Tới Hà Nội, nhà khoa học lừng danh thế giới kể về quá khứ bị ruồng bỏ

20/01/2022 21:30 PM | Xã hội

Bị chế nhạo suốt nhiều năm, trường đại học đuổi việc 3 lần, chồng phải sửa ô tô, sửa điện nước kiếm tiền cáng đáng cuộc sống, nhưng GS Katalin Kariko chưa bao giờ từ bỏ niềm tin.

Để rồi khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bà tự tin trở thành "người hùng" cứu thế giới.

Nhà báo Thanh An đã có cuộc trò chuyện đặc biệt với người phụ nữ vừa được vinh danh đi đầu trong hành trình khám phá khoa học đời sống năm 2021. Hiện tại, bà đang có mặt ở Hà Nội để tham dự sự kiện tuần lễ VinFuture nhằm truyền thông điệp quan trọng đến học sinh, sinh viên Việt Nam. Kính mời độc giả đón đọc để hiểu hơn về hành trình đột phá của GS. Katalin Kariko.

 Tới Hà Nội, nhà khoa học lừng danh thế giới kể về quá khứ bị ruồng bỏ - Ảnh 1.

Thanh An: Rất vui mừng được chào đón bà đến với Hà Nội để tham dự sự kiện Tuần lễ VinFuture. Mọi trải nghiệm của Giáo sư ở Thủ đô của chúng tôi ổn chứ?

Bà Katalin Kariko: Nếu muốn bạn có thể gọi tôi là Kat. Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng một cuộc trò chuyện lại nhất thiết bắt đầu với tư cách là một giáo sư.

Tôi rất vui được có mặt tại đây hôm nay để cùng các đồng nghiệp của mình trên toàn thế giới chúc mừng một sự kiện khoa học do người Việt Nam khởi xướng. Trường đại học Pennsylvania, nơi tôi công tác 24 năm luôn hết sức ủng hộ những ý tưởng nhằm kết nối các phát kiến khoa học công nghệ mang lại lợi ích to lớn cho xã hội như giải thưởng VinFuture.

Hơn nữa, tôi biết đến Việt Nam đã rất lâu rồi, qua những người bạn là du học sinh Việt Nam ở Hungary. Ấn tượng nhất đấy là các bạn ấy rất chăm học. Chính vì vậy tôi dành cả một tuần lễ tại Hà Nội nhằm truyền đi thông điệp rất quan trọng đến học sinh, sinh viên Việt Nam. Rằng việc chúng ta sinh ra trong gia đình giàu có hay nghèo đói, ở một đất nước phát triển hay chiến tranh không thực sự quan trọng.

Tôi muốn các em nhìn thấy câu chuyện tôi - dù không có tài năng đặc biệt nào, lớn lên trong một gia đình cha mẹ chỉ học hết cấp 1, không có nước sạch, không có tivi, thất bại và bị từ chối quá nhiều... nhưng vẫn chứng minh được điều mình tin tưởng. Vì vậy, này các bạn học sinh, sinh viên, xuất phát điểm của chúng ta như thế nào không hề quan trọng. Quan trọng là các em dành tâm trí của mình cho việc học. Các em có thể thành công hơn bất cứ ai trên thế giới này.

 Tới Hà Nội, nhà khoa học lừng danh thế giới kể về quá khứ bị ruồng bỏ - Ảnh 2.

Thanh An: Nhà khoa học nữ ở nước tôi khi phân lập ra vi rút Sars-CoV-2 đã nấu thịt bò mời đồng nghiệp để cảm ơn họ đã tin tưởng và đồng hành cùng bà ấy. Còn bà đã làm gì vào thời khắc công nghệ mRNA được thừa nhận, rồi người ta dùng công nghệ của bà để sản xuất ra vắc xin Covid-19 chỉ trong một ngày thôi?

Bà Katalin Kariko: Khi biết rằng vắc xin có hiệu quả, tôi nói với chồng: "Em đã bảo mà!" Sau đó, tôi ăn hết luôn một thanh sô cô la và thấy nó rất ngon.

Ôi bạn ơi, tôi từng khẳng định với tất cả mọi người rằng vắc xin bằng mRNA luôn luôn có hiệu quả. Nó an toàn hơn, ít tác dụng phụ hơn so với các loại vắc xin được sản xuất theo công nghệ cũ mà con người từng biết.

