“Tôi dư tiền, 3 tháng nay chờ BĐS bán tháo để mua vào mà có thấy ai bán đâu”
Đó là chia sẻ của anh Q, một nhà đầu tư BĐS lâu năm tại thị trường Nhơn Trạch. 3 tháng nay, kể từ ngày dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại Tp.HCM và các tỉnh phía Nam, nhà đầu tư này ôm số tiền lớn để "canh" mua BĐS giảm giá, nhưng vẫn chưa mua được nền nào.
Theo anh Q, đợt dịch lần này rất lạ, mặc dù mức độ ảnh hưởng nặng hơn các đợt dịch lần trước, thế nhưng, đất nền mặc dù bất động (không phát sinh giao dịch) nhưng cũng không giảm giá/không bán rẻ. "Chắc do chỉ thị 16 không ai đi lại được nên không mua, không bán được gì, hoặc có thể do tâm lý là hết dịch, đất sẽ giống đợt dịch lần trước, nên nhiều người vẫn tâm lý giữ tài sản. Hoặc cũng có thể tại Nhơn Trạch thời gian gần đây, nhiều dự án hạ tầng giao thông, đường xá được hoàn thiện, khởi công nên nhiều NĐT có đất vẫn cố gắng giữ lại", anh Q cho hay.
Theo nhà đầu tư này, thường các đợt dịch trước, chỉ giãn cách xã hội tầm 15 ngày là có thể "săn" được BĐS giá rẻ ngay. Thời điểm dịch lần 1 và lần 2 (năm 2020) anh Q mua được một số BĐS giảm giá, rẻ hơn so với giá thị trường, và bán ra với giá chênh khi đất sốt trở lại vào hồi đầu năm nay.
"Tôi thấy rất lạ, 3 tháng nay tôi ôm tiền để "canh me" BĐS giảm giá, hay bán tháo để mua vào nhưng không có. Trước dịch tôi bán BĐS ra, thu lời, ôm tiền quá trời đợi mua rẻ lại trong đợt dịch này, mà đợi hoài không thấy ai bán, chưa mua được mảnh đất nào luôn", anh Q chia sẻ.
Còn với chung cư?, "Căn hộ tôi vẫn thấy tăng giá, hoặc giữ giá chứ cũng không giảm. 2 tháng trước, tại Tp.Thủ Đức có rao bán căn hộ 2.450 tỉ đồng/căn 2 phòng ngủ, chưa sổ. Nếu so với giá trước Tết đã tăng khoảng 200 triệu đồng. Như vậy, BĐS vẫn tăng giá chứ đâu giảm", anh Q cho hay.
Khi được hỏi, liệu dịch kéo dài, BĐS có đợt giảm giá vào cuối năm không?, anh Q cho rằng, tôi vẫn đợi để mua vào. Tuy nhiên, với tình hình này, tôi nghĩ là BĐS khó có đợt bán tháo. Hiện lãi suất ngân hàng thấp, lo ngại lạm phát nên nhà dầu tư sẽ trú ẩn dòng tiền vào BĐS, thậm chí còn nhiều hơn thời điểm trước đây.
Theo nhà đầu tư này, mặc dù thị trường vẫn xuất hiện một vài trường hợp nhà đầu tư gồng ngân hàng phải bán ra (bằng giá), hoặc giảm lợi nhuận, nhưng nhìn chung không nhiều. Đó là những NĐT sở hữu 1 đến 2 tài sản. Còn những nhà đầu tư sở hữu 10 đến vài chục sổ đỏ thì họ có thể chấp nhận bán rẻ một sổ, lấy tiền đó trả lãi ngân hàng và tiếp tục chờ dịch. Khi dịch được kiểm soát, BĐS lên giá họ bán ra bù lại.
"Những người có tiền họ vẫn sẵn sàng ôm BĐS, tích trữ tài sản nhiều. Những nhà đầu tư này quyết định rất nhanh. Chỉ cần ai bán rẻ là họ vào mua ngay", anh Q cho hay.
Vừa là môi giới lâu năm, vừa là nhà đầu tư kinh nghiệm, anh Q cho biết, thời điểm trước dịch một khách hàng tại Nghệ An mua 30 nền đất tại Nhơn Trạch, mỗi lô 1.5-4.5 tỉ đồng. Và hiện bây giờ dịch vẫn kêu công ty của anh Q tìm thêm vài lô để đầu tư.
"Nhiều khách đầu tư ruột kêu tôi canh hàng giá rẻ bán ra để mua vào, nhưng canh hoài không thấy. Chứng tỏ nhiều người vẫn trong tâm lý chờ đợi, nghe ngóng, chứ chưa vội bán ra. Có thể họ đã trải qua các đợt dịch khác, khả năng chuẩn bị cũng tốt hơn, nên để tìm được BĐS giảm giá, bán tháo ở thời điểm này là rất khó", anh Q khẳng định.