"Tôi muốn có nhà, có xe, có tiền đi du lịch, có cuộc sống sung túc ở tuổi 30": Giấc mơ là điểm xuất phát, nỗ lực chính là hành trình!
Dù đến tận cùng con đường đi nữa vẫn sẽ là đường. Là do bạn tự tạo ra hay chờ người khác tới tạo, đó là quyết định của bạn, cũng là tương lai của bạn.
Trong thời đại hiện nay, bạn đã không cần dựa vào việc làm tại một công ty lớn để chứng tỏ năng lực bản thân nữa. Bởi vì bạn có thể phát triển sự nghiệp của mình bằng nhiều cách, kiếm thật nhiều tiền mà không cần đến công ty.
Tương tự, con đường chỉ càng ngày càng bằng phẳng hơn khi bạn dám chủ động bước đi ra thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, trong giới trẻ hiện nay, tôi thường thấy có nhiều người, làm việc thì ít mà mộng mơ thì nhiều.
1. Đừng để sau này phải hối hận vì khi còn trẻ không đủ nỗ lực
Mấy hôm được nghỉ Tết, tôi cùng bố tôi tâm sự với nhau. Tôi hỏi ông ấy cả đời này, câu nói muốn nói với tôi nhất là gì? Bố tôi đáp một câu khiến tôi khá bất ngờ, ông bảo:
"Đừng khiến bản thân sau này phải hối hận vì lúc trẻ không nỗ lực đủ. Tuổi trẻ là giai đoạn tốt nhất để phấn đấu, nếu con có ước mơ thì nhất định phải cố gắng hết sức để thực hiện nó."
Tuổi trẻ một khi qua đi sẽ không bao giờ trở lại, mà thứ xã hội luôn đòi hỏi ở chúng ta chính là giá trị con người phải tăng theo tuổi tác. Nếu không, bạn chỉ trở thành kẻ vô dụng.
Có thể hiện tại bạn đang vô cùng áp lực và khổ sở, nhưng những nỗ lực ngày hôm nay sẽ trở thành vụ lúa bội thu cho bạn mai sau.
Bạn nghĩ rằng chỉ cần theo đuổi công việc ở một công ty lớn, nhận mức lương chết hàng tháng, đó là ổn định tuyệt đối sao?
Nếu bạn cảm thấy bản thân ngày càng già dặn kinh nghiệm thì đúng.
Nhưng nếu bạn trở thành một "cỗ máy" được lập trình sẵn. Mỗi ngày đến công ty: quẹt thẻ chấm công, ngồi vào bàn làm việc, dọn dẹp sơ qua, bật máy tính kiểm tra mail, làm các nhiệm vụ sếp giao hôm nay, hoàn thành xong thì ngồi chờ giờ tan ca.
Nghiêm túc mà nói, nếu bạn đang ở trong trạng thái như vậy, sau này nếu đối mặt với các sự cố bất ngờ, sẽ rất khó đứng dậy.
Bởi vì dần dần, kiến thức của bạn sẽ trở nên hạn hẹp hơn rất nhiều.
Bạn có thể chưa nhận ra điều đó, nhưng đừng quên, dù bạn đang làm việc trong một công ty lớn đi nữa, nhưng đồng thời bạn cũng đang sống trong một xã hội phát triển nhanh chóng!
Nếu muốn có cuộc sống chất lượng hơn người xung quanh, thì bạn phải dám nhảy ra khỏi vùng an toàn của mình, tìm đến vùng đất mới.
Khi còn trẻ, hãy cố gắng tích lũy kiến thức, trang bị và hoàn thiện cho bản thân kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm càng sớm càng tốt. Học hỏi không ngừng sẽ giúp bạn không cần phụ thuộc vào môi trường, mà chỉ phụ thuộc vào bản thân.
2. Đã tay trắng rồi thì còn sợ cái gì? - Nothing to lose
Anh bạn Lập Đông của tôi năm nay 35 tuổi, là ông chủ nhiều căn hộ, chung cư ở thành phố. Tính cách cởi mở, phóng khoáng, gan dạ, và đặc biệt là dám nghĩ dám làm.
Để có được ngày hôm nay, tôi không biết anh ấy đã phải vấp ngã bao nhiêu lần, nhưng tôi hiểu rõ quãng đường anh ấy đã đi qua thực sự không dễ dàng chút nào.