Thực tế thì khái niệm mRNA đã được dạy cho học sinh phổ thông. Bài giảng sinh học đã nói rằng mRNA có chức năng truyền đạt thông tin quy định cấu trúc của protein. Chữ "m" chỉ đơn giản là viết tắt cho từ thông tin (messenger - PV).

Để dễ hiểu, có thể hình dung quá trình tổng hợp mỗi protein trong cơ thể con người giống như giải một bài toán phức tạp, mRNA là cuốn sổ tay công thức toán học. Nếu loài người tạo ra được vaccine dưới dạng mRNA nhân tạo, khi tiêm vào cơ thể, mRNA sẽ nguỵ trang giống như một kẻ lạ lẻn vào âm thầm xây dựng một hệ thống phòng thủ là những protein kháng thể, để khi virus tấn công sẽ bị hệ thống ấy tiêu diệt.

Với mRNA, thế giới sẽ không dừng lại ở sản xuất vắc xin. Tương lai không xa, hàng loạt căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, tai biến, HIV... hứa hẹn sẽ được "thanh toán".

Nhưng cũng đã từng có thời chẳng một ai tin chúng tôi. Chế nhạo đã đành, người ta còn làm những việc khiến tôi cảm giác như cần phải đấm hay sút vào một cái gì đó.

 Tới Hà Nội, nhà khoa học lừng danh thế giới kể về quá khứ bị ruồng bỏ - Ảnh 3.

Thanh An: Bà mạnh mẽ và đầy cảm xúc hơn những gì tôi tưởng tượng về một nữ khoa học gia được thế giới ca ngợi là lỗi lạc!

Bà Katalin Kariko: Bạn biết đấy, công nghệ mRNA là trọng tâm nghiên cứu của cuộc đời tôi.

Ngay từ thời còn làm việc tại Trung tâm nghiên cứu sinh học của Học viện Khoa học Hungary ở Szeged, tôi đã theo đuổi công nghệ mRNA. Tuy nhiên, đó là lĩnh vực đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều. Hungary những năm 1980 mặc dù là quốc gia cởi mở nhất trong khối Liên Xô cũ, nhưng cũng chẳng có tiền để tài trợ cho những nghiên cứu lớn. Tuổi 30 với lần đầu tiên thất nghiệp tôi lao vào tìm kiếm mọi cơ hội ở châu Âu, nhưng không nơi nào chịu nhận.

Năm 1985, tôi tìm mọi cách đến Mỹ và được nhận vào làm việc tại Đại học Temple với mức lương khoảng 17.000 USD/năm. Nhưng chẳng bao lâu sau nhóm của chúng tôi bị giải tán vì hết kinh phí tài trợ - đấy là lần thất nghiệp thứ hai.

Năm 1989, khi tới Đại học Pennsylvania làm việc, tiền lương của tôi là khoảng 40.000 USD/năm. Và phải mãi đến năm 2010 tôi mới được trả 60.000 USD/năm. Nghĩa là tôi mất 20 năm để được tăng 20.000 USD tiền lương. Đây là quãng thời gian cực kỳ khó khăn của tôi. Lương rất thấp và không ai tin vào điều mình đang làm.

Trong khi đó tất cả những gì tôi phải chi trả như phí bảo hiểm y tế và thậm chí đến cả vé đỗ xe đều tăng theo cấp số nhân. Tôi phải thường xuyên động viên bản thân rằng, ôi mình thật là may mắn. Bởi vì ngoài việc đến phòng thí nghiệm thì chẳng còn bất kỳ sở thích nào. Vậy nên tôi không hề phải tiêu tiền cho thứ gì ngoài phí bảo hiểm và vé đỗ xe.

Nhưng mọi thứ trở nên tội tệ hơn vào năm 1995, đề tài nghiên cứu của tôi không nhận được nguồn tài trợ trong khi nhà trường vẫn phải trả lương cho tôi. Kết quả, Đại học Pennsylvania ra quyết định cắt giảm lương hàng năm với tôi. Lúc này tôi bắt đầu nghi ngờ bản thân: "Có lẽ mình không giỏi, mình không đủ thông minh". Nhưng rồi tôi lại cố gắng tự nhủ: "Mọi thứ đã ở ngay trước mắt! Nào hãy làm thí nghiệm tốt hơn chút xíu nữa đi!"

Chính vì vậy mà tôi lựa chọn ở lại và nhận mức lương trợ lý giáo sư để rồi đến năm 1997 gặp được Drew Weissman, người đồng nghiệp đã tin tưởng tôi tuyệt đối. Trong một loạt bài báo bắt đầu từ năm 2005, chúng tôi đã mô tả cách những sửa đổi nucleoside cụ thể trong mRNA dẫn đến giảm phản ứng miễn dịch...

