“Tôi không đồng ý với quan điểm, cứ sốt đất là kêu do môi giới BĐS”
Đó là nhấn mạnh của ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam khi chia sẻ về nguyên nhân gây nên những cơn sốt đất từ trước đến nay.
Ông Lâm cho rằng, cứ mỗi lần sốt đất là thị trường "đổ lỗi" do môi giới BĐS. Quan điểm này là chưa hoàn toàn đúng. Môi giới là người trung gian giữa bên bán và bên mua. Nếu sốt đất, lực lượng này đóng vai trò tác động một phần chứ không phải hoàn toàn sốt đất là do môi giới.
"Môi giới BĐS là một thành phần cấu thành trong cơn sốt đất chứ nói môi giới gây nên sốt đất là không đúng", ông Lấm nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, cơn sốt đất diễn ra ở các địa phương, cục bộ hay toàn thị trường thời gian qua cần nhìn nhận vai trò của các bên. Đó là vai trò của bên mua (bên cầu). Nhiều nhà đầu tư kì vọng vào lợi nhuận khi đầu tư BĐS, môi giới là lực lượng giúp sức cho họ đạt được kì vọng này.
Bên đi mua, trong đó có nhiều nhà đầu cơ đi trước mong muốn có lợi nhuận, liên tục thúc đẩy sự tăng trưởng về giá bán, khiến mặt bằng giá có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Như vậy để thấy, không phải môi giới là lực lượng "khuynh đảo" thị trường, gây nên cơn sốt đất mà còn có sự tham gia của cả bên mua.
Cùng với đó, cơ quan ban ngành địa phương cũng có tác động vào các cơn sốt đất cục bộ diễn ra ở mỗi địa phương. Theo ông Lâm, nếu có cơ chế quản lý minh bạch, công khai thì rất khó diễn ra cơn sốt đất.
Ông Phạm Lâm
Ông Lâm cho rằng, thực tế phải nhìn nhận, sốt đất là hiện tượng lặp đi lặp lại trên thị trường BĐS. Việc sốt đất ở các địa phương cũng có cơ sở, mà hệ luỵ do vượt quá kì vọng lợi nhuận nên thành sốt ảo. Nhưng, không thể phủ nhận những khu vực sốt đất thường là địa phương có triển vọng phát triển hoặc một đột phá nào đó, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, mới có thể gây nên cơn sốt đất. Còn những vùng hẻo lánh, không có động lực phát triển nào thì có huy động hàng ngàn môi giới về cũng không ai tin, cũng không thể sốt được.
Chẳng hạn như, theo ông Lâm, một khu vực được quy hoạch phát triển sân bay, nhà đầu tư nhìn thấy triển vọng trong tương lai. Họ ồ ạt đổ về, môi giới giúp sức để họ tìm hiểu, mua bán đất đai. Vì thế, nếu nói một mình môi giới khuấy động tạo cơn sốt đất là chưa chính xác.
Riêng hoạt động môi giới cần có mã số hành nghề, quy định trách nhiệm của môi giới trong việc tư vấn cho khách hàng. Cùng với đó, bản thân môi giới sống với nghề cần liên tục trau dồi kiến thức, am hiểu sâu rộng phục vụ khách hàng ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Trải qua nhiều thăng trầm với nghề môi giới bất động sản, ông Phạm Lâm kỳ vọng thị trường này Việt Nam sẽ ngày càng minh bạch, chuẩn mực hơn khi có đội ngũ môi giới được cấp mã số hành nghề.
Ông Lâm cho rằng môi giới lâu nay được xem là cánh tay đắc lực cho chủ đầu tư nhưng thực tế đã có không ít những câu chuyện không vui xảy ra, mà đa phần các doanh nghiệp môi giới thường chịu thiệt.
Theo ông Lâm, cứ hễ sốt đất là kêu do môi giới BĐS là chưa đúng
Hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người làm môi giới bất động sản nhưng chỉ 10% trong số đó có chứng chỉ hành nghề. Điều này đã tạo bức tranh xám, không tốt cho thị trường vì đội ngũ chưa chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ chưa thể chuẩn. Đau đáu về điều này, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam, ông Lâm cho biết ông đã nhiều lần đề xuất các cơ quan chức năng việc cấp mã số hành nghề để định danh như một nghề, để hoạt động môi giới bất động sản được nâng tầm.
"Tôi mong muốn chứng chỉ hành nghề môi giới được nâng lên như thẻ hành nghề, được luật hóa cho hoạt động môi giới và được quản lý bằng công nghệ. Sau khi cấp chứng chỉ, người môi giới khi đến các phòng công chứng sẽ để lại đây mã số để xác nhận thông tin khi giao dịch. Đặc biệt, thẻ này có vai trò bảo vệ cho chính người làm nghề vì họ đảm trách thông tin, sự hiểu biết của mình để tư vấn cho khách hàng nên họ cũng phải có quyền có được thông tin chuẩn xác từ chủ đầu tư" - ông Lâm chia sẻ.