Từ người làm công thành ông chủ, rồi lại từ ông chủ biến thành người phục vụ trong các quán cà phê với mức lương ít ỏi 15k/ giờ.
Lập Đông từng làm qua rất nhiều việc, năm 27 tuổi, anh ta từng sở hữu một cửa hàng cà phê riêng. Nhưng khoảng thời gian sau do cạnh tranh không lại những cửa hàng khác, khiến kinh doanh thua lỗ, anh lại phải trở về làm công như trước đây.
Bạn bè cũng từng khuyên anh ấy, tốt nhất nên kiếm cái công việc ổn định để nuôi lấy thân. Đừng nghĩ đến chuyện kinh doanh nữa, thời buổi này ai cũng ra kinh doanh hết thì lấy ai làm công.
Ngay cả gia đình anh ấy cũng không ủng hộ.
Cũng phải, kinh doanh cũng như việc mua vé số, đâu phải ai cũng có thể trúng giải độc đắc.
Nhưng mà bạn từng nghĩ qua chưa, mặc dù biết giải độc đắc khó trúng, nhưng rất nhiều người vẫn lao vào mua vé số đấy thôi.
Ba tôi lúc trước là một người nghiện thuốc lá nặng, sau này, ông lại thêm một "tật xấu" là thích mua vé số. Mẹ tôi cũng thường trách ông như thế sẽ tốn tiền tốn bạc, nên sau đó ba tôi đã dùng tiền mua thuốc lá để mua vé số. Kết quả thế nào?
Hai năm sau, dù ba tôi vẫn chưa trúng độc đắc, nhưng ông đã bỏ được thói quen nghiện thuốc lá. Thế nên, đây lại là trường hợp tốt.
Kinh doanh cũng vậy, dù bạn thất bại vài lần đi nữa, nó cũng để lại cho bạn bài học xứng đáng. Bạn không phải kẻ vô dụng, bạn là một người từng trải đáng để người khác học hỏi!
3. Không có nỗ lực nào là uổng phí
Là một người bình thường, tôi cũng từng phải trải qua nhiều chuyện bất đắc dĩ như mọi người.
Khi còn đi học, tôi có một thói quen mà bạn bè tôi thường gọi đó là "tật xấu". Tôi không thích việc copy bài người khác, hoặc giở tài liệu trong giờ kiểm tra, tôi thà để bản thân hai mắt thâm quầng vì thức đêm học bài chứ vẫn không gian lận.
Lúc đó, những bạn hiểu tôi thì bảo tôi quá trung thực, những bạn không hiểu thì bảo tôi chảnh, thích "phô diễn".
Tôi cũng lười giải thích.
Mặc dù tôi không nhớ được hết mọi kiến thức, nhưng việc đó thực sự giúp ít cho tôi rất nhiều. Bởi vì nhờ vốn kiến thức tự mình tích lũy được, lên đại học, trong khi bạn bè làm phục vụ quán, phát tờ rơi, tôi có thể chọn công việc nhẹ nhàng hơn, đó là đi dạy học.
Đừng nghĩ rằng nỗ lực bản thân bỏ ra sẽ uổng phí, bởi vì chúng đều đang được tích lũy từng ngày. Hãy quên đi thất bại, nhưng hãy nhớ bài học từ sự thất bại đó.
Nếu bạn thấy cuộc sống quá yên ả, đó chỉ là sự yên bình trước cơn bão táp.
Nếu bạn thấy tiếc những công sức đã bỏ ra mà chưa được hồi đáp, đó là bởi vì bạn chưa đủ nỗ lực. Nếu nỗ lực tích lũy đủ rồi, bạn sẽ lập tức nhận được món quà tương xứng cho chính mình.
Nên nhớ, dù đến tận cùng con đường đi nữa vẫn sẽ là đường. Là do bạn tự tạo ra hay chờ người khác tạo, đó là quyết định của bạn, cũng là tương lai của bạn.
Còn tôi, chỉ muốn khuyên bạn một câu:
"Nếu chỉ muốn thành công mà không chịu bỏ công sức ra làm, vậy mãi mãi cũng không thể lấy được quả ngọt.
Nếu chỉ ngồi không mà mơ ước, mọi từ điển trên đời đã không còn 2 chữ NỖ LỰC nữa rồi."