Năm 2006, chúng tôi thành lập một công ty nhỏ có tên RNARx và nhận được khoản trợ 1 triệu USD từ các cơ quan Chính phủ. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì một lý do nào đó, trường đại học lại cho người khác làm. Đó là điều đau đớn nhất đối với tôi. Bởi tôi biết rằng nếu không có tiền tài trợ, nhà trường có quyền sa thải tôi. Nhưng khi chúng tôi đã có một công ty và nhận được tiền tài trợ từ Chính phủ, tại sao không giao nghiên cứu cho tôi?

 Tới Hà Nội, nhà khoa học lừng danh thế giới kể về quá khứ bị ruồng bỏ - Ảnh 4.
 Tới Hà Nội, nhà khoa học lừng danh thế giới kể về quá khứ bị ruồng bỏ - Ảnh 5.

Thanh An: Đã bao giờ vì khó khăn quá mà bà nghĩ đến chuyện từ bỏ?

Bà Katalin Kariko: Tại sao phải nghĩ đến chuyện từ bỏ trong khi bạn có thể tìm ra cách giải quyết khó khăn và vượt qua khó khăn?

Ngay cả sau khi đến Mỹ 10 năm, bạn bị cho thôi việc tại Đại học Pennsylvania. Để có tiền nghiên cứu về mRNA, bạn chấp nhận làm những công việc cấp thấp trong giới khoa học. Và rồi bạn nhận được tin mình bị ung thư ác tính tuyến nước bọt và phải cắt bỏ toàn bộ tuyến đó. Toàn là những tin khủng nhỉ!

Hồi còn học cấp 3, tôi được học về căng thẳng (stress - PV). Ở những năm 1930, các nhà khoa học đã phát hiện ra stress ảnh hưởng rất mạnh lên hành vi của con người. Ai cũng cho rằng stress tiêu cực có thể giết chết cả một người khỏe mạnh. Nhưng vấn đề không phải ở stress. Vấn đề ở cách chúng ta tiếp nhận nó. Đó mới là thứ giết chết chúng ta. Họ nói rằng chúng ta nên biến stress tiêu cực thành stress tích cực.

Ví dụ khi bị đuổi việc ở Hungary, tôi tìm đường sang Mỹ. Tại Đại học Pennsylvania, tôi bị đuổi tiếp, không hề thành công và phải nghỉ hưu. Tôi chấp nhận đồng ý với người ta rằng mình vô dụng, hoàn toàn vô dụng ư? Không. Lúc đó tôi tìm tới BioNTech. Thời tôi tìm đến BioNTech thậm chí công ty này còn không có cả website. Cũng chưa ai từng nghe nói tới nó. Bây giờ thì cả thế giới biết về BioNTech, cả thế giới tìm kiếm Pfizer-BioNTech.

Thời kỳ điều trị cắt bỏ tuyến nước bọt khiến nửa khuôn mặt bên phải của tôi bị tê liệt, không thể cử động miệng, không thể nhắm mắt lại... Sức khỏe của tôi thời điểm đó suy sụp nghiêm trọng. Nhiều người có thể nghĩ, vì bị ung thư nên phải nghỉ việc. Nhưng tôi tự nói với bản thân rằng có thể tôi sẽ chết sớm do vậy không được phép lãng phí thời gian vào lúc này. Tôi quay trở lại phòng thí nghiệm chỉ 1 ngày sau khi ra viện. Bởi vì chỉ có làm việc thì cảm giác mình vẫn ổn mới xuất hiện trong tôi.

Sau hơn 6 tháng điều trị, các bác sĩ ở Đức không còn tìm thấy bất kỳ dấu hiệu tế bào ác tính nào trong cơ thể tôi. Như vậy là ngay cả khi 60 tuổi tôi vẫn áp dụng những điều học được khi 16 tuổi. Và tôi thành công, lí do là tôi không bỏ cuộc và không bao giờ cảm thấy tuyệt vọng.

 Tới Hà Nội, nhà khoa học lừng danh thế giới kể về quá khứ bị ruồng bỏ - Ảnh 6.

Thanh An: Sang Việt Nam vào đúng sinh nhật của mình. Điều ước lớn nhất trong ngày sinh của bà là gì?

