Tổng Giám đốc Intel: "Việc chúng tôi đến Việt Nam đầu tư và hoạt động đã là một thành công cực kỳ lớn"

26/08/2020 08:45 AM | Kinh tế vĩ mô

Tại diễn đàn Diễn đàn Doanh nghiệp TP.HCM - Hoa Kỳ diễn ra hôm nay, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, ông Kim Huat Ooi cho biết, đây là cột mốc đánh dấu sự khởi đầu của chuỗi cung ứng công nghệ tại Việt Nam.

Trong phiên thảo luận với chủ đề: "Đầu tư vào chuỗi cung ứng công nghệ của TP.HCM cũng như đầu tư vào công nghệ ở Việt Nam", Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam, bà Mary Tarnowka cho biết việc Intel Products Việt Nam đầu tư công nghệ cao vào năm 2006 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở đường cho Samsung và rất nhiều công ty công nghệ cao khác đầu tư vào TP.HCM.

Hiện nay, Intel Products đã đầu tư hơn 1 tỷ USD và đã tạo ra hơn 5.000 công ăn việc làm, đặc biệt là đối với các nhân viên hợp đồng.

Phó Chủ tịch Sản xuất và Vận hành kiêm Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam, ông Kim Huat Ooi cũng đã chia sẻ về câu chuyện của Intel khi bắt đầu tham gia đầu tư tại TP.HCM năm 2006.

Intel được biết đến là công ty công nghệ cao đầu tiên đã đầu tư khoảng trên 1 tỷ USD vào TP.HCM. Theo ông Kim Huat Oo, con số này không phải là con số cuối cùng, mà Intel đang có các dự định lớn hơn nữa trong tương lai gần.

4 lý do khiến Intel chọn TP.HCM là điểm đến đầu tư 

Tổng Giám đốc Kim Huat Ooi cho biết: "Ngoài Việt Nam, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan cũng đã có lời mời Intel đến đầu tư. Khi lựa chọn các điểm đến đầu tư, chúng tôi phải cân nhắc về những yếu tố khác nhau".

Theo đó, ông chỉ ra 4 yếu tố giúp Intel chọn Việt Nam: Thứ nhất đó là sự ổn định về chính trị. Ông Kim Huat Ooi cũng chỉ ra rằng đại dịch Covid-19 vừa rồi là một minh chứng điển hình cho điều này.

"Ví dụ như hiện nay, Malaysia đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến đại dịch. Nhưng chúng ta có thể thấy rõ Việt Nam hành động rất nhanh chóng, đặt ra những chính sách mạnh mẽ, ngay cả trong làn sóng đại dịch lần 2 này Việt Nam cũng đang thực hiện rất tốt trong việc kiểm soát đại dịch".

Do vậy, trong nửa đầu năm 2020, Intel vẫn tiếp tục vận hành và thậm chí khối lượng sản xuất của Intel đã tăng 30%, đóng góp vào 3/4 tổng khối lượng sản xuất chung.

Thứ 2, TP.HCM là thành phố rất sáng tạo, cực kì cởi mở đối với công nghệ mới và luôn chào đón những giải pháp mới.

Yếu tố thứ 3 đó là các chính sách ưu đãi mà Chính phủ đã ban hành.

Yếu tố cuối cùng chính là cơ sở hạ tầng của TP.HCM.

Ông Kim Huat Ooi khẳng định: "Vì vậy, tôi cho rằng việc chúng tôi đến Việt Nam đầu tư và hoạt động đã là một thành công cực kỳ lớn".

Lợi thế từ Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP)

Người đứng đầu Intel Việt Nam nhấn mạnh: "Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã trở thành nơi cung cấp toàn bộ mọi dịch vụ mà chúng tôi cần. Bắt đầu từ một mảnh đất trống, giờ đây nơi này đã trở thành Khu công nghệ cao cung cấp số lượng lớn các dịch vụ đáp ứng được mọi nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là một điều rất tuyệt với đối với các doanh nghiệp nước ngoài".

"Với nền tảng này, chúng tôi đã xây dựng không những chỉ nhà máy lắp ráp mà còn là các cơ sở thử nghiệm lớn nhất tại TP.HCM, thậm chí có thể là lớn nhất đối với Intel Products trên toàn cầu", ông nói thêm.

Ngoài ra, Intel cũng đã tạo ra 5.000 công ăn việc làm với tay nghề cao, sản xuất ra 2 tỷ đơn vị sản phẩm vào tháng 3 năm nay.

Điều này có nghĩa là mỗi giây Intel đang sản xuất ra được 25 đơn vị sản phẩm là các chip  bán dẫn, các chip xử lý trong máy tính và thiết bị điện tử.

Phát triển bền vững đi kèm với bảo vệ môi trường

Liên quan đến các vấn đề về môi trường, ông Kim Huat Ooi cho rằng đây là những vấn đề ngày càng trở nên quan trọng hơn và Việt Nam nên tiếp tục củng cố các luật lệ và chính sách liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường.

Ông nêu rõ: "Hiện nay đang có rất nhiều đầu tư FDI đang đến với Việt Nam và rất nhiều quốc gia khác cũng đang mong muốn thu hút FDI. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường để có thể phát triển một cách bền vững".

Người đại diện Intel chỉ ra điều quan trọng hiện nay đó là chuỗi cung ứng công nghệ.

"Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ. Vì vậy, đây chưa phải là điểm kết thúc mà chắc chắn chỉ mới là khởi đầu", ông Kim Huat Ooi kết luận.

Q.L

Cùng chuyên mục
XEM