sử dụng tua bin khí và than đang dựa vào nguồn nguyên liệu đắt đỏ và giới hạn.

Ba là khách sạn cao cấp. Số liệu của JLL cho thấy số phòng khách sạn mới năm 2017 tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt là 1.000 và 843 trong khi con số này ở Manila hay Jakarta là hơn 3.100 phòng.

Tổng giám đốc PwC nhận định số lượng khách nước ngoài đến du lịch ngày càng tăng và sự tăng trưởng về chi tiêu của tầng lớp trung lưu đồng nghĩa với tiềm năng đầu tư lớn vào ngành khách sạn cao cấp.

Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 9.

Bốn là ngành nông nghiệp hiện đại và công nghiệp thực phẩm. Chính phủ Việt Nam đang kỳ vọng vào vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao trình độ kỹ thuật của nông nghiệp và giúp nông dân tiếp cận công nghệ hiện đại nhiều hơn. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng chuộng các loại thực phẩm đóng gói và đã qua chế biến với chất lượng và tính tiện dụng cao.

Năm là lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. PwC cho rằng sự rút lui của ANZ khỏi lĩnh vực ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam không có nghĩa tiềm năng của ngành này đang kém. Thậm chí, mảng ngân hàng bán lẻ của ANZ đang rất tốt nên được một công ty tài chính Hàn Quốc mua lại. Nhu cầu của hàng loạt sản phẩm ngân hàng bán lẻ được dự báo sẽ tăng cao như bảo hiểm qua ngân hàng hay quản lý tài sản. Điều này là nhờ tầng lớp trung lưu tăng trưởng mạnh.

Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 10.

"Các nhà đầu tư cần hiểu được các tiềm năng, cơ hội, thách thức cũng như mức độ phức tạp của thị trường để có thể thành công tại Việt Nam. Tư duy ‘Một giải pháp áp dụng cho mọi hoàn cảnh’ sẽ không hiệu quả nếu các nhà đầu tư mong muốn tăng trưởng bền vững ở đất nước năng động này. Vì vậy, việc hiểu những điểm khác biệt của Việt Nam so với các nền kinh tế khác sẽ giúp các doanh nghiệp nước ngoài xây dựng được chiến lược tiếp cận thị trường khả thi và thành công", bà Quỳnh Vân nhận xét.

Nhiều lần nhấn mạnh đến tiềm lực, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, tuy nhiên Tổng giám đốc PwC cũng nói thẳng "các tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả".

Tổng giám đốc PwC Việt Nam: Năm 2050 Việt Nam có thể nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới - Ảnh 11.

Bức tranh 2050 theo cách vẽ của PwC là rất đẹp và rực rỡ nhưng nó phụ thuộc vào việc Việt Nam có chính sách tốt, đầu tư nguồn lực tốt vào những tiềm năng đang sẵn có hay không. Nếu không thực hiện được là một sự đáng tiếc rất lớn bởi theo bà Vân, không phải quốc gia nào cũng có được những lợi thế mà Việt Nam đang có.

Xét ở tầm vi mô, nếu doanh nghiệp Việt không nhìn nhận, nắm bắt được cơ hội, thị trường trong nước sẽ là cuộc chơi của các doanh nghiệp ngoại vì cánh cửa hội nhập đã mở toang. Còn nếu xét ở tầm vĩ mô, nếu Việt Nam không nhanh chóng cải thiện thì sẽ thua cuộc trước các quốc gia khác.

Theo Phương Ánh

Cùng chuyên mục
XEM