Bà Katalin Kariko: Mơ ước lớn nhất của tôi là mRNA được sử dụng trong điều trị.

Suốt 30 năm qua, chưa bao giờ tôi nguôi khao khát trở thành người đầu tiên được tận mắt chứng kiến mRNA giúp bệnh nhân chiến thắng bệnh tật. Thế giới này có quá nhiều người đang phải chịu đau đớn, thậm chí tử vong vì bệnh tật. Tôi chỉ mong muốn tạo ra điều khác biệt cho chính những con người đang khó khăn đó. Đó chính là động lực để tôi thức dậy và làm khoa học mỗi ngày.

Và nếu ngày này của 10 năm trước bạn hỏi tôi ước mơ gì - lúc tôi vừa mới nghỉ hưu, chưa có thành công nào lớn lao cả, chắc tôi sẽ không mơ mộng thêm điều gì nữa. Nhưng bây giờ, bạn biết đấy, tôi vẫn tiếp tục làm khoa học ở BioNTech và trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Cho nên tôi thực sự mong muốn mình trở thành nguồn cảm hứng cho người khác. Thú thực, tôi chưa từng mơ về điều này. Vì nếu mơ về nó thì tôi đã đi làm nghề diễn viên rồi. Tuy nhiên, chia sẻ sự kiên định và không bỏ cuộc là nhiệm vụ quan trọng tôi làm dành tặng thế hệ trẻ.

Chúng tôi muốn thấy thêm những nhà khoa học - cả nam và nữ - bởi vì làm khoa học rất vui. Và tôi cũng hy vọng các nhà khoa học trẻ luôn tìm thấy niềm vui trong quá trình nghiên cứu. Có thể công chúng nhìn vào rồi nghĩ rằng chúng tôi vất vả khi chọn nghề suốt ngày ngồi với ống nghiệm, kính hiển vi... Nhưng bản thân tôi chưa bao giờ ở trong khách sạn 5 sao mà thấy dễ chịu như ở trong phòng thí nghiệm.

Với tôi làm khoa học giống như chơi ghép hình hay giải ô chữ vậy. Chúng tôi có câu hỏi và tìm ra câu trả lời thông qua các thí nghiệm. Khi ở trong phòng thí nghiệm nghĩa là tôi đang quan tâm đến thứ không ai để tâm, nhưng mình lại nhìn thấy sự tiến triển trong đó. Sự kiên trì không phải là lặp đi lặp lại một điều gì đó mà trong quá trình nghiên cứu sẽ luôn nảy ra nhiều câu hỏi hơn. Mỗi một câu hỏi được giải đáp, bạn đạt được những tiến bộ. Và quá trình này là vô tận.

Khi bạn thấy kết quả đã khả quan hơn, có khả năng hiệu quả với vấn đề đặt ra, bạn sẽ chuyển sang bước tiếp theo - làm thí nghiệm trên động vật.

Khi chữa bệnh thiếu máu ở động vật, chúng tôi đã tiêm protein mRNA mang thông tin của hồng cầu vào cơ thể con vật. Kết quả thu được là những con vật trở nên hoạt bát hơn, xét nghiệm cho thấy các chỉ số máu tăng lên đáng kể. Đó là cách bạn đạt được thành quả, thu được sự phấn chấn và động lực để tiến bước.

Đôi khi về đến nhà tôi còn cảm giác sốt hết cả ruột, chỉ mong ngày hôm sau đến thật nhanh để bước vào phòng thí nghiệm. Cộng sự thường xuyên nghe tôi ước sao cho mình "già" nhanh một chút. Vài tiếng trong ngày cũng được hoặc "tham lam" hơn là "nhảy cóc" luôn vài ngày, hay một tuần, vài tuần sau đi. Bởi vì đó là lúc tôi nhìn thấy kết quả thí nghiệm.

Thanh An: Ồ, hóa ra tôi đang trò chuyện với một người hâm mộ phòng thí nghiệm. Xin chúc cho mọi mơ ước của bà sẽ thành hiện thực. Và hy vọng bà đã có những trải nghiệm thực sự đáng nhớ tại Việt Nam!

 Tới Hà Nội, nhà khoa học lừng danh thế giới kể về quá khứ bị ruồng bỏ - Ảnh 7.
 Tới Hà Nội, nhà khoa học lừng danh thế giới kể về quá khứ bị ruồng bỏ - Ảnh 8.

Theo Thanh An

Từ khóa:  vinfuture
Cùng chuyên mục
XEM